Tiêu điểm

Nhận diện 'đối thủ' Nhật Bản trên phương diện hợp tác kinh tế

(VNF) - Trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup 2022 sẽ diễn ra vào lúc 19h tối nay (11/11) trên sân vận động Mỹ Đình. Trên phương diện kinh tế, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là nước tài trợ ODA lớn nhất, là nhà đầu tư số 2 và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Nhận diện 'đối thủ' Nhật Bản trên phương diện hợp tác kinh tế

Trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản sẽ diễn ra vào lúc 19h ngày 11/11/2021.

Nhật Bản hiện có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Nhật Bản từng là quốc gia có số tài sản và sự giàu có thứ 2 thế giới chỉ sau Hoa Kỳ, tuy nhiên cho đến năm 2015 đã bị Trung Quốc vượt qua ở cả 2 chỉ tiêu kinh tế này.

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản được chính thức thành lập từ năm 1973, đến nay các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, chính trị, giao lưu văn hóa không ngừng được mở rộng.

Quan hệ Đối tác chiến lược của hai nước được thiết lập vào năm 2009 và nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á vào năm 2014.

Hiện nay, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 40 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 24,5 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Về đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 2 với 4.690 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký là 62,9 tỷ USD, chiếm khoảng 16% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp Nhật Bản đã thực hiện đăng ký vốn đầu tư đạt 3,2 tỷ USD. Đặc biệt, trong thời gian này chỉ có Nhật Bản là quốc gia duy nhất tăng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Nhật Bản là nhà tài trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam. Kể từ khi nối lại việc cấp ODA (năm 1992) đến nay, ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam chiếm tới hơn 1/3 tổng ODA của cộng đồng quốc tế cho Việt Nam, được phân bổ vào tất cả các lĩnh vực chủ chốt như nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, điện lực, công nghệ - thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo…

Thông qua các nguồn ODA của Nhật Bản, nhiều dự án của Việt Nam đã hoàn thành và đưa vào khai thác rất hiệu quả, trở thành biểu tượng sinh động cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, như Nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Nội Bài, Cầu Nhật Tân, Cầu Cần Thơ, Cầu Thanh Trì, Hầm đường bộ Hải Vân, Cảng Hải Phòng, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy, các tuyến đường sắt đô thị tại TP HCM và Hà Nội…

Cầu Nhật Tân- một biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Nhật

Trong thời gian gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước tiếp tục được đẩy mạnh. Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư nhằm tạo kênh trao đổi thông tin trực tiếp giữa doanh nghiệp hai nước.

Gần đây nhất, ngày 22/9/2021, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Trung tâm ASEAN – Nhật Bản và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản JETRO Hà Nội đã tổ chức chương trình hội thảo trực tuyến “Kết nối Đầu tư Việt Nam – Nhật Bản”, thu hút hơn 400 doanh nghiệp Nhật Bản và khu công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam tham dự.

Tại sự kiện này, ông Takeo Nakajima, trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh khó khăn do Covid-19, doanh nghiệp Nhật vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, đồng thời hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Thực tế, trong xu thế dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc từ giữa năm 2020, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản chọn Việt Nam làm điểm đến chuyển hướng đầu tư kinh doanh.

Giai đoạn 2019–2020 ghi nhận nhiều thương vụ M&A của nhà đầu tư Nhật Bản vào các lĩnh vực chính như bất động sản, xây dựng, tài chính - ngân hàng và dược phẩm - y tế.

Một số thương vụ M&A đáng chú ý của các nhà đầu tư Nhật Bản có thể kể đến như Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate mua lại 80% trong giai đoạn II Dự án Grand Park của Vingroup; Ngân hàng Aozora mua 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Phương Đông; Tập đoàn bất động sản Haseko mua 36% cổ phần của Công ty Xây dựng Ecoba; Công ty Dược phẩm ASKA mua 24,9% cổ phần của Công ty Dược Hà Tây…

Trước đó, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo (lúc đó đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam) ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục dành các dự án ODA mới, ưu tiên cho phát triển hạ tầng chiến lược; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, xanh, sạch; tăng cường hợp tác chuyển đổi số; thúc đẩy sớm mở cửa thị trường tiêu thụ thuận lợi cho nông thủy sản của Việt Nam và một số nông sản của Nhật Bản.

Về phía Việt Nam sẽ tiếp tục tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi và sẵn sàng đồng hành, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật.

* Sau 4 trận đấu tại bảng B, vòng loại thứ 3 World Cup 2022 tuyển Việt Nam chưa có điểm nào, trong khi Nhật Bản có 6 điểm (2 trận thắng, 2 trận thua)

Tin mới lên