Ngân hàng

Nhân viên nhà băng nào 'ấm' nhất?

(VNF) - Với các chỉ tiêu vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP duy trì ở mức khá, ngành ngân hàng đang được kỳ vọng sẽ trở về thời kỳ hoàng kim một thập kỷ trước.

Nhân viên nhà băng nào 'ấm' nhất?

Nhân viên nhà băng nào 'ấm' nhất?

Thực tế trong hai năm trở lại, các nhà băng, đặc biệt ở top đầu đua nhau báo lãi khủng, liên tiếp vượt kỷ lục. Áp lực mở rộng để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế dẫn tới đường cầu về nhân sự dốc lên, nhất là với đội ngũ có kinh nghiệm, chất lượng cao.

Theo thống kê, 24 ngân hàng thương mại cổ phần (trừ VietABank, Sacombank, VietCapital Bank và NCB) đã dành tới gần 50.000 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD trả lương, thưởng cho người lao động trong năm 2018. Trong đó xếp vị trí lớn nhất về tổng quỹ thu nhập là ba ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, là BIDV (7.620 tỷ đồng), Vietcombank (6.912 tỷ đồng) và Vietinbank (5.984 tỷ đồng).

Thu nhập “nghìn đô”

Về thu nhập nhân viên, xếp vị trí số 1 khối ngoài nhà nước vẫn là Techcombank, với mức chi trả bình quân 30 triệu đồng/người/tháng, tăng 11% so với năm ngoái, trong đó riêng lương cố định đã tăng thêm 4 triệu đồng lên mức 25 triệu đồng. Đây là phần thưởng xứng đáng cho hơn 9.000 nhân viên Ngân hàng khi Techcombank vừa trải qua một năm đầy thành công với lãi sau thuế kỷ lục 8.474 tỷ đồng.

Dù đã tăng mạnh, nhưng nhiều khả năng Techcombank vẫn chưa thể “soán ngôi” của Vietcombank. Ông lớn “quốc doanh” chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2018, song báo cáo 2017 cho thấy Vietcombank đã trả bình quân tới 32,3 triệu đồng/tháng cho mỗi nhân sự. Và với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm 2018 là 61%, khả năng cao thu nhập đầu người banker Vietcombank tiếp tục tăng nhanh trong năm vừa qua.

Trong khi hai vị trí dẫn đầu đều là những cái tên quen thuộc, thì NamA Bank là hiện tượng thú vị khi chi tới 26 triệu đồng mỗi tháng cho một nhân viên, tăng tới 37% so với năm ngoái, trong đó lương cứng đã là 25 triệu đồng. Kết quả này có được nhờ lợi nhuận của Ngân hàng tăng gấp 2,5 lần trong năm ngoái. Xếp ngay phía sau là MBBank với mức thu nhập 25,89 triệu đồng (tăng 15%), TPBank (23,93 triệu đồng, tăng 29%).

Một số ngân hàng có mức thu nhập cao và tốc độ tăng nhanh như VIB (22,88 triệu đồng, tăng 12,8%), ACB (20,5 triệu đồng, tăng 6,8%), MSB (19,78 triệu đồng, tăng 14,7%), Eximbank (19 triệu đồng, tăng 19%). Những nhà băng khác cũng duy trì được mức tăng trưởng thu nhập của nhân viên như Bắc Á Bank (17,5 triệu đồng, tăng 4,4%), OCB (16 triệu đồng, 11%), SCB (17,2 triệu đồng, tăng 3,6%), VietBank (17,1 triệu đồng, tăng 8%), SaigonBank (13 triệu đồng, tăng 30%).

Trên thực tế, miếng bánh thị trường có giới hạn và không phải ai cũng là người chiến thắng. Không ít nhà băng tuỳ từng mức độ đã trải những khó khăn trong năm vừa qua, dẫn tới cắt giảm chi phí, trong đó có lương, thưởng cho nhân viên.

