Tài chính quốc tế

Nhật Bản giữ mức lãi suất thấp: Đáp án riêng cho bài toán chung

(VNF) - Với lãi suất cơ bản ở mức -0,1%, Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia hiếm hoi kiên quyết giữ mức lãi suất “siêu thấp”. Tuy nhiên, việc đồng yên giảm mạnh và lạm phát leo thang, đi kèm với chi phí và rủi ro tăng cao đang đe doạ chính sách ôn hoà của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).

Nhật Bản giữ mức lãi suất thấp: Đáp án riêng cho bài toán chung

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda là người đang chịu áp lực rất lớn trong việc định hướng chính sách tiền tệ quốc gia.

Ngược dòng thế giới

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục đẩy lãi suất của Mỹ lên cao nhằm kiềm chế lạm phát đã kích hoạt một làn sóng tương tự trên toàn thế giới. Tuy nhiên, BoJ là một trong những ngân hàng trung ương hiếm hoi nằm ngoài xu hướng này.

Để so sánh, sau lần tăng lãi suất thêm 0,75% mới nhất vào ngày 2/11, lãi suất cơ bản của Mỹ hiện ở ngưỡng 3,75 - 4%, đạt mức cao nhất kể từ năm 2008. Lãi suất mới của Anh cũng đang ở ngưỡng 3%, sau khi ngân hàng trung ương nước này (BoE) nâng mức lãi thêm 0,75% vào ngày 3/11. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), một trong những ngân hàng từng kiên quyết giữ mức lãi suất thấp, cũng đã nâng lãi suất 3 lần liên tiếp trong năm nay với các mức tăng lần lượt là 0,5% và 2 lần tăng 0,75%, đưa lãi suất cơ bản trong khu vực lên 2% vào cuối tháng 10 vừa qua.

Tại Trung Quốc, nền kinh tế hàng đầu châu Á, lãi suất hiện ở mức 3,65%, sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) thực hiện giảm nhẹ lãi suất từ mức 3,7% vào ngày 22/8. Có thể thấy, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới gần như đều có động thái điều chỉnh lãi suất cho vay sau khi Fed nhiều lần tăng lãi suất trong năm 2022, và hầu như đều có xu hướng tăng lãi suất để đối phó với lạm phát tăng và đồng USD mạnh hơn.

Trong khi đó, nếu nhìn vào tỷ lệ lãi suất của Nhật Bản, có thể thấy mức lãi suất -0,1% hiện tại không chỉ là mức lãi suất âm hiếm hoi, mà còn là mức lãi suất chưa từng được thay đổi kể từ năm 2016.

Cơ sở cho sự kiên định của BoJ

Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng việc tăng tỷ giá có thể giúp “cứu vãn” tình hình đồng yên xuống giá và lạm phát tăng cao, BoJ vẫn kiên định với mức lãi suất siêu thấp. Theo ngân hàng trung ương này, việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ kìm hãm nhu cầu tiêu dùng vốn đã yếu trong nước và cản trở sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Ngày 16/10, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, ông Haruhiko Kuroda, đã tuyên bố trước Quốc hội rằng ngân hàng này sẽ không sớm thay đổi hướng đi. Ông Kuroda cho biết tất cả các thành viên trong ban chính sách của ngân hàng đều đồng ý rằng “trong điều kiện kinh tế hiện tại, việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ là phù hợp”.

Thủ tướng Fumio Kishida cũng đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ chính sách tiền tệ của BoJ ngay cả khi đồng yên giảm xuống mức thấp nhất trong 32 năm so với đồng USD vào giữa tháng 10.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hoàn cảnh kinh tế khác nhau ở Mỹ và Nhật Bản đã dẫn đến các chính sách tiền tệ khác nhau rõ rệt và cũng là nguyên nhân khiến Tokyo kiên định giữ mức lãi suất thấp.

Tại Mỹ, nơi kinh tế phục hồi nhanh chóng và tiền lương đang tăng cao, Fed đang tìm cách kiềm chế lạm phát bằng cách điều chỉnh nhu cầu. Ngân hàng này tin rằng có thể đạt được mục tiêu giảm lạm phát bằng cách không khuyến khích chi tiêu, mặc dù điều này mang tới rủi ro suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, tại Nhật Bản, có nhiều ý kiến cho rằng việc tăng lãi suất sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Nền kinh tế Nhật Bản hầu như chưa thể trở lại mức trước đại dịch và tiền lương thì vẫn trì trệ. Do đó, nếu như chính sách tiền tệ bị thắt chặt, nhu cầu tiêu dùng cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Ông Stefan Angrick, nhà kinh tế cấp cao của Moody’s Analytics tại Nhật Bản, cho rằng: “Để kiềm chế lạm phát ở Nhật Bản, bạn sẽ phải giảm nhu cầu khá mạnh, và điều đó thật khó khăn vì nhu cầu của nước này vốn đã yếu so với các nền kinh tế khác”.

