Tài chính

Nhiều nhà máy nhiệt điện lo đóng cửa vì thiếu than

Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh có thể sẽ dừng sản xuất vào 24/11. Còn nhà máy nhiệt điện Hải Phòng và Thái Bình cũng trong tình trạng cạn kiệt nguồn than cung cấp.

Nhiều nhà máy nhiệt điện lo đóng cửa vì thiếu than

Khan hiếm than, Nhiệt điện Quảng Ninh có thể phải dừng sản xuất từ 24/11.

Ngày 23/11, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết hoạt động sản xuất của đơn vị đang hết sức khó khăn vì tình trạng khan hiếm than. Không đủ than cho sản xuất điện, từ 17/11, Nhiệt điện Quảng Ninh đã phải dừng 2 tổ máy số 1 và số 2 (giảm 600MW) để đảm bảo đủ than duy trì 2 tổ máy còn lại.

Nguy cơ dừng hoạt động

Theo Nhiệt điện Quảng Ninh, tới thời điểm này, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã cung cấp cho đơn vị này 2,57 triệu tấn than, Tổng Công ty Đông Bắc đã cung cấp 395.000 tấn than. Theo hợp đồng cung cấp, đến hết năm 2018, doanh nghiệp này chỉ còn được cung cấp khoảng 255.000 tấn.

Trong khi đó, sản lượng điện thương phẩm theo kế hoạch phát điện phải tháng 11 và 12 phải đạt 1,14 tỷ KWh, tương ứng với lượng than là 660.000 tấn. Như vậy, lượng than thiếu hụt là 405.000 tấn. Dù có được TKV cung cấp bổ sung tăng thêm 10% hợp đồng là 260.000 tấn, lượng than thiếu hụt sẽ là 145.000 tấn.

Doanh nghiệp này đã nhiều lần đề xuất 2 nhà cung cấp cấp bổ sung than đủ đáp ứng cho các tổ máy vận hành phát điện theo phương thức điều độ của hệ thống điện quốc gia. Nhưng các nhà cung cấp không đáp ứng được phương thức cấp than hàng ngày và khối lượng than bổ sung theo đề xuất.

Nếu 2 nhà cung cấp than không bổ sung khối lượng than tăng thêm 10% theo quy định của hợp đồng, có thể từ 24/11, Nhiệt điện Quảng Ninh sẽ phải dừng hoạt động cả 4 tổ máy đến hết năm 2018.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), những ngày gần đây, tình hình cấp than cho các nhà máy nhiệt điện càng trở nên cấp bách khi lượng than dự trữ đã giảm xuống rất thấp. Nhiệt điện Quảng Ninh chỉ còn 8.800 tấn (không đủ 1 ngày vận hành), Nhiệt điện Hải Phòng còn hơn 66.700 tấn (5 ngày vận hành) có thể sẽ phải dừng 2 tổ máy trong một vài ngày tới.

Tại các cuộc họp ngày 12/11 và 14/11 do Bộ Công thương chủ trì, TKV và Đông Bắc đã cam kết đảm bảo cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện sản xuất. Nhưng thực tế, lượng than cấp cho các nhà máy trong tháng 11 vẫn thấp hơn so với lượng tiêu thụ.

Nhiệt điện Quảng Ninh chỉ được cấp hơn 187.000 tấn trong khi tiêu thụ hơn 201.000 tấn, Nhiệt điện Hải Phòng được cấp hơn 130.000 tấn, tiêu thụ hơn 205.000 tấn, Nhiệt điện Thái Bình cấp được hơn 28.000 tấn, tiêu thụ hơn 34.000 tấn và đã ngừng cấp từ 17/11.

Đã cung cấp hết khả năng

EVN cho rằng cuối năm 2018 và mùa khô 2019, các nhà máy nhiệt điện than sẽ là nguồn cung chủ yếu cho hệ thống điện. Tập đoàn Điện lực đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo TKV và Đông Bắc cung cấp bổ sung ngay than cho các nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng đủ vận hành. Đồng thời xem xét đề xuất của EVN cho phép cấp than antraxit cho các nhà máy điện trong tình trạng cấp bách và dài hạn.

Trong khi đó, TKV cho rằng mặc dù nhu cầu sử dụng than của hầu hết các nhà máy nhiệt điện đều tăng cao, nhất là 6 tháng đầu năm, nhưng TKV đã tổ chức cung cấp than kịp thời đảm bảo tiến độ hợp đồng. TKV cũng đã điều chỉnh kế hoạch cấp than cho sản xuất điện tăng thêm 2 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm 2018, huy động tối đa nguồn than sản xuất và chế biến giao than kịp thời cho các nhà máy nhiệt điện.

Năm 2018 TKV cũng đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất tiêu thụ tăng thêm 8% so với kế hoạch đầu năm, từ 36 triệu tấn lên 39 triệu tấn. Mức điều chỉnh này đã cân đối hết năng lực sản xuất, do vậy TKV phải tiến hành nhập khẩu than cho sản xuất điện, dự kiến tháng 11 và 12 TKV phải cung cấp than pha trộn cho Nhiệt điện Thái Bình 1.

TKV cho biết sẽ cố gắng đảm bảo cung cấp than cho nhu cầu sản xuất của các nhà máy nhiệt điện nhưng không đảm bảo cho các nhà máy này tăng lượng dự trữ tồn kho theo nhu cầu.

Phải nhập khẩu than

Do năng lực của TKV theo giấy phép khai thác chỉ đạt 36-37 triệu tấn/năm than sạch, TKV phải nhập khẩu than (năm 2019 khoảng 4 triệu tấn, 2020 khoảng 9 triệu tấn, đến 2030 khoảng 16 triệu tấn) pha trộn để đáp ứng nhu cầu về than cho nền kinh tế, nhất là các nhà máy nhiệt điện.

 

Tin mới lên