Tài chính quốc tế

Nhật Bản: Nghịch lý kinh tế tăng trưởng nhưng lương không tăng

(VNF) - Để khôi phục lại nền kinh tế Nhật Bản, lương tăng là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, các nhà kinh tế nước này chỉ mong đợi mức tăng lương 1% trong năm nay. Đây sẽ là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1997, nhưng không đủ thúc đẩy tiêu dùng để duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn.

Nhật Bản: Nghịch lý kinh tế tăng trưởng nhưng lương không tăng

Tại sao kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nhưng lương không tăng?

Mức tăng lương ở Hoa Kỳ hiện là 2,9% một năm. Con số này ở Khu vực Liên minh Châu Âu là 1,6%. Đạt mức tăng trưởng như vậy đối với Nhật Bản dường như là "chuyện không tưởng" mặc dù kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc. Sau đây là một số lý do.

Tác động từ chương trình Abenomics

Dân số già của Nhật Bản đã "siết chặt" thị trường lao động. Tỷ lệ việc làm trên người tìm việc tương đương với tỷ lệ giữa những năm 1970 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1993. Một thành công đáng chú ý của chương trình Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe đã khuyến khích nhiều phụ nữ làm việc. Trớ trêu thay, điều đó có thể làm giảm mức tăng lương tổng thể, vì lực lượng lao động đang tăng lên ngay cả khi dân số suy yếu. Hơn thế nữa, nhiều lao động nữ làm những công việc có thu nhập thấp hơn, cũng như người Nhật lớn tuổi đang dần trở lại lực lượng lao động.

Lượng người lao động không thường xuyên

Thị trường lao động Nhật Bản được chia thành những người lao động thường xuyên (chịu sự quản lý khắt khe hơn của luật lao động, mức lương và phúc lợi xã hội cao hơn) và những người lao động không thường xuyên (thường là người làm việc bán thời gian với mức lương thấp hơn và ít quyền lợi hơn). Kể từ sự bùng nổ của bong bóng kinh tế Nhật Bản vào những năm 1990, hàng ngũ những người lao động không thường xuyên đã tăng lên khoảng 35% lực lượng lao động. Và trong khi chi trả lương bán thời gian đã tăng lên nhanh hơn so với các loại công việc khác, sự thay đổi này vẫn chưa được áp dụng cho thu nhập của phần lớn người lao động.

Hợp đồng lao động trọn đời

Lịch sử cho thấy các công nhân Nhật Bản thường xuyên có xu hướng chỉ làm việc cho một công ty bởi vì các tập đoàn lớn cung cấp hợp đồng lao động trọn đời. Mặc dù hệ thống này đang sụp đổ, nhưng người Nhật vẫn ít có khả năng thay đổi việc làm trong suốt sự nghiệp của mình. Người nhật làm việc trung bình 12 năm tại một công ty, trong khi đó, con số này ở Hoa Kỳ chỉ là 4,2 năm.

Một sự không sẵn sàng để chuyển đổi công việc làm giảm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán tiền lương. Và mặc dù hệ thống này có thể cung cấp việc tăng lương dựa theo thâm niên ở mức độ cá nhân, ảnh hưởng trên tổng thể vẫn làm giảm tiền lương.

Doanh nghiệp trữ tiền mặt chứ nhất quyết không chịu tăng lương

Lợi nhuận có thể đã tăng, nhưng các công ty Nhật Bản hiếm khi sử dụng số tiền đó để tăng lương. Thay vào đó, các tập đoàn đã tích trữ tiền mặt: thu nhập giữ lại đã tăng hơn một nửa trong 5 năm qua và phần lợi nhuận chảy vào túi người lao động, chiếm khoảng 43,9% trong quý 4 của năm 2017 - đã không mấy biến động trong nhiều năm qua.

Để chống lại điều này, chính phủ sẽ cắt giảm thuế cho các công ty nâng chi tiêu cho tiền lương và đầu tư trong khi tăng thuế cho các doanh nghiệp không làm như vậy. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng tác động có thể rất hạn chế.

Mức ảnh hưởng của công đoàn lao động

Các công đoàn lao động đã không thể hoặc không muốn thúc đẩy tăng lương. Lịch sử cho thấy mức ảnh hưởng của những công đoàn này khá nhỏ bé. Đó là bởi vì các tổ chức chủ yếu được hình thành ở cấp độ công ty, chứ không phải ở cấp độ của một ngành công nghiệp, làm suy yếu khả năng thương lượng tập thể.

Tuy nhiên, trong vòng đàm phán lương mùa xuân tới, Công đoàn Nhật Bản, còn gọi là Rengo, cho hay họ đang tìm kiếm mức tăng 4,9% cho 6,9 triệu thành viên của mình.

Vấn đề năng suất

Nếu không tăng năng suất lao động, kinh tế Nhật Bản sẽ phải vật lộn để tăng trưởng khi dân số đang già đi. Và sự tăng trưởng hạn chế có nghĩa là khả năng tăng lương bị giới hạn.

Năng suất trong lĩnh vực dịch vụ, sử dụng gần 70% lượng người lao động, giảm hơn 10% từ năm 2003 đến năm 2016, theo Bloomberg Economics. Mặc dù các nhà sản xuất lớn có thể đầu tư nâng cao sản lượng cho mỗi người lao động nhưng rất nhiều công ty trong lĩnh vực dịch vụ vừa và nhỏ không thể tăng lương cho công nhân.

Tin mới lên