Ngoài ra, trong khi áp lực lạm phát ở Mỹ lan toả rộng rãi, thì ở Nhật Bản, giá cả tăng cao chủ yếu ở các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và năng lượng, mà nhu cầu được đáp ứng phần lớn thông qua nhập khẩu.

Theo báo cáo của chính phủ Nhật Bản, lạm phát của nước này trong tháng 9 (không bao gồm giá thực phẩm tươi sống) đã lên tới 3%, mức cao nhất kể từ năm 1991. Tuy nhiên, không tính đến lương thực và năng lượng, giá tiêu dùng của Nhật Bản trong tháng 9 chỉ cao hơn 1,8% so với năm ngoái. Còn tại Mỹ, con số đó là 6,6%.

Tất cả những nguyên nhân trên đều dẫn tới một kết luận rằng phần lớn áp lực lạm phát hiện nay đến từ đồng USD mạnh và các vấn đề cung ứng ảnh hưởng đến nhập khẩu, tức những yếu tố bên ngoài Nhật Bản và do đó nằm ngoài sự kiểm soát của BoJ.

“Trong hoàn cảnh đó, các quan chức ngân hàng biết rõ rằng việc tăng lãi suất sẽ không làm giảm áp lực giá cả, nó chỉ đẩy chi phí kinh doanh tăng lên”, ông Bill Mitchell, giáo sư kinh tế tại Đại học Newcastle ở Úc, cho biết.

Việc tăng lãi suất cũng có thể khiến Nhật Bản gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giải quyết khoản nợ công khổng lồ ở mức gần 260% tổng sản lượng kinh tế hàng năm.

Saori Katada, một chuyên gia về chính sách tài chính Nhật Bản tại Đại học Nam California, cho biết: “Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ được kết hợp với nhau, và đó là điều khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản rất khó thực hiện”. Bà nói thêm rằng các nhà hoạch định chính sách lo sợ rằng một động thái sai lầm có thể dẫn đến một “kịch bản ngày tận thế”.

“Kiên định” hay “bảo thủ”?

Đồng Yen của Nhật Bản. 

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đưa ra chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại vào năm 2013, khi Thủ tướng lúc đó là ông Shinzo Abe cam kết các biện pháp mạnh mẽ để kích thích tăng trưởng kinh tế vốn đã trì trệ trong nhiều thập kỷ.

Kế hoạch này bao gồm giải phóng một lượng lớn chi tiêu của chính phủ và định hình lại cấu trúc nền kinh tế Nhật Bản thông qua các sáng kiến như khuyến khích nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động hơn. Nhưng yếu tố quan trọng nhất là làm cho tiền rẻ và sẵn có, một mục tiêu mà BoJ đạt được bằng cách giảm lãi suất xuống đáy và thu hút trái phiếu, cổ phiếu.

Thống đốc BoJ, ông Kuroda cam kết sẽ duy trì các chính sách đó cho đến khi lạm phát đạt mức 2%. Nhưng đã gần 1 thập kỷ trôi qua kể từ khi chính sách nới lỏng tiền tệ được đưa ra, câu hỏi được nhiều nhà kinh tế một lần nữa nhắc tới là liệu chính sách này có còn phù hợp với Nhật Bản hay không? Thêm vào đó, việc sử dụng lãi suất siêu thấp để kích thích tăng trưởng đã khiến nền kinh tế của nước này đặc biệt dễ bị tổn thương trước những thiệt hại mà việc tăng lãi suất có thể gây ra. Với việc Nhật Bản là nền kinh tế lớn duy nhất vẫn áp dụng chính sách lãi suất âm, BoJ đang có vẻ bị cô lập hơn bao giờ hết.

“BoJ có tư duy và cả một chiến lược riêng sau những quyết định của họ, nhưng đó là một điều rủi ro”, ông Derek Halpenny, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu của Mitsubishi UFJ Financial Group, cho biết. Theo ông Halpenny, chính sách tài khoá nới lỏng của Nhật Bản sẽ vẫn ổn nếu như tình hình lạm phát tại Mỹ trở về tầm kiểm soát trong năm tới, tương đương với việc Fed sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất. Tuy nhiên, cũng theo ông Halpenny, trong trường hợp ngược lại, rõ ràng BoJ sẽ phải đối mặt với “một đống lộn xộn”.

Tin mới lên