Ngân hàng

Nhìn lại 10 năm cuộc đua lợi nhuận ngân hàng: Cạnh tranh quyết liệt!

(VNF) - Thập niên những năm 2010 đã chứng kiến cuộc cạnh tranh lợi nhuận rất quyết liệt giữa các ngân hàng. Đơn cử như Vietcombank, sau nhiều năm đánh mất ngôi đầu đã lấy lại vị trí từ tay VietinBank vào năm 2016.

Nhìn lại 10 năm cuộc đua lợi nhuận ngân hàng: Cạnh tranh quyết liệt!

Nhìn lại 10 năm cuộc đua lợi nhuận ngân hàng: Cạnh tranh quyết liệt!

Thập niên của những năm 2020 vừa bắt đầu được vài ngày, kỳ vọng sẽ chứng kiến thêm nhiều thay đổi mới trong nền kinh tế. Tuy nhiên, dù là 10 năm nữa thì ngân hàng nhiều khả năng vẫn tiếp tục đóng vai trò xương sống, dẫn dắt kinh tế tăng trưởng.

Trong nội bộ ngành ngân hàng, thập niên tới chắc chắn sẽ tiếp tục chứng kiến sự thay đổi lớn về mặt vị thế, đặc biệt là sự xáo trộn trong bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng, như những gì đã từng xảy ra trong 10 năm trước.

Nhìn lại thập niên của những năm 2010, có thể cảm nhận được ngay sự quyết liệt trong cuộc đua lợi nhuận giữa các ngân hàng.

Năm 2019, Vietcombank đứng đầu bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng, tương tự như vị thế của năm 2010. Nếu nhìn vào điểm mốc đầu - cuối, có thể lầm tưởng rằng Vietcombank duy trì vị thế "anh cả" lợi nhuận suốt thập niên, nhưng thực tế không phải!

Năm 2011, VietinBank đã soán ngôi với lợi nhuận trước thuế lên đến gần 8.400 tỷ đồng, tăng vọt 83% so với năm trước đó. Ngôi đầu này được duy trì trong suốt giai đoạn 2011 - 2015, bất chấp đa phần các ngân hàng "chao đảo" lợi nhuận do phải dành nguồn lực lớn để xử lý nợ xấu.

Năm 2014, Vietcombank thậm chí còn bị BIDV đẩy xuống vị trí thứ 3.

Sau một thời gian khá dài dành nguồn lực xử lý gọn nợ xấu, lợi nhuận của Vietcombank bắt đầu bứt phá từ năm 2016, lấy lại ngôi vương lợi nhuận và duy trì suốt từ đó tới nay với khoảng cách ngày càng xa so với nhóm phía sau.

Thống kê của VietnamFinance cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân giai đoạn 2010 - 9 tháng 2019 của Vietcombank ở mức 21%/năm, cao hơn nhiều mức 9% của VietinBank và mức 10% của BIDV.

Xét 5 năm trở lại đây, tăng trưởng lợi nhuận bình quân của Vietcombank lên đến 37%/năm, cao hơn hẳn mức 2% của VietinBank và 8% của BIDV.

Dù vậy, xét về tăng trưởng lợi nhuận, Vietcombank vẫn thua một ngân hàng quốc doanh khác: Agribank.

Mặc dù là ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống xét về tổng tài sản cũng như thị phần cho vay nhưng do hoạt động trong lĩnh vực tam nông vốn nhiều rủi ro nên nền lợi nhuận của Agribank khá thấp so với quy mô, chỉ ở mức trên 2.200 tỷ đồng năm 2010, thấp hơn nhiều ngân hàng tư nhân như ACB, Sacombank, Techcombank, Eximbank hay MB.

Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Agribank đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn Vietcombank, 33%/năm cho giai đoạn 2010 - 9 tháng 2019 và 47%/năm cho 5 năm gần đây.

Tuy nhiên, vẫn phải dành lời khen cho ngân hàng này khi đã bứt phá lợi nhuận trong vòng 2 năm trở lại đây. 9 tháng năm 2019, Agribank đã trở thành á quân lợi nhuận ngân hàng, chỉ đứng sau Vietcombank.

Cuộc đua lợi nhuận ngân hàng 10 năm qua. Nguồn: VietnamFinance (Ghi chú: Riêng SCB không có số liệu lợi nhuận năm 2011 do trùng vào thời điểm hợp nhất 3 ngân hàng, trong đồ họa là số liệu 9 tháng năm 2011)

Với nhóm ngân hàng tư nhân, những cái tên "hầm hố" 10 năm trước có thể kể đến như: ACB, Sacombank, Techcombank, Eximbank, MB. Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận cao, trên nghìn tỷ, như VIB, MSB.

Tuy nhiên, 10 năm sau, những cái tên vẫn giữ được phong độ chỉ có Techcombank và MB, phần nào đó là ACB (bứt tốc lợi nhuận từ năm 2017 sau khi xử lý gọn nợ xấu liên quan đến bầu Kiên) và VIB (lấy lại mốc lợi nhuận nghìn tỷ năm 2017).

Trong khi đó, Sacombank dù vẫn cố duy trì lợi nhuận ở mức khá cao so với trung bình ngành nhưng điều này không có quá nhiều ý nghĩa trong bối cảnh nợ xấu vẫn chất đống với quy mô khổng lồ.

Còn với Eximbank, ngân hàng này ngập chìm trong "nội chiến", cộng thêm với việc nợ xấu vẫn ở mức cao, khiến triển vọng lợi nhuận ngân hàng này không mấy sáng sủa. Trong thập niên vừa qua, có tới 6 năm Eximbank ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm.

Trong số các ngân hàng tư nhân, ấn tượng nhất trong 10 năm qua là trường hợp của VPBank.

Năm 2010, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ 663 tỷ đồng, nằm ở nửa dưới bảng xếp hạng lợi nhuận. Tuy nhiên, năm 2017 và năm 2018, VPBank đã chễm chệ trong top 5 lợi nhuận. "Gà đẻ trứng vàng" FE Credit là động lực chính giúp VPBank đạt được vị thế này.

Bên cạnh đó, TPBank cũng là trường hợp gây ấn tượng khi lợi nhuận tăng hơn chục lần trong vòng 10 năm, dù từng có khoảng thời gian rất khó khăn do hạn chế về nguồn lực xử lý nợ xấu.

Thất vọng nhất là trường hợp của Saigonbank. Năm 2010, "ngân hàng của thành ủy TP. HCM" duy trì vị thế top trên với lợi nhuận trước thuế 871 tỷ đồng, xếp ngay sau nhóm ngân hàng có lợi nhuận nghìn tỷ.

Tuy nhiên, sau 10 năm, lợi nhuận của ngân hàng này ngày càng teo tóp, nằm trong số những ngân hàng có lợi nhuận thấp nhất suốt nhiều năm qua, trong bối cảnh quy mô tài sản cũng như dư nợ cho vay tăng rất chậm so với các ngân hàng khác.

Hiện Saigonbank là ngân hàng có quy mô tổng tài sản và dư nợ cho vay nhỏ nhất hệ thống.

Tin mới lên