Tài chính

Nhận định chứng khoán tuần tới (20-26/11): Cổ phiếu 'ngựa ô' và ngưỡng kháng cự 890 điểm

(VNF) - Tuần qua chứng kiến sự trỗi dậy của những cổ phiếu 'ngựa ô' dẫn dắt thị trường, nhưng chưa thể vượt qua ngưỡng kháng cự 890 điểm của VN-Index và 108 điểm với HNX-Index.

Nhận định chứng khoán tuần tới (20-26/11): Cổ phiếu 'ngựa ô' và ngưỡng kháng cự 890 điểm

Khối ngoại mua ròng 736 tỷ đồng, VN-Index tăng hơn 23 điểm

Khuyến nghị đầu tư chứng khoán tuần tới

Hầu hết công ty chứng khoán và chuyên gia phân tích đưa ra khuyến nghị đầu tư chứng khoán tuần tới (ngày 20-26/11/2017)như sau: VN-Index có thể nhanh chóng chinh phục đỉnh cao mới nhưng nhà đầu tư nên quan sát diễn biến thị trường tại các ngưỡng kháng cự để có hành động phù hợp

Về mặt kỹ thuật, sự luân phiên tăng giá của nhóm các cổ phiếu dẫn dắt giúp các chỉ số duy trì đà tăng điểm để vượt qua các ngưỡng kháng cự mạnh 890 điểm với VN-Index và 108 điểm với HNX-Index. Thanh khoản thị trường được cải thiện, nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng mạnh các mã trong nhóm VN30 là những tín hiệu tích cực hỗ trợ thị trường.

Trong phiên tới, các chỉ số có thể kiểm nghiệm các ngưỡn kháng cự cao hơn tương ứng ngưỡng 895-900 điểm với VN-Index và 109-110 điểm với HNX-Index. Nhà đầu tư nắm giữ danh mục hiện tại nhằm tận dụng đà tăng điểm của thị trường, đồng thời quan sát diễn biến thị trường tại các ngưỡng kháng cự để có hành động phù hợp.

Khối ngoại dẫn dắt

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 23,33 điểm lên mức 890,69 điểm tương ứng với mức tăng 2,69%, HNX-Index tăng 1,94 điểm lên mức 108,31 điểm tương ứng với mức tăng 1,82%. UPCOM-Index tăng 0,14 điểm lên mức 52,98 điểm tương ứng với mức tăng 0,26%.

Thanh khoản trên cả hai sàn đều đồng loạt tăng trưởng mạnh. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 171,6 triệu đơn vị trên phiên tăng trưởng 19,20% so với tuần giao dịch trước, trong khi trên sàn HNX đạt 49,5 triệu cổ phiếu trên phiên, tăng 39,84%.

Khối ngoại đã mua ròng 6,12 triệu đơn vị với tổng giá trị 736,26 tỷ đồng, giảm mạnh 96,37% về lượng và giảm 90,66% về giá trị so với tuần trước (mua ròng 168,78 triệu đơn vị, tổng giá trị lên tới 7.879,61 tỷ đồng).

Trên sàn HOSE, khối ngoại thực hiện 3 phiên mua ròng và 2 phiên bán ròng. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 1,69 triệu đơn vị, trong khi tuần trước mua ròng tới hơn 160 triệu đơn. Tuy nhiên, tổng giá trị vẫn là mua ròng 472,03 tỷ đồng, giảm mạnh 93,88% so với tuần trước (mua ròng khủng 7.712,81 tỷ đồng).

Trong đó, khối này đã mua vào 166,81 triệu đơn vị, giá trị 17.628,04 tỷ đồng (giảm 66,58% về lượng và giảm 24,48% về giá trị so với tuần trước đó) và bán ra 168,5 triệu đơn vị, giá trị 17.156,01 tỷ đồng (giảm 50,3% về lượng nhưng tăng 9,76% về giá trị so với tuần trước).

Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài cũng thực hiện 3 phiên mua ròng và 2 phiên bán ròng. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 1,58 triệu đơn vị, giảm 56,57% so với tuần trước; nhưng tổng giá trị là bán ròng 7,61 tỷ đồng, trong khi tuần trước đó mua ròng 65,15 tỷ đồng.

Cụ thể, khối này đã mua vào với khối lượng 6,95 triệu đơn vị, giá trị 90,7 tỷ đồng (giảm 18,85% về lượng và 42% về giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 5,37 triệu đơn vị, giá trị 98,31 tỷ đồng (tăng nhẹ 9,1% về lượng và 7,74% về giá trị so với tuần trước).

Cổ phiếu VNM là mã được mua ròng mạnh nhất trong tuần, với khối lượng hơn 5,5 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 998,75 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong tuần qua, nhà đầu tư ngoại đã mua thỏa thuận 71,45 triệu cổ phiếu VNM, giá trị lên tới 13.153,57 tỷ đồng và bán thỏa thuận 68,15 triệu cổ phiếu VNM, giá trị 12.553,72 tỷ đồng.

Đứng ở vị trí tiếp theo cổ phiếu ngành thép, cụ thể HPG được mua ròng 3,37 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 129,12 tỷ đồng và HSG được mua ròng 3,2 triệu đơn vị, giá trị 75,35 tỷ đồng.

