Tài chính cá nhân

Nhận định cổ phiếu ngày 19/1: DCM, POW và SCS

Nhận định cổ phiếu đáng chú ý của một số công ty chứng khoán đưa ra trước phiên giao dịch ngày 19/1, bao gồm DCM, POW và SCS.

Nhận định cổ phiếu ngày 19/1: DCM, POW và SCS

Nhận định cổ phiếu ngày 19/1: DCM, POW và SCS

FPTS: Khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu DCM, giá mục tiêu 42.200 đồng

Nhà máy NPK của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) đã vận hành từ tháng 4 năm 2021 với sản lượng tiêu thụ trong 9 tháng năm 2021 đạt gần 30 nghìn tấn. Với triển vọng tích cực từ mảng NPK chất lượng cao và hệ thống phân phối có sẵn ở khu vực Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và ở thị trường xuất khẩu như Campuchia, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) kỳ vọng nhà máy NPK có thể đạt sản lượng 230 nghìn tấn vào năm 2025. Tới năm 2025, doanh thu mảng NPK ước tính sẽ đạt 2.252 tỷ đồng, chiếm gần 18,5% trong tổng doanh thu của DCM.

Trong 9 tháng năm 2021, lợi nhuận gộp của DCM tăng 57,8% so với cùng kỳ, trong đó biên lợi nhuận gộp 9 tháng năm 2021 đạt 22,8%. Nguyên nhân xuất phát từ việc giá bán các sản phẩm phân bón đầu ra chính như Urê và phân bón thương mại tăng nhanh hơn so với giá khí đầu vào quy đổi theo dầu FO và dầu Brent.

Bên cạnh đó, chi phí tài chính giảm nhờ chi phí lãi vay trong 9 tháng năm 2021 giảm 84% so với cùng kỳ khi DCM đã tất toán khoản nợ vay dài hạn cho dự án nhà máy Đạm Cà Mau trong quý III năm 2021. Chi phí bán hàng 9 tháng năm 2021 tăng nhẹ so với cùng kỳ do chi phí quảng cáo tăng mạnh trong quý III năm 2021 để kích cầu tiêu dùng khi quý III năm 2021 đồng thời là thời điểm trái vụ và dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ do DCM trích 97 tỷ đồng (tăng 223,4% so với cùng kỳ) vào quỹ khoa học và công nghệ trong quý II năm 2021.

Dự phóng cho năm 2022, EIA kỳ vọng rằng mức độ tăng trưởng sản lượng khai thác dầu thô từ các nước OPEC+, Hoa Kỳ và các nước ngoài OPEC sẽ vượt qua tốc độ tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ đang chậm lại, khiến giá dầu thô Brent dự kiến giảm từ mức hiện tại xuống mức trung bình 71,91 USD/thùng.

Vì vậy, FPTS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DCM, giá mục tiêu 42.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn 45% so với giá đóng cửa ngày 18/1/2022.

Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu DCM của Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) tại đây.

Yuanta: Khuyến nghị bán đối với cổ phiếu POW, giá mục tiêu 13.147 đồng

Năm 2021, doanh thu sơ bộ của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HoSE: POW) ước tính giảm 13,8% so với cùng kỳ, còn 25.625 tỷ đồng, chủ yếu do sản lượng đầu ra giảm. Sản lượng giảm 30,6% so với cùng kỳ, còn 14.701 triệu kWh. POW chỉ hoàn thành 79% kế hoạch sản lượng năm 2021 (tương đương 18.700 triệu kWh).

Ban lãnh đạo cho rằng sản lượng huy động sụt giảm trong năm 2021 là do nhu cầu điện thấp hơn vì đại dịch COVID-19 bùng phát. Một nguyên nhân khác là do nguồn cung năng lượng mặt trời được tăng thêm từ năm 2020 nhờ vào chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo (NLTT).

Lợi nhuận trước thuế năm 2021 ước tính giảm 24% so với cùng kỳ, còn 2.184 tỷ đồng mặc dù đã ghi nhận khoản thu nhập bất thường trị giá khoảng 306 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2021 từ việc thoái vốn 51,58% cổ phần của công ty con PVM. Dẫn đến quý IV năm 2021 lỗ ròng 124 tỷ đồng, so với quý IV năm 2020 là lãi ròng 892 tỷ đồng.

Đáng chú ý, sự cố tại nhà máy Vũng Áng vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. POW đã phải đóng cửa nhà máy nhiệt điện Vũng Áng để giải quyết sự cố kỹ thuật vào tháng 9 năm 2021 và theo dự kiến ban đầu sẽ hoàn thành trước ngày 21/10. Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất thì có vẻ công ty không thể đưa nhà máy trở lại vận hành như bình thường. Cụ thể, tổ máy số 1 (S1) của nhà máy có thể đã ngưng hoạt động kể từ khi các sự cố kỹ thuật xuất hiện hồi tháng 9.

Hơn nữa, Vũng Áng chiếm 38% tổng doanh thu 9 tháng năm 2021 của POW, vì thế việc đóng cửa nhà máy, mặc dù chỉ là tạm thời, cũng có thể sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sản lượng quý I năm 2022 và từ đó tác động đến doanh thu.

Do đó, Yuanta khuyến nghị bán đối với POW với giá mục tiêu là 13.147 đồng/cổ phiếu.

Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu POW của Công Ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam tại đây.

FPTS: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu SCS, giá mục tiêu 169.100 đồng

9 tháng năm 2021, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HsSE: SCS) đạt 576,4 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng từ hoạt động xuất nhập khẩu và Vietjet Air và Bamboo Airways tăng cường vận chuyển hàng hóa nội địa nhằm bù đắp cho doanh thu sụt giảm từ mảng hành khách. Từ tháng 6 năm 2021, sản lượng hàng hóa của SCS bắt đầu chịu sự ảnh hưởng tiêu cực từ đợt dịch thứ tư, tuy nhiên đã bắt đầu hồi phục từ tháng 9.

Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp đạt 79,6%, tăng so với 9 tháng năm 2020. Nguyên nhân do SCS tái kí kết hợp đồng phục vụ hàng hóa với một số hãng hàng không với mức giá cao hơn trong bối cảnh cước phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tăng và các chuyến bay chở hàng hóa thuê chuyến (có mức phí cao hơn các chuyến bay bình thường) tăng cường hoạt động khi số chuyến bay thương mại chở hàng hóa giảm.

Theo dự báo của IATA, năm 2022 sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không của thế giới kì vọng tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng khá tương đương mức trong giai đoạn 2009 – 2018 với CAGR là 4,6%. Thêm vào đó, triển vọng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam khả quan trong năm 2022 khi được dự báo tăng trưởng 14,1% so với cùng kỳ (theo Fitch Solutions). Với những yếu tố tích cực như vậy, Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) dự phóng sản lượng hàng hóa năm 2022 của SCS đạt mức 244 nghìn tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ.

Vì vậy, FPTS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu SCS, giá mục tiêu 169.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng tăng 7,84% so với giá đóng cửa ngày 18/1/2021.

Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu SCS của Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) tại đây.

Từ khoá: iMoney,
Tin mới lên