Bất động sản

Nhiều doanh nhân họ Bùi chung tay xây nhà thờ tổ rộng tới 35.000m2

(VNF) - Nhà thờ tổ họ Bùi Việt Nam nằm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với tổng diện tích lên tới 35.000m2. Có tất cả hơn 10.000 người họ Bùi đã góp tiền để xây dựng nhà thờ tổ, trong đó có những doanh nhân nổi tiếng như ông Bùi Quang Ngọc, ông Bùi Thành Nhơn…

Nhiều doanh nhân họ Bùi chung tay xây nhà thờ tổ rộng tới 35.000m2

Cận cảnh nhà thờ tổ họ Bùi Việt Nam

Theo chia sẻ của ông Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch Tập đoàn FPT đồng thời là Chủ tịch Bùi tộc Việt Nam, cộng đồng họ Bùi Việt Nam ra đời từ 2004 và đã ấp ủ mong ước xây dựng nhà thờ tổ từ lâu. Tuy nhiên, phải đến thời điểm ông đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo cộng đồng Bùi tộc khóa thứ 3 thì mới quyết tâm xây dựng.

Nhà thờ tổ họ Bùi Việt Nam được xây dựng trong khoảng thời gian 2 năm 3 tháng, hoàn thành vào dịp Tết năm 2021. Công trình được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích đất là 35.000m2, có quy mô lớn nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Khuôn viên chính của nhà thờ có diện tích 5.000m2, khu vực vườn phía sau rộng 5.000m2 và còn 25.000m2 đất chưa khai thác. Đây là diện tích đất được gia đình ông Bùi Quang Ngọc cung tiến cho dòng họ.

Nhà thờ tổ họ Bùi nằm trên đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với chiều dài mặt tiền lên tới 100m. Công trình gây ấn tượng ngay từ bên ngoài với những bức tường rào được trang trí cầu kỳ bằng tranh sứ màu. 

Phía bên tay phải là những bức tranh địa danh nổi tiếng Việt Nam, bên trái là tranh dân gian, tất cả đều do các nghệ nhân Bát Tràng thực hiện.

Một hòn non bộ lớn được đặt ngay sau cổng vào, được làm bằng đá Ninh Bình.

Tiếp đó là khoảng sân chính rộng rãi, chứa được từ 800-1.000 người. Kiến trúc công trình theo kiểu truyền thống với mái ngói đỏ tươi với những cột đá được chạm khắc công phu từ đá xanh Thanh Hóa.

Khuôn viên nhà thờ chính rộng 900m2. Phần hội trường ở tầng 1 rộng 600m2, có sức chứa 500 người.

Ở đây trưng bày rất nhiều tranh kính. Điểm nhấn ở khu vực tầng 1 là mô hình sa địa thu nhỏ có chất liệu sứ dát vàng, được thực hiện trong 9 tháng.

Không gian chính của nhà thờ tổ nằm ở tầng 2, được chia làm 7 gian thờ tự. 

Khu vực này có tổng cộng 42 chiếc cột gỗ, trong đó 1 cột làm bằng gỗ trắc, 41 cột còn lại hoàn toàn bằng gỗ lim, cao gần 10m. Ngoài ra, nơi đây còn được trang trí bằng 34 bức phù điêu về các danh nhân, danh tướng thời phong kiến.

Nếu những mảng chạm khắc phía trong nhà thờ tổ thể hiện sự đóng góp của họ Bùi Việt Nam với công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc thì những mảng chạm khắc phía ngoài lại thể hiện phong tục, tập quán gắn với các di tích lịch sử, kiến trúc của dân tộc.

2 bên nhà thờ chính là nhà tả vu và hữu vu. Nhà tả vu là nhà truyền thống tôn vinh những gương mặt lịch sử, danh nhân họ Bùi từ thời kỳ phong kiến đến cộng đồng họ Bùi hiện nay. Nhà hữu vu dùng để tiếp đón con cháu họ tộc và cả khách thập phương đến dâng hương, tham quan.

Phía sau nhà thờ chính là Vườn danh nhân, với ý tưởng ghi nhớ công ơn của các danh tướng, danh nhân họ Bùi. Trung tâm của vườn danh nhân là khu vực tiến sĩ, ghi danh các tiến sĩ nho học đã đỗ tiến sĩ từ thời phong kiến.

Theo ông Bùi Quang Ngọc, nhà thờ tổ họ Bùi Việt Nam không chỉ là một công trình tâm linh, lịch sử mà còn là một công trình nghệ thuật, đóng góp cho văn hóa dân tộc.

“Một quốc gia mạnh khi từng dòng họ mạnh. Với triết lý như vậy, việc đẩy mạnh hoạt động tinh thần văn hóa vật chất của dòng họ cũng sẽ góp phần thiết thực vào việc xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam vững mạnh, hùng cường”, ông Bùi Quang Ngọc khẳng định.

* Hình ảnh trong bài được lấy nguồn từ kênh YouTube NhaTO

Tin mới lên