Tài chính quốc tế

Nhật gây sốc thị trường khi quyết định nới lỏng thêm chính sách tiền tệ

(VNF) - Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã ra quyết định mở rộng phạm vi chương trình mua sắm tài sản và kéo dài thời gian đáo hạn của trái phiếu nhằm tăng cường hơn nữa chính sách nới lỏng tiền tệ.

Nhật gây sốc thị trường khi quyết định nới lỏng thêm chính sách tiền tệ

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng trong năm 2015 vào ngày 18/12, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết sẽ thiết lập thêm một chương trình mới nhằm mua các quỹ hoán đổi danh mục ETF với quy mô hàng năm là 300 tỷ yên (tương đương 2,45 triệu USD).

Chương trình mua các quỹ ETF mới dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 4/2016 và được tiến hành song song với chương trình mua ETF hiện tại có quy mô 3 ngàn tỷ yên mỗi năm.

Cũng tại cuộc họp ngày thứ Năm, BOJ thông báo sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất và duy trì cam kết bơm khoảng 80 nghìn tỷ yên (674 tỷ USD) vào nền kinh tế.

Theo thông báo của BOJ, chương trình ETF mới một phần xuất phát từ mục đích hạn chế các tác động tiềm tàng đến thị trường của việc bán ra số cổ phiếu mà ngân hàng này đã mua từ các tổ chức tài chính từ năm 2002. Theo ước tính, BOJ có thể mất tới 10 năm để bán hết số cổ phiếu này với quy mô khoảng 300 tỷ yên mỗi năm.

BOJ cũng cho biết sẽ thay đổi thời gian đáo hạn bình quân của trái phiếu chính phủ Nhật Bản mua vào lên 7-12 năm vào năm 2016  từ mức khoảng 7-10 năm vào cuối năm nay. Bằng cách mua trái phiếu dài hạn, BOJ đang nỗ lực để giảm lãi suất dài hạn, như Fed đã từng làm trong chương trình mang "Operation Twist" vào năm 2011 nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ.

Mặc dù biện pháp mới của BOJ có quy mô khiêm tốn, song đây là một quyết định bất ngờ với thị trường. Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda trước đó đã duy trì lập trường trong vài tuần gần đây rằng chính sách hiện tại của BOJ đang có hiệu quả, lạm phát cơ bản vẫn đang trong quỹ đạo đi lên.

Trước thềm cuộc họp của BOJ, hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán BOJ sẽ hoãn việc mở rộng các chương trình kích thích kinh tế, trong đó, có đến 41/42 nhà kinh tế được khảo sát bởi Bloomberg dự đoán rằng Thống đốc BOJ, ông Haruhiko Kuroda và cộng sự sẽ không mở rộng chương trình mua tài sản vào cuộc họp ngày 18/12. Theo khảo sát, 48% các chuyên gia trong cuộc khảo sát ngày 9-16/12 của Bloomberg cho biết họ không kỳ vọng các biện pháp kích thích tiếp theo trong thời gian tới. Trong khi đó, 50% vẫn dự đoán BOJ sẽ nới lỏng tiền tệ trong tháng 4 tới.

Động thái này của BOJ đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ nhằm hỗ trợ những nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe trong việc khuyến khích doanh nghiệp tăng lương và đầu tư mới, nhằm thúc đẩy lạm phát và phát triển kinh tế bền vững, hướng đến mục tiêu đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát.

Được biết, kinh tế Nhật Bản đã không rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý III vừa qua nhờ sự cải thiện của hoạt động đầu tư kinh doanh. Theo đó, GDP quý III của nước này tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số liệu sơ bộ trước đó công bố giảm 0,8%.

Theo Financial Times, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ trong khi Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed lại quyết định thắt chặt. Sự phân kỳ rõ nét trong điều hành chính sách này đang đe dọa lập trường chính sách của Fed khi tăng cường sức mạnh đồng USD.

Tin mới lên