Tài chính

Nhiều ‘ông lớn’ trì hoãn lệnh Thủ tướng

Không cách chức những người có quyền thì không xử lý được vấn đề chuyển giao doanh nghiệp.

Nhiều ‘ông lớn’ trì hoãn lệnh Thủ tướng

Bà Nguyễn Thị Hoa: "Chúng tôi đã truyền thông tới các doanh nghiệp nhà nước lười chuyển giao". Ảnh: CL

Chủ trương chuyển giao các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là một chủ trương tiến bộ. Tuy vậy, chủ trương này lại được thực hiện rất chậm. Nhiều bộ, ngành, địa phương lách luật, cố tình trì hoãn việc chuyển giao.

Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại hội thảo về chủ đề trên do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 21/2 tại Hà Nội.

Không muốn chuyển vì xin được nhiều thứ

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, cho hay hơn 173 doanh nghiệp trong tổng số 234 doanh nghiệp thuộc diện được Thủ tướng Chính phủ chỉ định chuyển giao vốn nhà nước về SCIC nhưng các đơn vị trên không thực hiện.

"Chính phủ đã có nhiều công văn, chỉ thị nhắc nhở việc thực hiện chủ trương trên nhằm lành mạnh hóa việc quản lý vốn của Nhà nước ở doanh nghiệp. Nhưng các bộ, ngành và địa phương chưa tích cực thực hiện, thậm chí là trì hoãn việc chuyển giao" - đại diện CIEM cho biết.

Điều đáng nói, theo ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng Giám đốc SCIC, có khá nhiều tập đoàn, tổng công ty không thực hiện lệnh của Thủ tướng Chính phủ.

"Nhiều địa phương có quan điểm không chuyển doanh nghiệp về SCIC với lý do để phục vụ cho sự nghiệp phát triển của địa phương, bất kể là doanh nghiệp công ích hay kinh doanh" - ông Hiếu nêu thực tế.

Nói rõ thêm về vấn đề này, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung phân tích việc chậm chuyển vốn cho SCIC  lỗi có phần của lãnh đạo cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và địa phương. Lợi ích đang chi phối hành động.

"Khi các DNNN còn xin được cơ chế, xin được vốn, xin được chỉ tiêu thì quyền lợi còn gắn chặt và họ chẳng bao giờ muốn dứt ra khỏi cơ chế chủ quản. Cho nên vấn đề thực thi thể chế chuyển giao và quyết tâm của các bộ cũng là một nút thắt căn bản" - TS Cung nhận định.

Chín năm chưa quyết toán nổi

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương, nói việc chuyển giao DNNN về SCIC gặp nhiều khó khăn do các quy định của pháp luật. Chẳng hạn, Tổng Công ty Thép cổ phần hóa từ năm 2008 nhưng chín năm nay chưa quyết toán được.

Bà Hoa nói: "Tổng Công ty Thép là đơn vị lớn, có khoảng 50 đơn vị thành viên, có cả tài sản là đất. Nhưng theo Quyết định 09 của Thủ tướng thì việc sắp xếp lại đất đai vô cùng vướng mắc. Vả lại, Bộ Công Thương cũng đã gửi quyết toán xử lý tài chính liên quan đến công tác chuyển giao cho Chính phủ nhưng sáu tháng rồi vẫn chưa nhận được ý kiến".

Bà Hoa dẫn chứng dự án gang thép Thái Nguyên (vốn đầu tư trên 8.000 tỷ đồng đang đắp chiếu - PV) cũng khó xử lý do thua lỗ kéo dài mặc dù Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo rốt ráo trong thời gian qua.

Ở góc độ địa phương, ông Hoàng Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh, cho hay tỉnh này đã phối hợp tích cực với SCIC và bàn giao sáu doanh nghiệp. Hiện Hà Tĩnh chỉ còn một doanh nghiệp được Chính phủ giao, đó là Tổng Công ty Khoáng sản - Thương mại, đầu tàu kéo phong trào nông thôn mới.

Ông Sơn cho hay: "Trước khi tham dự hội thảo đã xin ý kiến tỉnh rằng nếu trung ương bảo đưa doanh nghiệp cho SCIC quản lý thì tỉnh chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo. Nhưng bây giờ, kinh tế thị trường rồi thì phải xem xét lại. Các DNNN đã cổ phần hóa, Nhà nước không nắm được, giờ ai quản lý? Tỉnh hay SCIC? SCIC quản lý có tốt bằng tỉnh không?" - ông Sơn phân vân.

Ông Sơn cũng nêu quan điểm: Nhiều mô hình doanh nghiệp, chúng tôi thấy khi SCIC vào thì tốt nhưng khi SCIC thoái vốn tỉnh không hề hay biết. Do đó không thể bỏ bê hết cho SCIC được.

Không cách chức thì không xử lý được

Bà Nguyễn Thị Hoa khẳng định Bộ Công Thương sẵn sàng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc chuyển giao các DNNN về SCIC. Ngoài bốn tổng công ty đã chuyển giao về SCIC, bà Hoa cho hay Bộ Công Thương đã họp và quyết định bàn giao thêm sáu công ty khác.

Tuy vậy, bà Hoa cũng đưa ra nhiều kiến nghị bởi có nhiều công ty con trong các tổng công ty lo ngại mất vốn khi chuyển giao về SCIC. "Một số đơn vị rất ngại ngần khi chuyển sang SCIC. Chúng tôi đã truyền thông tới các DNNN "lười" chuyển giao. Hơn nữa, lâu nay DNNN cũng trì trệ trong quản lý, họ ngại thay đổi tư duy, quen chạy lên bộ" - bà Hoa cho hay và khẳng định: Dù thế nào thì Bộ Công Thương cũng sẽ quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.

Ông Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế thuộc Bộ Tư pháp, cho rằng: "Quá trình chuyển giao DNNN về SCIC khó là do vấn đề lợi ích. Chính phủ bảo làm mà không thực hiện bởi vì sau đó là sân sau, là lợi ích, nguy hiểm lắm. Nguyên nhân thứ hai là do thiếu cương quyết, xuề xòa, không cách chức những người có quyền, có trách nhiệm thì không xử lý được".

Chưa chuyển giao trên 82.000 tỷ đồng

Theo CIEM, số vốn Nhà nước tại 173 doanh nghiệp chưa chịu chuyển giao về SCIC vào khoảng 82.600 tỷ đồng. Trong đó có 32 doanh nghiệp trực thuộc các bộ, ban ngành trung ương, nhiều nhất là Bộ Công Thương với tám doanh nghiệp; Bộ GTVT năm doanh nghiệp; Bộ NN&PTNT năm doanh nghiệp; Bộ VH-TT&DL 10 doanh nghiệp và Bộ Y tế bốn doanh nghiệp.

Các địa phương còn giữ 141 doanh nghiệp, chưa chuyển giao.

____________________________

Đại diện SCIC cho biết qua hơn 10 năm hoạt động, đa số các doanh nghiệp được SCIC tiếp nhận bàn giao đã được tái cơ cấu, đạt kết quả khả quan; đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân chung 15%-17%.  Từ đó đã thu về 25.700 tỷ đồng cổ tức, thu hơn 19.000 tỷ đồng lãi do bán lại vốn.

 

Tin mới lên