Ngân hàng

Nhìn lại 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2019

(VNF) - Nhiều sự kiện ngân hàng năm 2019 gây bất ngờ cho không chỉ dư luận nói chung mà đối với cả những người trong ngành, trong đó có cả cơ quan quản lý. Cùng VietnamFinance nhìn lại 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm qua.

Nhìn lại 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2019

Nhìn lại 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2019

18 ngân hàng Việt Nam bị Moody's hạ triển vọng tín nhiệm

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service ("Moody's") mới đây đã công bố về việc hạ triển vọng tín nhiệm của 18 ngân hàng Việt Nam.

Theo đó, 10 trong số 18 ngân hàng được Moody’s thay đổi triển vọng sang "Tiêu cực", trong khi đó giữ nguyên xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi ngoại tệ và nội tệ dài hạn.

Trong số 10 ngân hàng này, Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín dụng cơ bản (BCA) và BCA dài hạn đối với 4 ngân hàng, cũng như đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (CR Assessments) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) của 6 ngân hàng.

5 ngân hàng khác được Moody’s thay đổi triển vọng về xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn thành "Tiêu cực", nhưng vẫn giữ xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn.

Với 3 ngân hàng còn lại, Moody’s cũng xác nhận Đánh giá Rủi ro Đối tác và Đánh giá Rủi ro Đối tác dài hạn.

Theo phía Moody’s, việc xem xét đánh giá xếp hạng của 18 ngân hàng được thực hiện bắt đầu từ ngày 10/10/2019, sau khi tổ chức này xem xét hạ xếp hạng của Việt Nam vào ngày 9/10/2019.

Theo Moody's, xếp hạng khả năng thanh toán là yếu tố quan trọng để họ đưa ra mức xếp hạng các ngân hàng Việt Nam bởi vì nó sẽ ảnh hưởng tới khả năng Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ các ngân hàng trong những giai đoạn khó khăn.

Tổ chức xếp hạng này cho biết, việc thay đổi xếp hạng với 18 ngân hàng Việt Nam không phản ánh sự suy yếu của hồ sơ tài chính độc lập của các ngân hàng.

18 ngân hàng bao gồm: ABBank, ACB, HDBank, Vietcombank, BIDV, LienVietPostBank, MB, NamABank, OCB, SHB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank, MSB, VPBank và Techcombank.

Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất

Tháng 11/2019, Ngân hàng Nhà nước đã đồng loạt ban hành hai văn bản điều chỉnh giảm trần lãi suất, cả chiều huy động lẫn cho vay trên thị trường 1 (thị trường tổ chức kinh tế, dân cư nhưng không bao gồm tổ chức tín dụng).

Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng hạ lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

Quyết định giảm trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước diễn ra không lâu sau thông điệp giảm lãi suất phát đi từ người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - tại diễn đàn Quốc hội ngày 8/11.

Mặc dù các ngân hàng thương mại ít nhiều đã có sự chuẩn bị nhất định trước khi Ngân hàng Nhà nước chính thức ra quyết định giảm trần lãi suất, bằng chứng là hàng loạt ngân hàng đã rục rịch giảm lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn khác nhau trong khoảng một tuần trở lại đây, tuy nhiên, quyết định này của Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ tạo ra áp lực nhất định lên không ít ngân hàng.

Về mặt lý thuyết, việc giảm trần lãi suất sẽ khiến cho dòng tiền gửi vốn đang có lãi suất chạm trần "chảy" sang các ngân hàng có rủi ro thấp hơn (thường là từ ngân hàng nhỏ chảy sang ngân hàng lớn), bởi mức lãi suất nhận được là như nhau.

Một phần dòng tiền sẽ "chảy" sang kỳ hạn dài hơn hiện đang không bị điều chỉnh bởi trần lãi suất.

Nhưng đáng chú ý nhất là việc dòng tiền cũng sẽ "chảy" từ kênh ngân hàng sang kênh đầu tư khác do lãi suất tiền gửi đã bớt hấp dẫn hơn.

Tựu chung, giảm trần lãi suất sẽ tạo áp lực huy động vốn lên hầu hết các ngân hàng, trong đó, ngân hàng quy mô càng nhỏ càng chịu áp lực lớn.

Ban hành Thông tư 18 "siết" cho vay tiêu dùng bằng tiền mặt

Cũng trong tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Thông tư 18 hướng đến giảm dần tỷ trọng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ cho vay xuống mức 30%. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho khách hàng có tổng dư nợ cho vay giải ngân trực tiếp trên 20 triệu đồng.

Lộ trình giảm tổng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng đối với các công ty tài chính kéo dài trong khoảng thời gian 4 năm, từ 2021 đến 2024, cụ thể: tỷ trọng này ở mức tối đa 70% trong năm 2021, 60% trong năm 2022, 50% trong năm 2023 và 30% kể từ ngày 1/1/2024.

Ba ngân hàng niêm yết có công ty con/ công ty liên kết là công ty tài chính tiêu dùng, bao gồm VPBank (100% sở hữu tại FE Credit), HDBank (50% sở hữu tại HDSaison) và MB (50% sở hữu tại MCredit). Thị phần của ba công ty tài chính này vào cuối quý II/2019 lần lượt là 55%, 17% và 7%.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, trong số này, FE Credit vẫn là công ty chịu ảnh hưởng nhiều nhất. FE Credit có cơ cấu cho vay tập trung nhiều vào các khoản vay tiền mặt. Cơ cấu sản phẩm bao gồm 76% cho vay tiền mặt, 8% cho vay mua xe máy, 4,7% cho vay điện máy và 11,4% cho vay thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, tỷ lệ cho vay tiền mặt đối với khách hàng có tổng dư nợ trên 20 triệu đồng hiện dưới 70%.

