Công nghệ

'Nhiều khi việc dễ lại rất khó làm, nhưng việc gần như không tưởng lại có thể làm được'

(VNF) - Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thế giới đang có một nghịch lý, nhiều khi việc dễ lại rất khó làm, thế nhưng nếu đặt những việc khó hơn, gần như không tưởng, thì lại có thể làm được. Việc tăng tỷ lệ điện thoại tại Việt Nam mà Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đã từng làm được trước kia chính là một câu chuyện như thế.

'Nhiều khi việc dễ lại rất khó làm, nhưng việc gần như không tưởng lại có thể làm được'

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Make in Viet Nam không hàm ý Việt Nam sẽ làm tất cả

Phát biểu tại diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tổ chức ngày 23/12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cho biết khát vọng thôi thúc của người Việt Nam là từng bước làm chủ công nghệ, chủ động sáng tạo ra các giải pháp mới, chủ động thiết kế và làm ra sản phẩm mới chứa hàm lượng trí tuệ của người Việt.

Theo Phó thủ tướng, thông điệp Make in Viet Nam được tạo ra với mục đích thúc đẩy ngành công nghiệp ICT trong nước. Tuy vậy, thông điệp này không có hàm ý Việt Nam sẽ tự làm tất cả.

"Việt Nam đặt mình là một phần của thế giới, về công nghệ thông tin, kinh tế, xã hội, với tinh thần cởi mở, hợp tác quốc tế. Tinh thần này luôn luôn phải tiếp tục", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Sau 1 năm thực hiện chiến lược Make in Viet Nam được triển khai, Việt Nam đã có thêm 13.000 doanh nghiệp công nghệ, gấp đôi con số dự tính ban đầu. Trong đó, có những doanh nghiệp “kỳ lân”, nhiều sản phẩm, dịch vụ Việt Nam được thế giới sử dụng.

“Chúng ta có thể tự tin rằng đội ngũ cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam sẽ góp sức để đưa đất nước phát triển nhanh hơn và bền vững. Chúng ta phải phát triển nhanh hơn và phải làm được", Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng nhớ lại vào những năm 90, Việt Nam từng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ phổ cập điện thoại lên mức 1 máy/100 dân, điều mà rất nhiều người nghĩ rằng chúng ta không thể làm được. Thế nhưng, đến những năm 2.000, tỷ lệ phổ cập điện thoại tại Việt Nam đã đạt gần 2 máy/100 dân.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Lãnh đạo Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh việc muốn đất nước phát triển thì các doanh nghiệp công nghệ phải phát triển nhanh hơn. Công nghệ không cần hoàn toàn của Việt Nam nhưng mô hình và giải pháp phải của Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam và tất cả chúng ta có thể làm được.

Đưa Việt Nam thành quốc gia hùng cường về công nghệ

Gửi lời cảm ơn sau bài phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sẽ cùng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nhận sứ mệnh mà Chính phủ giao phó. 

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định thế giới đang có một nghịch lý, nhiều khi việc dễ lại rất khó làm, thế nhưng nếu đặt những việc khó hơn, gần như không tưởng, thì lại có thể làm được. Việc tăng tỷ lệ điện thoại tại Việt Nam mà Bộ Bưu chính Viễn thông đã từng làm được trước kia chính là một câu chuyện như thế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, phải đặt những mục tiêu cao để biến những điều không tưởng thành khả thi. Trong một bối cảnh thế giới biến động, cơ hội cho Việt Nam là rất lớn.

"Chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia hùng cường về công nghệ và là nước phát triển vào năm 2045", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tin mới lên