Trái lại, nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu mới VRE với khối lượng 8,57 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 378,58 tỷ đồng.

Tiếp đó, CII bị bán ròng 7,69 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 238,07 tỷ đồng và VIC bị bán ròng hơn 5,3 triệu đơn vị, giá trị 367,72 tỷ đồng.

Ngoài ra, khối ngoại còn bán ròng khá mạnh một số mã khác như SBT (3,41 triệu đơn vị, giá trị 73,18 tỷ đồng), MSN (2,61 triệu đơn vị, giá trị 152,74 tỷ đồng).

Diễn biến giao dịch tuần qua

Các chỉ số thị trường tiếp tục duy trì sức nóng trong tuần qua. Kịch bản giao dịch không có nhiều thay đổi khi sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu blue-chip với VNM, VIC, VCB, BID, CTG… vẫn là động lực tăng trưởng chủ đạo trên thị trường.

Nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 tiếp tục hút tiền rất tốt. Xét trên tổng thể, đà tăng của nhóm cổ phiếu này không thực sự dễ dàng trong tuần qua. Diễn biến phân hóa vẫn xuất hiện trong các phiên giữa tuần. Thanh khoản sụt giảm khiến những lo ngại về khả năng phân phối đỉnh trên thị trường dâng cao. 

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là khả năng nâng giá của lực cầu vẫn hiện diện. Nhờ đó các nhịp rung lắc dù xuất hiện liên tục qua các phiên nhưng cũng không thể tạo sức ép lớn lên các chỉ số. 

Cùng với đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chuyển biến tích cực hơn trong tuần qua. Sắc xanh lan tỏa trên diện rộng cùng sự nhập cuộc mạnh của dòng tiền giúp gia tăng cơ hội sinh lời ở các nhóm cổ phiếu này. Tâm lý hưng phấn thể hiện rõ nhất ở nhóm cổ phiếu này với AMD, LSS, OGC… nhờ sự hiện diện sôi động của dòng tiền đầu cơ.

Phiên cuối tuần, chuỗi tăng điểm qua 10 phiên liên tiếp của VN-Index đã chấm dứt trước sự gia tăng trở lại của áp lực bán. Tuy vậy, mốc 890 điểm vẫn được bảo toàn khi kết phiên nhờ khả năng neo giữ tốt từ các cổ phiếu như VIC, VRE, ROS…

Top cổ phiếu tăng/giảm đáng chú ý

Về phía nhóm ngành chỉ duy nhóm dầu khí giảm điểm trong tuần này với mức giảm 2,85%, còn lại công nghệ thông tin tăng 6,75%, công nghiệp tăng 3,85%, dược phẩm tăng 4,57%, ngân hàng tăng 2,05%, tài chính tăng 3,75%...

Quán quân tăng điểm trong tuần này là DAT của Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản. Với 4 phiên tăng mạnh và 1 phiên duy nhất vào giữa tuần ngày 15/11 đứng giá, cổ phiếu DAT đã tăng từ mức 21.400 đồng/cổ phiếu lên mức 26.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 21,5%.

Cổ phiếu HDG tăng 11.36% trong tuần qua nhiều khả năng đến từ sự nhập cuộc sôi động của dòng tiền bắt đáy. HDG đã giảm giá mạnh trong hơn 1 tháng qua xuất phát từ động thái thoái vốn liên tục của Bộ Quốc phòng ở cổ phiếu này. Hiện tại, Bộ Quốc phòng vẫn đang thực hiện thoái hơn 6.78 triệu cổ phiếu (8.93%) kể từ ngày 30/10 đến ngày 28/11.

Cổ phiếu LSS tăng 13.10% trong tuần qua nhiều khả năng đến từ thông tin gia đình ông Lê Trung Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị LSS lại đăng ký mua vào 3.5 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 17/11 đến 16/12 và Hội đồng quản trị LSS quyết định sẽ mua lại 6 triệu cổ phiếu quỹ kể từ ngày 01/12 đến ngày 31/12.

Cổ phiếu PNC của Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam vẫn là cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần khi tiếp tục duy trì đà giảm trong 5 phiên liên tiếp, đã đẩy giá cổ phiếu này về mức 19.550 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm 24,66%.

Như vậy, ngày sau khi lập mức đỉnh 35.100 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên 2/11), PNC đã trải qua chuỗi lao dốc mạnh và chỉ trong hơn 2 tuần (từ phiên 2/11 đến nay), cổ phiếu PNC đã mất tới 44,3%.

Thông tin khiến PNC liên tục sụt giảm mạnh có thể là do mâu thuẫn kéo dài giữa nhóm cổ đông lớn và nhóm cổ đông nắm quyền điều hành doanh nghiệp PNC mà đại diện là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc đương nhiệm.

Cổ phiếu HTT giảm 15% trong tuần qua trước động thái thoát hàng ồ ạt của giới đầu tư. Điểm cần lưu ý là dù điều chỉnh mạnh nhưng thanh khoản của cổ phiếu này đã tăng trưởng đột biến trong tuần qua.

Cổ phiếu KSA giảm 14.45% trong tuần qua nhiều khả năng đến từ những thông tin về việc KSA chấm dứt hoạt động tại trụ sở chính và dự án Nhà máy Xỉ Titan cũng đã tạm dừng hơn 1 năm nay.


Tin mới lên