Tài chính cá nhân

Nhận định cổ phiếu ngày 27/4: VNM, ANV và FRT

Nhận định cổ phiếu đáng chú ý của một số công ty chứng khoán đưa ra trước phiên giao dịch ngày 27/4, bao gồm: VNM, ANV và FRT.

imoney-vnm

VNDirect: Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu VNM, giá mục tiêu 110.000 đồng

Trong năm 2021, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) đã phát triển thêm hai thị trường xuất khẩu mới, nâng tổng số quốc gia xuất khẩu lũy kế lên 57 thị trường với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,6 tỷ USD, tăng 8,0% so với năm 2020. Doanh thu xuất khẩu năm 2022 của VNM dự kiến tăng trưởng 5-10% so với cùng kỳ nhờ mở rộng danh mục sản phẩm cao cấp ra thị trường nước ngoài.

Đại hội cổ đông VNM đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu đạt 64.070 tỷ, tăng 5,0% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng đạt 9.720 tỷ, giảm 7,7% so với cùng kỳ do lo ngại giá nguyên liệu đầu vào tăng. Theo ban lãnh đạo, VNM đã chốt giá sữa bột nguyên kem đến tháng 8/2022. 

VNM duy trì kế hoạch trả cổ tức bằng tiền 3.850 đồng/cổ phiếu năm 2022 với tỷ suất cổ tức 5,27%. Công ty dự kiến chi trả cổ tức đợt 1 vào tháng 8/2022 với mức 1.500 đồng/cổ phiếu. Công ty không có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ trong năm nay.

Theo ban lãnh đạo, giá trị thị trường sữa Việt Nam đã tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021 và vẫn còn tiềm năng tăng trưởng theo tốc độ tăng trưởng GDP. Giá trị thị trường sữa dự kiến đạt 136.000 tỷ đồng vào năm 2025. Do đó, VNM đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kép doanh thu là 10,3% trong 3 năm tới lên 86.000 tỷ vào 2025. Ngoài ra, VNM vẫn đang tìm kiếm các cơ hội M&A trong ngành hàng tiêu dùng nhanh liên quan đến dinh dưỡng.

Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu VNM của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect tại đây.

VCSC: Không đánh giá đối với cổ phiếu ANV

Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV) là nhà xuất khẩu cá tra lớn thứ ba tại Việt Nam với thị phần xuất khẩu đạt khoảng 6% vào năm 2021. Các thị trường chính của ANV bao gồm Mỹ Latinh, Đông Nam Á và Trung Quốc.

Do nhu cầu thấp từ ngành dịch vụ ăn uống và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch Covid-19 trong giai đoạn 2020-2021, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 của ANV chỉ bằng 17% con số của năm 2019. Tuy nhiên, ngành cá tra có dấu hiệu phục hồi vào đầu năm 2022 sẽ thúc đẩy lợi nhuận của ANV. Cụ thể, tính đến tháng 4/2022, giá cá tra nguyên liệu của Việt Nam tăng 33% so với đầu năm và 45% so với cùng kỳ năm trước lên 1,4USD/kg do nhu cầu phục hồi mạnh mẽ và nguồn cung cá tra của Việt Nam bị hạn chế. ANV sở hữu chuỗi giá trị tích hợp với 100% cá tra nguyên liệu được tự chủ, đây sẽ là lợi ích lớn trong giai đoạn tăng giá cá tra.

Việc mở rộng sang các sản phẩm collagen và gelatin (C&G) và sự đóng góp ngày càng tăng từ thị trường Mỹ đẹm lại tiềm năng tăng trưởng dài hạn. ANV đang mở rộng sang mảng C&G giá trị cao tương tự như công ty dẫn đầu ngành VHC. Nhà máy C&G đầu tiên của ANV đã được xây dựng vào cuối năm 2021. ANV cũng nhận có mức thuế chống bán phá giá 0% đối với cá tra philê đông lạnh xuất sang Mỹ trong năm 2021. Đóng góp ngày càng tăng từ C&G và thị trường Mỹ sẽ cải thiện sự ổn định kinh doanh của ANV; tuy nhiên, điều này sẽ mất vài năm để bắt đầu đóng góp tích cực.

Trong bối cảnh này, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2022 của ANV có thể vượt mức của năm 2019.

Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu ANV của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt(VCSC) tại đây.

imoney-frt

PHS: Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu FRT, giá mục tiêu 172.600 đồng

Đầu năm 2022, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HoSE: FRT) cho biết nguồn cung hàng hóa của Công ty vẫn không bị đứt gãy do chiến tranh giữa Nga và Ukraine bởi FRT là đối tác lớn với các nhãn hàng vì thế Công ty được hưởng việc ưu tiên nhập hàng và thường ký trước hợp đồng nhập hàng trong vòng 3 tháng. Đây cũng là nhân tố tích cực giúp FRT ghi nhận kết quả kinh doanh quý I vượt trội với mức tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 65%và gấp 5 lần so với năm 2021, hoàn thành 28% kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của năm 2022. 

Ngoài ra, ban lãnh đạo FRT đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2022 của công ty với doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế mục tiêu 27.000 tỷ đồng và 720 tỷ đồng ,lần lượt tăng 20% và 30% so với mức thực hiện năm 2021. FPT Shop kỳ vọng tăng trưởng hai chữ số trong năm 2022 khi Công ty đã có chiến lược mở rộng chuỗi F.Studio; Đẩy mạnh các điểm bán PC Gaming; Ghi nhận doanh thu từ nhãn hàng mới  và nghiên cứu, triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo. Trong trung và dài hạn, Ban lãnh đạo FRT nhận định mức tăng trưởng ngành hàng ICT vẫn tăng trưởng tốt.

Đối với chuỗi nhà thuốc Long Châu, FRT dự kiến mở thêm ít nhất 300 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên khoảng từ 700 – 800 vào cuối năm 2022. Mục tiêu doanh thu/ cửa hàng cũ của Long Châu trong 2022 xấp xỉ 1,5 tỷ đồng, tăng 20%-30 so với năm 2021. Bên cạnh đó, Long Châu sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống logistic phục vụ cho việc tăng trưởng nhanh số lượng cửa hàng và tối ưu hàng hoá, đồng thời tập trung quản lý chất lượng sản phẩm. Ban lãnh đạo kỳ vọng lợi nhuận Long Châu đóng góp 50-100 tỷ đồng trong tổng doanh thu của FRT. 

Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu FRT của Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng tại đây.

Từ khoá: iMoney,
Tin mới lên