Thị trường

Nhiều doanh nghiệp đối mặt tình trạng 'thắt chặt thanh khoản' do nợ khó đòi

Bán hàng trả chậm là phương thức phổ biến tại thị trường Việt Nam, trọng tâm là khuyến khích duy trì kinh doanh với các khách hàng trung thành và tin cậy hiện có. Tuy nhiên, gần một nửa tổng giá trị doanh số bán hàng trả chậm giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B) vẫn chưa được thanh toán vào ngày đáo hạn, dẫn đến nguy cơ rủi ro dòng tiền của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đối mặt tình trạng 'thắt chặt thanh khoản' do nợ khó đòi

Nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với rủi ro khi thu hồi nợ B2B. Ảnh minh hoạ

Đáng lo ngại, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng và tác động mạnh đến vấn đề thu hồi nợ B2B do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải đóng cửa. Thống kê của Cục quản lý đăng ký kinh doanh, trong năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 55.000 doanh nghiệp; 48.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 16.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Điều này có nghĩa là bình quân một tháng của năm 2021 có gần 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do không thể “cầm cự” trước sự tàn khốc của đại dịch Covid-19. Con số này cao hơn so với mức 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường của năm 2020.

Riêng 5 tháng đầu năm 2022, theo thống kê của Cục quản lý đăng ký kinh doanh, có 6.901 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, tương đương với trung bình một tháng có 1.380 doanh nghiệp trên cả nước đóng cửa. Con số này giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nền kinh tế đã có sự phục hồi sau dịch, nhưng vẫn là bài toán khó cho nhiều doanh nghiệp khi đối mặt với thanh toán trả chậm, thu hồi nợ.

Khảo sát mới nhất của Atradius, đơn vị đứng thứ hai toàn cầu về thị phần các dịch vụ bảo hiểm tín dụng, bảo lãnh và thu hộ cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thắt chặt thanh khoản do nợ khó đòi B2B và nợ xấu. Cụ thể, 48% tổng giá trị doanh số bán hàng B2B bằng tín dụng vẫn chưa được thanh toán vào ngày đáo hạn và nợ xấu lên đến 6% tổng số hóa đơn của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây là báo cáo dựa trên 200 công ty quản lý các khoản phải thu tại Việt Nam trong quý 2/2022, đến từ 5 ngành công nghiệp gồm: nông sản và thực phẩm, hóa chất, thép/kim loại, hàng tiêu dùng lâu bền và dệt/may mặc.

Khảo sát của Atradius về thanh toán trả chậm trong ngành nông sản, thực phẩm. 

Cụ thể, 70% công ty được khảo sát tin rằng, việc khách hàng B2B nợ tiền là do vấn đề thanh khoản, đặc biệt trong ngành dệt - may mặc và hàng tiêu dùng lâu bền. Theo Atradius, nguyên nhân là các ngành này hướng mạnh vào xuất khẩu và điều kiện kinh tế toàn cầu khó khăn đã làm suy yếu tình hình tài chính của các khách hàng nước ngoài.

Bên cạnh đó, hơn 50% công ty cho rằng, nguyên nhân đến từ việc quản trị quy trình thanh toán kém hiệu quả, dễ thấy trong ngành nông sản thực phẩm; 35% doanh nghiệp cho biết, tình trạng trên còn do tranh chấp với khách hàng, nhất là ngành thép và kim loại. Ngoài ra, còn xuất hiện việc cố ý chậm thanh toán vì nhiều lý do, đặc biệt trong ngành dệt - may mặc và hóa chất.

Để giúp thời gian thu hồi nợ được rút ngắn, cải thiện dòng tiền, nhiều doanh nghiệp đang cố gắng đàm phán các điều khoản thanh toán ngắn hơn với khách hàng, cung cấp chiết khấu để thanh toán hóa đơn nhanh hơn. Tuy nhiên, điều này không phải là chuyện dễ dàng.

Bà Vũ Thị Đức Hạnh, Giám đốc quốc gia Atradius tại Việt Nam cho rằng, việc nới rộng các điều khoản thanh toán và bán hàng trả chậm đang là một xu hướng mang tính tất yếu, khiến doanh nghiệp khó thể nào đứng ngoài câu chuyện trên. Nửa cuối năm, tín dụng được dự đoán tập trung chảy về hoạt động sản xuất và kinh doanh. Bà Hạnh cho rằng, nhờ thế, tình trạng nợ xấu B2B sẽ được cải thiện; đồng thời nếu sử dụng tốt và phù hợp với tình hình mỗi đơn vị, đây sẽ là nguồn lực giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để thanh toán.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, thay đổi trên sẽ không xuất hiện ngay mà cần nhiều thời gian để sức khỏe tài chính của doanh nghiệp dần được cải thiện. Trước mắt, trong bối cảnh đầu vào nguyên vật liệu các ngành sản xuất gặp khó, giá cao, đòi hỏi dòng tiền doanh nghiệp vững, tình trạng thu hồi nợ của doanh nghiệp Việt Nam xấu đi có thể để lại mối nguy lớn.

Theo bà Hạnh, thu hồi nợ càng dài càng khiến doanh nghiệp không đủ tiền để mua nguyên vật liệu. Nếu thời gian nhà cung cấp cho nợ tiền ngắn hơn thời gian cho khách hàng nợ, doanh nghiệp dễ lâm vào tình trạng khánh kiệt về thanh khoản. Không những thế, việc trì hoãn thanh toán có thể gây ra "hiệu ứng gợn sóng" dọc theo chuỗi khi doanh nghiệp này không thanh toán cho một doanh nghiệp, kéo theo doanh nghiệp đấy cũng khó thanh toán cho doanh nghiệp khác và cứ thế lan rộng.

“Điều này có thể khiến những khách hàng có tín dụng tốt cũng bị ảnh hưởng, tạo nên cuộc khủng hoảng thanh khoản. Tình trạng này càng tệ đi dễ đưa doanh nghiệp đến bờ vực phá sản”, bà Hạnh lo ngại.

Tin mới lên