Tài chính cá nhân

Nhận định cổ phiếu ngày 9/5: CTG, MWG và VRE

Nhận định cổ phiếu đáng chú ý của một số công ty chứng khoán đưa ra trước phiên giao dịch ngày 9/5, bao gồm: CTG, MWG và VRE.

imoney-ctg

BVSC: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu CTG

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) đã công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với lợi nhuận sau thuế đạt 4.664 tỷ đồng, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của VietinBank sụt giảm do nền cùng kỳ ở mức rất cao cũng như chi phí dự phòng tăng mạnh.

Quý I/2022, tín dụng VietinBank tăng 9,1% cho đến nay, đây là mức tăng trưởng tín dụng trong một quý cao nhất từ giữa năm 2018 tới nay và cao gần gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 5%. Nợ gốc tái cơ cấu cuối quý I/2022 giảm về mức 8,4 nghìn tỷ đồng so với mức 10,3 nghìn tỷ đồng cuối năm 2021. Với quan điểm thận trọng, VietinBank tiếp tục trích lập dự phòng cao với chi phí trích lập dự phòng trong quý 1 là 4.427 tỷ đồng, tăng 228% so với cùng kỳ năm 2021. 

Năm 2022, doanh thu của VietinBank được kì vọng tăng mạnh. Trong năm 2021, VietinBank đã thí điểm miễn phí chuyển khoản cho các khách hàng có điều kiện cũng như cung cấp các gói thu phí với mức phí khá thấp làm cho doanh thu phí ngân hàng số của VietinBank giảm xuống. Mức sụt giảm doanh thu phí ngân hàng số sẽ không gây tác động trọng yếu khi VietinBank chính thức miễn phí chuyển khoản cho toàn bộ bộ khách hàng từ đầu năm 2022.

Thỏa thuận hợp tác giữa VietinBank và Manulife chính thức có hiệu lực từ ngày 29/12/2021. Cùng với đó Bộ Tài chính cũng đa phê duyệt thương vụ Manulife mua lại Aviva do đó VietinBank đã đủ điều kiện để ghi nhận khoản phí trả trước. Ban lãnh đạo VietinBank chia sẻ rằng phí trả trước sẽ được ghi nhận trong 5 năm. 

Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu CTG của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt tại đây.

KBSV: Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu MWG, giá mục tiêu 169.500 đồng

Luỹ kế quý I/2022, doanh thu thuần của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) đạt 36,466 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 1.445 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Qua đó, MWG hoàn thành lần lượt 26% và 23% kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận sau thuế đặt ra. 

Tính trong quý I/2022, hai chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh đóng góp 30.000 tỷ đồng doanh thu tương đương mức tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu loại bỏ doanh thu đóng góp từ chuỗi cửa hàng Topzone, doanh số từ Thế giới di động/Điện máy xanh đạt 29.530 tỷđồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. 

Đối với riêng MWG, dư địa tăng trưởng cho thị trường vẫn tích cực nhờ nhu cầu mua sắm phục hồi sau 2 năm dịch bệnh, tiếp tục đẩy mạnh chuỗi Điện máy xanh dự kiến sẽ vận hành ít nhất 1.000 cửa hàng vào cuối năm 2022, nâng cấp các cửa hàng Thế giới di động thành Điện máy xanh nhằm tạo thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng tại các vùng chưa có cửa hàng Điện máy xanh, tiềm năng nâng cấp Điện máy xanh thành các trung tâm điện máy lớn quy mô 3.000m2.

Trong năm 2022, ban lãnh đạo chia sẻ sẽ tập trung tối ưu hoá nền tảng back-end của Bách hóa xanh, hướng tới tự động hoá nhiều hơn thay vì phụ thuộc vào quản lý của con người. Việc tối ưu nền tảng quản trị bao gồm dự báo sản lượng hàng hoá cần nhập, kiểm soát thiếu hàng, chỉ định danh mục hàng hoá theo khu vực/đặc trưng từng khách hàng, …

Kết quả hoạt động kinh doanh của MWG năm 2022 ước tính doanh thu thuần đạt 141.026 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021  và lợi nhuận sau thuế đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021. Trong năm 2023, mức doanh thu thuần của MWG ước tính đạt 151.171 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế ở mức 7.550 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021.

Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu MWG của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam tại đây.

Vincom

ACBS: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VRE, giá mục tiêu 34.000 đồng

Kết quả kinh doanh quý I/2022 của Công ty Cổ phần Vincom Retail  (HoSE: VRE) thấp hơn quý I/2021 do bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng phục hồi mạnh so với quý IV/2021 với tổng doanh thu đạt 1.369 tỷ đồng (giảm 38% theo năm nhưng tăng 0,2% theo quý) và lợi nhuận sau thuế đạt 378 tỷ đồng (giảm 52% theo năm nhưng tăng 210% theo quý).

Doanh thu cho thuê bất động sản đạt 1.246 tỷ đồng do chi gói hỗ trợ 464 tỷ đồng để miễn, giảm tiền thuê cho khách thuê bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thấp hơn mức 766 tỷ đồng chi trong quý IV/2021. VRE kỳ vọng gói hỗ trợ sẽ tiếp tục giảm trong các quý tiếp theo khi nền kinh tế phục hồi.

Trong năm 2022, ba TTTM mới dự kiến sẽ được khai trương trong đó VMM Smart City với tổng diện tích sàn là 68.000 m2 khai trương vào ngày 28/4/2022 và VCP Mỹ Tho và VCP Bạc Liêu với tổng diện tích sàn khoảng 27.000 m2 sẽ được khai trương vào tháng 6/2022.

Từ năm 2022 đến 2026, VRE điều chỉnh kế hoạch mở rộng từ 3 triệu m2 sàn bán lẻ xuống 1,4-2,0 triệu m2 với tổng vốn đầu tư dự kiến là 0,7-1 tỷ USD chủ yếu lấy từ dòng tiền hoạt động kinh doanh. Công ty cũng muốn nâng cấp cơ cấu khách thuê trong 20-25 TTTM hiện hữu vào năm 2022-2023 và cải thiện hệ thống chiếu sáng và biển báo trong tất cả các TTTM.

Doanh thu chuyển nhượng bất động sản giảm 81% theo năm và 81% theo quý, xuống 84 tỷ đồng do số lượng nhà phố thương mại bàn giao thấp hơn. Mặt khác, việc mở bán có sự cải thiện rõ rệt. Hơn 270 căn nhà phố thương mại, trong đó có 240 căn từ dự án ở Quảng Trị, được bán ra với tổng giá trị hợp đồng gần 1.600 tỷ đồngtrong quý I/2022. Công ty đặt mục tiêu bán gần 600 căn với giá trị hơn 3.100 tỷ đồng cho cả năm 2022. Tuy nhiên, đóng góp của doanh thu chuyển nhượng bất động sản sẽ giảm trong những năm tới do VRE sẽ tập trung vào mảng kinh doanh chính là cho thuê bất động sản.

Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu VRE của Công ty Cổ phần Chứng khoán Á Châu (ACBS) tại đây.

Từ khoá: iMoney,
Tin mới lên