Thị trường

Nhập khẩu tăng, xuất khẩu rau quả sụt giảm 5 tháng liên tiếp

Trong 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả ước đạt 2,84 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ; trong khi đó nhập khẩu đạt 1,39 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, kể từ tháng 5 đến nay, xuất khẩu rau quả đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp.

Nhập khẩu tăng, xuất khẩu rau quả sụt giảm 5 tháng liên tiếp

9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả ước đạt 2,84 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu rau quả tháng 9/2019 ước đạt 295 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,84 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Như vậy, có thể thấy xuất khẩu rau quả đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp, kể từ tháng 5 đến nay, trong đó, tháng 5 giảm 23,1% so với tháng trước đó, tháng 6 giảm 21,8%, tháng 7 giảm 11,8% so với tháng 6/2019, đạt 247,67 triệu USD và tháng 8 tiếp tục giảm còn 246 triệu USD.

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 73,6% thị phần, đạt 1,8 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Indonesia (tăng 302%), Lào (tăng 184%), Italia (tăng 160%), Hồng Kông (tăng 159%). Xuất khẩu hàng rau quả giảm mạnh do giá trị xuất khẩu một số mặt hàng rau quả chính giảm mạnh như: nhãn (giảm 43%), sầu riêng (giảm 20,2%), dừa (giảm 30,8%), dưa hấu (giảm 26,3%), chôm chôm (giảm 7,3%), mộc nhĩ (giảm 49,4%), nấm hương (giảm 46,6%), ớt (giảm 44,8%), khoai lang (giảm 39,5%).

Trong khi đó, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 9/2019 đạt 115 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2019 đạt 1,39 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 434 triệu USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ 2018 và mặt hàng quả đạt 899 triệu USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2018. Thái Lan và Trung Quốc là hai thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất chiếm thị phần lần lượt là 35,5% (giảm 3,2%) và 25,7% (tăng 19,8%) so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp theo là Hoa Kỳ, Úc, New Zealand tăng lần lượt là 72,7%; 5% và 44,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTPP có hiệu lực sẽ mang lại cho ngành rau quả Việt Nam nhiều lợi ích khi các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có nhiều thuận lợi đi vào các thị trường “khó tính” như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc...

Tuy nhiên, mặt trái của các hiệp định này là các sản phẩm nông nghiệp của nước ngoài cũng thuận lợi đi vào thị trường Việt Nam với thuế nhập khẩu bằng 0%.

Nhìn lại 9 tháng đầu năm, thị trường nhiều loại trái cây trong nước diễn biến giảm do nhu cầu giảm, đặc biệt là từ quốc gia lân cận Trung Quốc với những điều kiện khắt khe về xuất khẩu. Song, trong tháng 8/2019, quả nhãn tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Úc (sau vải, xoài, thanh long); quả xoài được phép xuất khẩu vào thị trường Chilê (sau thanh long) hứa hẹn nhiều tín hiệu khả quan cho ngành rau quả Việt Nam trong thời gian tới.

Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong tháng 9/2019, giá của nhiều mặt hàng trái cây tăng giảm liên tục. Cách đây một tháng, chanh ở ĐBSCL dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg thì nay còn 5.000 - 15.000 đồng/kg. Theo người trồng chanh ở Long An, Hậu Giang, Cần Thơ... nguyên nhân khiến giá chanh thấp là do nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm, trong khi cung đang vượt cầu. Mặt khác, mưa bão kéo dài khiến cho sức tiêu thụ giảm theo.

Sau thời gian rớt giá thê thảm, hiện nay, giá thanh long ruột trắng ở tỉnh Tiền Giang tăng đến hơn 15.000 đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với thời điểm giữa tháng. Với mức giá này, nhà vườn có lãi hơn 5.000 đồng/kg. Theo các doanh nghiệp kinh doanh trái thanh long, giá thanh long ruột trắng tăng cao là do nhu cầu xuất khẩu trái cây này hút hàng, nhất là thị trường Trung Quốc.

Xem thêm >> Sắt Thạch Khê: Hà Tĩnh kiến nghị báo cáo Bộ Chính trị cho dừng khai thác dự án

Tin mới lên