Tiêu điểm

Nhân sự tuần qua: Hai doanh nghiệp nhà nước nhiều tai tiếng chính thức có tân Tổng giám đốc

(VNF) - Ngày 4/12, UBND TP. HCM đã trao quyết bổ nhiệm các vị trí chủ chốt tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (Sagri) và Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC). Đây đều là 2 đơn vị đã để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến đất đai, cổ phần hoá trong thời gian qua.

Nhân sự tuần qua: Hai doanh nghiệp nhà nước nhiều tai tiếng chính thức có tân Tổng giám đốc

Hai doanh nghiệp nhà nước nhiều tai tiếng chính thức có tân Tổng giám đốc.

Sagri có tân Chủ tịch và Tổng giám đốc

Ngày 4/12, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm các vị trí tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (Sagri).

Theo đó, ông Trần Ngọc Hổ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn trong thời hạn 5 năm.

UBND TP. HCM cũng điều động, bổ nhiệm ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP. HCM giữ chức vụ thành viên không chuyên trách HĐTV, Tổng giám đốc Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn trong thời hạn 5 năm.

Liên quan đến Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn, như VietnamFinance đã thông tin, nguyên Tổng giám đốc Sagri là ông Lê Tấn Hùng trước đó đã bị bắt khởi tố và bắt tạm giam do liên quan đến vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Sagri, quy định tại Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc, đối với Vân Trọng Dũng (nguyên Chủ tịch HĐTV Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn) và Nguyễn Thị Thúy (nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn).

Cả 2 bị can trên đều bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí” quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

>>>Xem thêm: Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn có tân Chủ tịch và Tổng giám đốc

Ông Phạm Phú Quốc được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tân Thuận

Ngày 4/12, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định điều động và bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM giữ chức vụ thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.

Ông Phạm Phú Quốc sinh ngày 3/4/1968, quê quán xã Triệu Phong, huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng Trị. Ông tốt nghiệp trường Đại học Thủy sản Nha Trang, có bằng kỹ sư hàng hải và bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh.

Từ năm 1998 - 2014, ông Phạm Quốc Phú làm việc tại Tổng công ty Bến Thành. Tại đây, ông từng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bến Thành.

Tháng 9/2015, ông Phạm Phú Quốc được UBND TP. HCM bổ nhiệm giữ chức vụ thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) với thời hạn 5 năm. Ngoài ra, khi đang là Tổng giám đốc HFIC, ông còn trúng cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam (lần đầu) khóa XIV, nhiệm kì 2016-2021.

Đến tháng 2/2018, ông Phạm Phú Quốc được UBND TP. HCM điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh với thời hạn 5 năm.

>>>Xem thêm: Sau nhiều sai phạm, Tân Thuận chính thức có tân Tổng giám đốc

Bà Lê Thúy Hằng trở thành tân Tổng giám đốc SJC

Bà Lê Thúy Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) vừa được bổ nhiệm làm thành viên không chuyên trách hội đồng thành viên, Tổng giám đốc SJC.

Bà Lê Thúy Hằng, sinh năm 1970 tại Hải Phòng, có trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh, thạc sĩ tài chính ngân hàng. Bà Hằng sẽ giữ ghế Tổng giám đốc SJC trong vòng 5 năm.

Được thành lập từ năm 1988, SJC hiện là một trong những doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý lớn nhất tại thị trường Việt Nam, cùng với những tên tuổi khác như PNJ; Bảo Tín Minh Châu; Phú Quý...

Hiện trong số những doanh nghiệp kinh doanh vàng trên thị trường, chỉ duy nhất SJC là đơn vị do nhà nước sở hữu 100% vốn, còn lại đều do tư nhân sở hữu.

SJC là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP. HCM, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con như một tập đoàn kinh doanh đa ngành, trong đó sản xuất, kinh doanh vàng và trang sức là ngành kinh doanh chính, bên cạnh còn có địa ốc, đầu tư tài chính và dịch vụ.

SJC đang vận hành hệ thống 23 chi nhánh, 6 công ty con và 6 công ty liên kết, 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư. Mạng lưới kinh doanh phân phối gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức, trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc.

>>>Xem thêm: Bà Lê Thúy Hằng trở thành tân Tổng giám đốc SJC

Đắk Lắk và Đắk Nông đồng loạt có tân Giám đốc công an tỉnh

Ngày 6/12, tại Công an tỉnh Đắk Nông, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, trung tướng Lương Tam Quang đã trao quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an điều động và bổ nhiệm đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, đến nhận công tác và giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk.

Đại tá Lê Văn Tuyến sinh năm 1973, quê huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Năm 2017, đại tá Lê Văn Tuyến được Bộ Công an điều động giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông. Trước khi đảm nhiệm vị trí này, đại tá Lê Văn Tuyến là Phó cục trưởng Cục tham mưu, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân.

Cũng tại đây, thứ trưởng Lương Tam Quang cũng đã trao quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về điều động và bổ nhiệm đại tá Hồ Văn Mười, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an đến nhận công tác và giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông.

Được biết, Đại tá Hồ Văn Mười sinh năm 1969, quê huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.

>>>Xem thêm: Đắk Lắk và Đắk Nông đồng loạt có tân Giám đốc công an tỉnh

Phó Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm cho 18 tân Đại sứ đặc mệnh

Ngày 6/12,thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã dự và trao quyết định bổ nhiệm 18 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2022.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, sau gần 35 năm Đổi mới, thế và lực của đất nước đã được nâng cao đáng kể. Các đối tác đều đánh giá cao và coi trọng vai trò, vị thế ngày càng tăng của Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ lịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, nhiều đối tác, kể cả các nước lớn coi trọng và muốn tranh thủ Việt Nam. Đó là những thuận lợi rất căn bản.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, nhiệm kỳ của các Đại sứ trùng với giai đoạn nước rút, có tính quyết định của việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 cũng như xây dựng và bắt đầu triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

Đất nước đã chuyển sang giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình. Do đó, ngoại giao phục vụ phát triển cần tiếp tục được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của các Đại sứ.

Trong bối cảnh đó, Phó Chủ tịch nước mong muốn các Đại sứ bám sát 3 nhiệm vụ đối ngoại then chốt là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

>>>Xem thêm: 18 tân Đại sứ đặc mệnh vừa được bổ nhiệm gồm những ai?

Tin mới lên