Tài chính quốc tế

Nhật Bản chính thức áp dụng lãi suất âm

(VNF) - Ngày 16/2, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã chính thức đưa lãi suất âm áp dụng vào hệ thống ngân hàng nước này.

Nhật Bản chính thức áp dụng lãi suất âm

Theo chính sách mới này, tiền gửi ở ngân hàng trung ương của các tổ chức tín dụng thương mại sẽ phải trả phí. Giống như thể ngân hàng sẽ bắt đầu tính phí giữ hộ tiền thay vì trả khách hàng một mức lãi suất dù bèo bọt.

Với chính sách này, các ngân hàng trung ương hy vọng các ngân hàng thương mại thay vì phải trả phí để ngân hàng trung ương giữ tiền hộ, sẽ rút tiền về và tăng cường cho vay tiêu dùng và đầu tư, và nhờ đó, sẽ thúc đẩy lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Chính sách mới này được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) công bố vào cuối tháng trước là một biện pháp nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ. Lãi suất hàng năm ở mức âm 0,1% sẽ được áp dụng cho một phần tài sản của các tổ chức tài chính tại BOJ.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Nobuteru Ishihara cho biết vào hôm thứ Ba 16/2 khi BOJ áp dụng lãi suất âm ngày đầu tiên, rằng chính sách này của Nhật Bản nhằm hướng đến mục tiêu đảm bảo dòng tiền trong nền kinh tế.

Ông Ishihara cho hay, sẽ mất nhiều thời gian hơn để phân tích tác động của lãi suất âm, tuy nhiên nó đã bắt đầu ảnh hưởng thế chấp và vay mua ô tô. Ông cũng cho biết việc áp dụng lãi suất âm thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Ngân hàng Trung ương nước này nhằm đánh bại giảm phát.

Hiện nay, lãi suất âm được một số ngân hàng trên thế giới đang áp dụng như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Đan Mạch, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ, và mới nhất là Ngân hàng Nhật Bản cũng tham gia "câu lạc bộ" này.

Một số ngân hàng trung ương các nước khác đang có động thái muốn áp dụng lãi suất âm. Thậm chí Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng không loại trừ chính sách này, theo tuyên bố của Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen: "Chúng tôi đang cân nhắc và không loại trừ khả năng đưa lãi suất về âm", trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ tuần qua.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại đây có thể là một bước tiếp theo của "chiến tranh tiền tệ" giữa các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu. Việc hạ lãi suất ngân hàng trung ương khả năng dẫn tới một làn sóng phá giá tiền tệ mới. Một hệ quả khác của chính sách này có thể là tình trạng bong bóng bất động sản nhiều rủi ro. 

Tin mới lên