Tiêu điểm

'Nhiều bộ, ngành chưa tập trung hoạch định chính sách, thiếu phân cấp, phân quyền'

(VNF) - Báo cáo của Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh nhiều bộ, ngành chưa tập trung vào hoạch định chính sách, quản lý vĩ mô mà còn sa vào việc cụ thể, thiếu phân cấp, phân quyền.

'Nhiều bộ, ngành chưa tập trung hoạch định chính sách, thiếu phân cấp, phân quyền'

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Sáng 15/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, cải cách hành chính luôn được Đảng, Nhà nước xác định là khâu quan trọng nhằm xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước.

Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp. “Cải cách hành chính là một nguồn lực, động lực phát triển”, Thủ tướng phát biểu.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, trong năm 2021 và 8 tháng năm 2022 đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758/17.687 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã thống kê, rà soát (đạt tỉ lệ 10%) tại 143 văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định kinh doanh và phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5187 TTHC trên 100 lĩnh vực (chiếm 13,47%), qua đó giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.

Về đổi mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, ông Sơn cho biết đến nay, cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56/63 tỉnh thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. 53/63 địa phương đã thực hiện hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thành hệ thống thông tin giải quyết TTHC duy nhất. Nhiều địa phương đã thực hiện nâng cấp hệ thống đáp ứng yêu cầu số hóa và đã có những kết quả bước đầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Sơn, công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành còn những tồn tại, hạn chế. TTHC trên nhiều lĩnh vực như đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, nội vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu,… còn nhiều rào cản.

Cũng theo ông Sơn việc thực hiện gửi, nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử còn chưa nghiêm. Một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện tốt việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành…

Những tồn tại, hạn chế nêu trên, theo ông Sợn có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, như nhiều bộ, ngành chưa tập trung vào hoạch định chính sách, quản lý vĩ mô mà còn sa vào việc cụ thể, thiếu phân cấp, phân quyền. Một số bộ phận cán bộ, công chức thực thi công vụ chưa nghiêm, năng lực, trình độ còn hạn chế; việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian qua, cả nước đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ liên quan đến công tác cải cách hành chính (CCHC), tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, việc phân cấp tốt hơn, giảm trung gian, tiết kiệm thời gian; công tác đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được chú trọng hơn và bước đầu có kết quả tích cực; dịch vụ công trực tuyến ngày càng được triển khai sâu rộng; phương thức chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, Chính phủ trên môi trường điện tử được thực hiện tốt hơn, hiện đại hóa hơn.

Mặc dù vậy, theo Thủ tướng, công tác CCHC hiện tại vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Một số thủ tục rườm rà; việc phối hợp giữa các bộ, ngành vẫn còn hạn chế; quá trình thực hiện còn phát sinh nhiều chi phí không cần thiết.

"TTHC trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, nội vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu,… còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo, phân cấp, phân quyền chưa đầy đủ, rõ ràng, gây bức xúc trong xã hội. Các bộ, ngành, địa phương cần sớm khắc phục để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng công tác cải cách TTHC các cấp; từ đó nâng cao chất lượng phục vụ và tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai các nhiệm vụ.

Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị cần đổi mới tư duy mạnh mẽ, thay đổi cách tiếp cận, đặc biệt các cấp trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp. Hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, tôn trọng thực tiễn khách quan, không cứng nhắc; bám sát khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để có điều hành phù hợp, hiệu quả.

"Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm trung gian; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác kết quả, hiệu quả công tác triển khai để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời.

Đẩy mạnh tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống trên nguyên tắc cùng nhau chia sẻ, cùng nhau phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thực hiện tham vấn, lấy ý kiến hiệp hội, doanh nghiệp, người dân tập trung trên cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; định kỳ đánh giá, công khai chỉ số nỗ lực cải cách quy định kinh doanh của các bộ, cơ quan ngang bộ. Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng thực hiện và xử lý TTHC trên môi trường trực tuyến. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính...", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin mới lên