Tài chính quốc tế

Nhật xả nước thải hạt nhân Fukushima: Trung Quốc sẽ tham gia giám sát

(VNF) - Các chuyên gia Trung Quốc sẽ cùng tham gia vào nhóm công tác của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) giám sát kế hoạch xả nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển của Nhật Bản.

Nhật xả nước thải hạt nhân Fukushima: Trung Quốc sẽ tham gia giám sát

Các chuyên gia Trung Quốc sẽ tham gia giám sát xả nước thải ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Ảnh minh họa).

Trong thông báo phát ra ngày 26/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết IAEA xác nhận sẽ mời các chuyên gia Trung Quốc tham gia nhóm công tác kỹ thuật để giám sát phương án xử lý nước thải hạt nhân từ nhà máy Fukushima số 1 ra biển.

Ông Uông khẳng định Trung Quốc sẽ duy trì liên lạc và phối hợp chặt chẽ với IAEA đồng thời yêu cầu Nhật Bản “nghiêm túc đáp ứng các mối quan ngại của Trung Quốc, các bên liên quan khác và cộng đồng quốc tế” trước khi xả nước thải hạt nhân ra biển.

Được biết, các chuyên gia Hàn Quốc cũng được mời tham gia nhóm công tác kỹ thuật của IAEA.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị thiệt hại nghiêm trọng sau trận động đất - sóng thần năm 2011. Trận sóng thần phá hủy nhiều hệ thống làm lạnh cho các thanh nhiên liệu hạt nhân tại các lò phản ứng. Do đó, Nhật Bản trong những năm qua đã sử dụng hàng triệu tấn nước để làm lạnh các thanh nhiên liệu hạt nhân.

Khoảng 1,25 triệu tấn nước đã tích tụ tại khu vực của nhà máy hạt nhân Fukushima. Số lượng nước phóng xạ đang tăng khoảng 140 tấn mỗi ngày, hiện đang được lưu trữ trong hơn 1.000 bồn chứa và dự kiến vào khoảng mùa thu tới sẽ không còn chỗ chứa.

Ngày 13/4, tức hơn 10 năm sau sự cố tại nhà máy, chính phủ Nhật Bản đã quyết định xả nước thải này ra biển.

Theo lộ trình, việc xả nước sẽ bắt đầu sau khoảng hai năm, và toàn bộ quá trình dự kiến ​​sẽ kéo dài trong vòng 3 thập niên.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng quyết định việc xả nước ô nhiễm vào Thái Bình Dương là lựa chọn "thực tế nhất" và "không thể tránh khỏi để đạt được sự phục hồi của Fukushima".

Trong tuyên bố mới đây, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khẳng định ủng hộ quyết định này, vì các nguyên tố phóng xạ, ngoại trừ triti, sẽ bị loại bỏ khỏi nước hoặc giảm xuống mức an toàn trước khi thải ra ngoài. IAEA cũng đã chỉ ra rằng, các nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới sử dụng quy trình tương tự để xử lý nước thải.

Theo tính toán của Liên hợp quốc, ngay cả khi Nhật Bản đổ toàn bộ số nước thải đã qua xử lý tại Fukushima xuống biển trong 1 năm, tác động của bức xạ đối với môi trường sẽ chỉ ở mức 2,1 millisievert/năm tại Nhật Bản. Con số này là nhỏ hơn so với mức trung bình toàn cầu là 2,4 millisievert/năm.

Tuy nhiên, việc xả nước của Nhật Bản vấp phải sự phản đối từ các cộng đồng đánh bắt cá ở nước này cũng như lo ngại từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga.

Nhật Bản hồi cuối tháng 3 đã đề nghị IAEA tiến hành đánh giá khoa học và khách quan về biện pháp xả ra biển nước thải phóng xạ đã qua xử lý của Nhật Bản và công bố kết quả đánh giá với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh một số nước láng giềng của Nhật Bản bày tỏ lo ngại về kế hoạch xả nước thải trên.

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết IAEA sẽ là trung tâm của hoạt động, bao gồm cả việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và giám sát việc thực hiện kế hoạch một cách an toàn.

Ngoài ra, cơ quan này sẽ hiện diện một cách thường xuyên trong các giai đoạn trước, trong và sau dự án xả nước thải nhiễm xạ.

Xem thêm >> Bắc Kinh: ‘Biển Đông không nên trở thành công cụ để kiềm chế và đàn áp Trung Quốc’

Tin mới lên