Nổi bật nhất là Vietinbank. Lợi nhuận năm 2018 sụt giảm tới 1.500 tỷ đồng so với năm 2017 khiến thu nhập của hơn 22.600 cán bộ, nhân viên Ngân hàng đều ảnh hưởng. Thu nhập bình quân giảm tới 3,4 triệu đồng mỗi tháng về còn 22,26 triệu đồng, trong đó lương cố định giảm gần 4 triệu đồng, còn 21,16 triệu đồng. Cùng chung cảnh ngộ là những đồng nghiệp đến từ VPBank và LienVietPostBank với thu nhập bình quân giảm lần lượt 16% và 9% về còn 14,3 triệu đồng và 20,46 triệu đồng.

Thu nhập của người lao động tại SHB và PGBank bị điều chỉnh nhẹ về còn 17,58 triệu đồng (giảm 0,5%) và 12,34 triệu đồng (giảm 0,4%). Trong khi đó, cán bộ, nhân viên ở PGBank trở thành những banker có thu nhập thấp nhất hệ thống.

Mạnh tay tuyển nhân sự

Dù có thu nhập cao hơn đáng kể so với các ngành nghề khác, song lĩnh vực ngân hàng vẫn đang trong cơn khát nhân sự với áp lực liên tục mở rộng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Thống kê tại 23 ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố báo cáo tài chính cho thấy tổng nhân sự tới cuối năm 2018 là gần 146.000 người, tăng khoảng 17.000 người so với đầu năm. Khoảng chênh này khả năng sẽ còn gia tăng nếu cộng gộp những ngân hàng lớn chưa có báo cáo như BIDV hay Vietcombank, Sacombank.

Ngân hàng mạnh tay tuyển người nhất năm vừa qua là OCB, với biên độ lên tới 54%, tức là cứ 3 nhân viên sẽ có 1 người mới. Con số tuyệt đối là 2.326 người, đẩy số lượng cán bộ, nhân viên của OCB lên 6.694 người vào cuối năm vừa qua. Xếp ngay sau là MBBank với 2.122 người. Những ngân hàng có số lượng nhân sự tăng hơn 1.000 người như VPBank (1.379 người), HDBank (1.122 người), SHB (1.144 người).

Tính theo quy mô sử dụng nhân sự, tới cuối năm vừa qua, không tính khối quốc doanh, MBBank xếp đầu bảng với 13.957 người, HDBank là 13.767 người, VPBank là 11.183 người, ACB (11.008 người). Dù vậy, những con số trên vẫn kém xa khối ngân hàng có vốn nhà nước, như Vietinbank là 22.618 người, hay với Agribank đến cuối năm 2017 là gần 38.000 người.

Năm nay, xu hướng mở rộng được dự báo sẽ tiếp tục. Từ đầu năm, nhiều ngân hàng tiếp tục tuyển dụng quy mô lớn. Cụ thể, ww thông báo tuyển 800 chỉ tiêu cho các phòng giao dịch, chi nhánh khắp cả nước. Các vị trí được tập trung chiêu mộ lần này là chuyên viên khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, chuyên viên tư vấn, giao dịch viên... ACB cũng vừa thông báo tuyển dụng 1.000 nhân sự ở nhiều vị trí khác nhau.

Trong khi đó, VIB còn có cả chiến dịch tuyển dụng nhân sự bằng những chế độ đãi ngộ tốt, mức lương cao nhất tới gần 100 triệu đồng/tháng. Mới đây, ngân hàng này đã công bố kế hoạch tìm kiếm ứng viên cho hơn 250 vị trí làm việc tại Hà Nội, TP.HCM và gần 30 tỉnh, thành.

Là tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước tin tưởng chấp thuận mở mới 35 đơn vị kinh doanh từ cuối năm 2018 đến giữa năm 2019, mới đây, Nam A Bank đã mạnh tay chiêu mộ 2.000 nhân sự trên toàn quốc, nhằm đáp ứng kịp thời cho sự phát triển mạnh mẽ này. Theo đó, các chức danh mà ngân hàng này tuyển dụng gồm: chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân/doanh nghiệp, chuyên viên bán hàng trực tiếp, chuyên viên kinh doanh thẻ tín dụng, chuyên viên tư vấn, chuyên viên phát triển kinh doanh ngân hàng số.

Tin mới lên