Tiêu điểm

Nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết

(VNF) - Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nếu các vấn đề được giải quyết nhanh hơn sẽ tạo ra sức giải phóng tốt hơn cho doanh nghiệp.

Nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết

Các kiến nghị của doanh nghiệp thông qua Diễn dàn Doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ giải quyết được 1/3. Ảnh minh họa

Ngày 4/12, tại buổi họp báo trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016 (VBF), ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF - đánh giá: "Việt Nam đang có cơ chế đối thoại doanh nghiệp với Chính phủ tốt nhất, trải rộng nhất, đảm bảo Chính phủ lắng nghe ý kiến của cộng đồng kinh doanh".

Đánh giá tình hình trong năm qua, Chủ tịch VCCI cho hay, Chính phủ đã giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp và đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ ngành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng 50 nghị định để triển khai các điều kiện kinh doanh.

"Chưa bao giờ Chính phủ lắng nghe doanh nghiệp với tốc độ dồn dập như vậy. Thực sự Chính phủ đang tạo hợp lực để cải cách. Nhiệm vụ xây dựng thể chế là vấn đề nổi bật, trọng tâm của Chính phủ trong năm nay", Chủ tịch VCCI nhận định.

Ông Lộc cho hay, từ khi có Chính phủ mới, cộng đồng doanh nghiệp có niềm tin mới vào môi trường kinh doanh, thể hiện thông qua việc 102 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập trong năm. Năm nay cũng là năm đầu tiên vượt ngưỡng 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. 

Tuy nhiên, ông Lộc cũng thông tin thêm rằng, trong tổng số 150 kiến nghị của doanh nghiệp thông qua VBP 2015 và các kiến nghị trong năm 2016 đã được đề xuất với cơ quan chính phủ, qua văn bản đối thoại trực tiếp, thì mới có khoảng 1/3 số vấn đề đã được Chính phủ xem xét và giải quyết. Còn lại 2/3 kiến nghị vẫn chưa được giải quyết và giải quyết còn chậm. Có những vấn đề của doanh nghiệp đã giải quyết nhưng chưa thỏa đáng. Vấn đề không chỉ ở thông tư, nghị định mà còn ở pháp luật.

"Nếu vấn đề được giải quyết nhanh hơn sẽ tạo ra sức giải phóng tốt hơn cho doanh nghiệp", ông Lộc đánh giá.

Năm tới, mặc dù cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục tin tưởng vào môi trường kinh doanh, triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam cùng những nỗ lực cải cách của Chính phủ, nhưng theo đánh giá của Chủ tịch VCCI, 2017 sẽ là một năm khó khăn.

Những dự báo về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong thời gian tới cũng như chủ trương của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đối với TPP và xu hướng bảo hộ mậu dịch tăng lên sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam khi nền kinh tế trong nước chủ yếu dựa vào 2 động lực chính là xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. 

Một trở ngại khác cũng được Chủ tịch VCCI nhắc tới đó là cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4. "Trung Quốc hiện đang đầu tư vào Hoa Kỳ. Adidas đầu tư trở lại Đức. Các nhà đầu tư hướng tới sử dụng công nghệ mới, robot thay vì lao động giá rẻ. Đảo chiều thương mại quốc tế dưới tác động của cuộc các mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 4 cũng sẽ là nhân tố tác động nền kinh tế Việt Nam trong năm tới", ông Lộc nói.

Do vậy, theo ông Lộc, "sự lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp là sự lạc quan cẩn trọng".

VBF - Diễn đàn Doanh nghiệp (Vietnam Business Forum), nhiều năm được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam biết đến như một sự kiện quan trọng, một kênh đối thoại có hiệu quả giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Kênh đối thoại quan trọng này được tổ chức định kỳ hàng năm. VBF 2016 sẽ được tổ chức vào ngày 5/12/2016 tại Hà Nội.

Tin mới lên