Ngân hàng

Nhiều ngân hàng khóa room ngoại, chờ cơ hội tốt hơn để gọi vốn

Bên cạnh việc gọi vốn từ cổ đông ngoại không như trước do tác động của Covid-19, hiện room ngoại còn lại rất thấp, vì vậy, các ngân hàng muốn có một khoảng trống khi khóa room, chờ đợi thị trường tốt hơn để gọi vốn.

Nhiều ngân hàng khóa room ngoại, chờ cơ hội tốt hơn để gọi vốn

(Ảnh minh họa)

Chừa khoảng trống cho nhà đầu tư ngoại

Techcombank vừa khóa "room" ngoại ở 22,5%. Cụ thể, HĐQT Techcombank (HoSE: TCB) thông qua nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 22,4951% lên mức 22,5076% vốn điều lệ.

Theo thông tin từ ngân hàng, động thái trên nhằm giúp người lao động nước ngoài được mua 439.000 cổ phiếu TCB thông qua giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường.

Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu TCB đang giao dịch quanh ngưỡng 21.000 đồng/cổ phiếu, tăng 44% so với mức đáy cuối tháng 3/2020.

Mới đây, HDBank công bố Nghị quyết 29 về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của nhà đầu tư ngoại từ mức 30% xuống còn 21,5%, nhằm để dành cho kế hoạch hợp tác với các đối tác chiến lược trong thời gian tới.

VPBank cũng quyết định dành “room” cho khối ngoại khi quyết định giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 22,77% xuống còn 15% khi dòng vốn toàn cầu bị biến động bởi làn sóng Covid-19 lần đầu tiên khiến nhiều nhà đầu tư thoái vốn.

Room ngoại còn lại của VPBank dự kiến dùng để chào bán cho nhà đầu tư khác muốn đầu tư khi đại dịch được kiểm soát và thị trường ổn định hơn.

Giữa năm 2020, thị trường cũng ghi nhận thương vụ bán 15% cổ phần của ngân hàng OCB cho đối tác Nhật là ngân hàng Aozora, đưa mức vốn điều lệ hiện hữu tăng từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng.

Ngược với quyết định giảm tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài khi khóa room ngoại, các ngân hàng lại tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu quốc tế.

HDBank cho biết, ngân hàng lên phương án phát hành riêng lẻ 160 triệu USD trái phiếu cho các nhà đầu tư tổ chức tại các thị trường phát triển.

Đây là trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông, không có tài sản đảm bảo và không kèm theo chứng quyền. Việc phát hành dự kiến hoàn tất trong năm nay.

Mục tiêu huy động vốn là bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn, phục vụ các kế hoạch tăng trưởng theo kế hoạch đề ra, đồng thời giúp nâng cao các tỷ lệ an toàn hoạt động.

Dòng vốn ngoại chảy vào còn qua các khoản vay quốc tế. Chẳng hạn như trường hợp của Techcombank đã công bố việc giải ngân khoản vay hợp vốn quốc tế đầu tiên trị giá 500 triệu USD từ các định chế tài chính nước ngoài.

Đây là khoản vay tín chấp có thời hạn 3 năm, với mức lãi suất bằng lãi suất cho vay USD liên ngân hàng (LIBOR) cộng biên độ 1,5%/năm.

Năm qua, VPBank cũng huy động được 300 triệu USD theo chương trình Euro Medium Term, lãi suất 6,25%, kỳ hạn 3 năm. Ngân hàng này thậm chí còn đặt tham vọng huy động đợt 2 với số vốn 700 triệu USD.

Sau EVFTA, 2 ngân hàng nào sẽ được nới room lên 49%?

Theo hiệp định EVFTA, các ngân hàng châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room chung.

Hiệp định EVFTA và EVIPA vừa được Nghị viện Châu Âu (EP) thông qua được kỳ vọng sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh lợi ích to lớn từ thương mại hàng hóa, nhiều tác động tích cực cũng đến với thương mại dịch vụ và đầu tư.

Riêng đối với lĩnh vực ngân hàng, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ cổ phần lên 49% vốn điều lệ tại 2 ngân hàng TMCP của Việt Nam. Tuy nhiên, cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng TMCP mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.

Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ, một tổ chức sở hữu không quá 15% vốn điều lệ. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại các ngân hàng là 30%.

Trường hợp ngoại lệ theo quy định tại EVFTA có thể cho phép room ngoại của các tổ chức tín dụng châu Âu tại 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam được vượt khỏi mức trần quy định hiện hành.

Hiện ACB đã cạn room ngoại (30%); VIB chốt room ngoại chỉ 20,5%; MB nâng room từ 20,9% lên gần 23% trong tháng 3/2020.

Tuy nhiên, VIB, VPBank, Techcombank, ACB được là những ứng viên tiềm năng có thể được xem xét nới room ngoại theo đề xuất của ngân hàng Châu Âu.

Đó là kết luận tại báo cáo nghiên cứu ngành ngân hàng với cơ hội từ hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) do Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) công bố.

Trong năm qua, có hai thương vụ huy động vốn ngoại thành công đáng chú ý là Vietcombank huy động từ GIC (Singapore) và Mizuho (Nhật Bản) để tăng vốn thêm xấp xỉ 265 triệu USD (tương ứng vốn tăng 3,1%), hay thương vụ BIDV phát hành 15% cổ phần cho Keb Hana Bank với giá trị 876 triệu USD.

Tin mới lên