Tài chính

Nhiều đơn vị 'om' tiền, Kiểm toán Nhà nước đề nghị thu hồi 4.700 tỷ đồng

(VNF) - Theo kết quả kiểm toán việc quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011-2017, một số địa phương đã chậm nộp số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn các tổng công ty trực thuộc UBND tỉnh, thành phố. Số tiền này tính đến 31/12/2017 đã lên tới hơn 1.500 tỷ đồng.

Nhiều đơn vị 'om' tiền, Kiểm toán Nhà nước đề nghị thu hồi 4.700 tỷ đồng

Nhiều đơn vị 'om' tiền, Kiểm toán Nhà nước đề nghị thu hồi 4.700 tỷ đồng

Thực hiện Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán việc quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011-2017 tại Bộ Tài chính, 24 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và một số địa phương.

Kết quả kiểm toán cho thấy, số dư Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các công ty mẹ của tập đoàn, tổng công ty nhà nước đến 31/12/2017 là 112.513 tỷ đồng.

Tuy nhiên việc quản lý quỹ còn tồn tại, thiếu sót như: một số địa phương chưa nộp số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của các tổng công ty trực thuộc UBND tỉnh, thành phố đến 31/12/2017 số tiền 1.544 tỷ đồng; một số tập đoàn, tổng công ty chưa xác định đầy đủ các khoản phải nộp về quỹ; sử dụng quỹ không đúng quy định; chậm bàn giao, thu nộp về quỹ khi chuyển sang công ty cổ phần.

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Bộ Tài chính thu hồi về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp 3.536 tỷ đồng, thu hồi các khoản nợ tồn đọng 1.218 tỷ đồng.

Ngoài kiểm toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện các nhiệm vụ khác.

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 74/2018/QH14 ngày 20/11/2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017 tại 63 tỉnh, thành phố.

Kết quả kiểm toán cho thấy nhiều hạn chế của công tác này. Cụ thể, trước khi cổ phần hóa, còn nhiều trường hợp không xây dựng phương án sử dụng đất; xây dựng, phê duyệt phương án không phù hợp với phương án sắp xếp xử lý nhà đất và quy hoạch sử dụng đất; chưa công khai minh bạch thông tin liên quan đến đất đai.

Sau cổ phần hóa, có trường hợp còn sử dụng đất không đúng mục đích; để hoang hóa, bị tranh chấp, lấn chiếm; chậm hoàn thiện thủ tục pháp lý; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá; chuyển đổi mục đích không phù hợp quy hoạch.

Một số trường hợp xác định giá trị quyền sử dụng đất sai quy định; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai còn nhiều tồn tại.

Trong khi đó, pháp luật đất đai còn bất cập về chính sách giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; phương pháp xác định giá đất; mua, bán tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; chính sách tiền thuê đất và chưa có quy định pháp lý đối với một số sản phẩm bất động sản.

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu 577 tỷ đồng và xử lý tài chính khác 791 tỷ đồng; xử lý, xem xét thu hồi nếu đủ điều kiện theo quy định đối với 03 thửa đất và 7.591.427 m2 đất.

Thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019, năm 2020 Kiểm toán Nhà nước xác định nội dung kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị là một trong những nội dung kiểm toán trọng tâm khi thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 nên hoạt động kiểm toán năm 2020 được triển khai chậm hơn so với các năm trước. Vì vậy đến nay nội dung này mới đang trong quá trình thực hiện. Trong kế hoạch kiểm toán năm 2021, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục tăng cường kiểm toán chuyên đề toàn ngành đối với nội dung này theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 82/2019/QH14.

Về kết quả, trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2019, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, công tác quản lý và sử dụng đất đã có những biến chuyển tích cực, chặt chẽ và hiệu quả hơn, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội; nguồn thu về đất đã chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu ngân sách và là một nguồn lực quan trọng cho phát triển.

Tuy nhiên, tại một số địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát nhu cầu, tình hình sử dụng đất thực tế nên phải điều chỉnh nhiều lần; quy hoạch “đất ở không hình thành đơn vị ở” không có trong quy định của Luật Đất đai năm 2013; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch chi tiết không đúng thẩm quyền; quy hoạch giao thông, xây dựng đô thị và quy hoạch chi tiết dự án phát triển nhà ở thiếu đồng bộ.

Bên cạnh đó là tình trạng phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch của các dự án đa số theo xu hướng tăng số tầng, vượt quá số tầng và chiều cao, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng, giảm diện tích công cộng, cây xanh làm cho mật độ và số lượng dân số tăng, gây áp lực lớn tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là giao thông đô thị, y tế, giáo dục làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của cộng đồng dân cư...

Về công tác giao đất và xác định giá đất, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra các hạn chế như: chủ yếu thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định nên không xác định được giá thị trường; giao đất không đúng đối tượng hoặc giao đất khi đã có ý kiến chỉ đạo tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án;

Chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở đô thị không đảm bảo thủ tục và cơ sở pháp lý; chuyển mục đích sử dụng đất từ thương mại dịch vụ sang đất ở không hình thành đơn vị ở, xác định người mua biệt thự, căn hộ sử dụng đất ổn định lâu dài chưa phù hợp với Luật Đất đai; giá đất xác định theo các phương pháp do địa phương lựa chọn còn nhiều sai sót, hạn chế; phương pháp xác định giá đất hiện nay còn bất cập, không rõ ràng, vướng mắc...

Về việc tuân thủ pháp luật khi triển khai thực hiện dự án, các hạn chế được nêu gồm: một số chủ đầu tư chưa tuân thủ các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng, quy hoạch xây dựng; triển khai trước khi được cấp phép hoặc vi phạm về giấy phép xây dựng; tiến độ triển khai thực hiện nhiều dự án chậm;

Một số dự án chưa được xác định nghĩa vụ tài chính, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng đã chuyển nhượng hoặc chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 5.749 tỷ đồng, xử lý khác 6.054 tỷ đồng.

Tin mới lên