"Do đó, trong hai năm tới (2020 và 2021), tác động sẽ chỉ ở mức thấp do lộ trình chưa ảnh hưởng sâu đến hoạt động kinh doanh của FE Credit. Tuy nhiên, từ năm 2022-2024, FE Credit có thể phải hy sinh phần nào hệ số NIM để đạt được cơ cấu danh mục cho vay cân đối hơn", chuyên gia của SSI nhấn mạnh.

Trong khi đó, HDSaison sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất do tỷ trọng cho vay tiền mặt ở mức thấp, chỉ 33%.

Với MCredit, mặc dù các khoản vay tiền mặt trong tổng dư nợ cho vay là khoảng 70%, nhưng việc tái cấu trúc danh mục sản phẩm có thể dễ dàng hơn do quy mô vẫn còn khiêm tốn.

Nhiều thay đổi căn bản về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng

Sau nhiều tranh cãi khi còn là dự thảo, tháng 11/2019, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN thay thế Thông tư 36/2014 (và các Thông tư sửa đổi liên quan), quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng.

Thông tư này có 3 điểm đáng chú ý: "siết" tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nâng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay mua nhà có giá trị lớn và điều chỉnh tỷ lệ LDR.

Theo đó, các ngân hàng sẽ phải đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 37% từ ngày 1/10/2020. Tiếp tục giảm xuống 34% một năm sau đó và xuống mức 30% sau một năm tiếp theo.

Về việc nâng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay mua nhà có giá trị lớn, một mặt, quy định này sẽ tác động theo hướng làm giảm hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng có danh mục cho vay mua nhà lớn, mặt khác lại tạo cơ hội cho các ngân hàng có CAR cao lấy thị phần cho vay mua nhà của các ngân hàng có CAR thấp, do CAR càng thấp thì càng ít dư địa để cho vay mua nhà giá trị lớn.

Được biết, thông tư 22 quy định các khoản vay bất động sản tiêu dùng có giá trị từ 1,5 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng chịu hệ số rủi ro 100%; trong khi các khoản vay tương tự có giá trị trên 4 tỷ đồng chịu hệ số rủi ro 150% (thay vì đều ở mức 50% như trước đây).

Liên quan đến việc điều chỉnh trần LDR, các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ bị hạ trần từ 90% hiện tại xuống 85%, trong khi các ngân hàng tư nhân được nâng trần từ 80% lên 85%.

Trần LDR tăng lên giúp các ngân hàng tư nhân có thêm dư địa để giảm tỷ trọng chi phí vốn trong tổng doanh thu tín dụng thông qua việc giảm đà tăng tổng tiền gửi. Ngược lại, dư địa giảm tỷ trọng chi phí vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước bị siết lại, thậm chí có thể làm tăng tỷ trọng chi phí vốn trong tổng doanh thu tín dụng.

Ngân hàng quốc doanh "được mùa" bán vốn

Hồi đầu năm nay, Vietcombank đã hoàn tất phát hành riêng lẻ hơn 111 triệu cổ phiếu cho GIC - quỹ đầu tư quốc gia của Singapore và cổ đông hiện hữu là Mizuho Bank với giá bình quân khoảng 55.800 đồng/cổ phiếu và kể từ đó, cổ phiếu VCB bắt đầu đà tăng "phi mã".

Tính ra, so với thị giá hiện tại, các cổ đông nước ngoài trên đã tạm lãi khoảng trên 60% chỉ sau khoảng 10 tháng đầu tư vào Vietcombank. Hay dễ hình dung hơn, rót 6.200 tỷ đồng vào Vietcombank, GIC và Mizuho Bank đang tạm lãi tới 4.000 tỷ đồng.

Có phần tương tự với trường hợp của Vietcombank là trường hợp của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Ngày 31/10, BIDV công bố đã hoàn tất phát hành riêng lẻ hơn 603 triệu cổ phiếu cho đối tác Hàn Quốc là KEB Hana Bank. Mức giá phát hành là 33.640 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, nếu điều chỉnh sau chia cổ tức tiền mặt tổng tỷ lệ 14% cho hai năm 2017 và 2018, mức giá phát hành thực chất là khoảng 35.000 đồng/cổ phiếu (do KEB Hana Bank thống nhất không nhận cổ tức hai năm trên).

Chốt phiên giao dịch ngày 25/12, cổ phiếu BID của BIDV đạt mức 45.000 đồng/cổ phiếu, thiết lập đỉnh lịch sử.

Nếu so với mức thị giá này, KEB Hana Bank đang tạm lãi tới gần 30%. Nói cách khác, lượng tài sản mà KEB Hana Bank bỏ ra 20.200 tỷ đồng để mua, nay đang có giá hơn 27.000 tỷ đồng.

Hạn chót Basel II cận kề, mới chỉ có 18 ngân hàng đáp ứng yêu cầu

18 ngân hàng, nghĩa là chưa đầy một nửa số ngân hàng thương mại tại Việt Nam, áp dụng chuẩn Basel II trong năm 2019, gồm 2 ngân hàng ngoại (Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam) và 16 ngân hàng nội.

Vietcombank và VIB là 2 nhà băng đầu tiên được chấp thuận áp dụng Basel II, theo sau là OCB. Các ngân hàng tiếp tục được phê chuẩn gồm ACB, VPBank, MB, Techcombank, Maritime Bank, HDBank, TPBank, SeABank, Viet Capital Bank, VietBank, LienVietPostBank, NamABank và gần đây nhất là BIDV.

Theo nhận định của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, việc nhiều ngân hàng không có khả năng đáp ứng Basel II trước hạn chót là ngày 1/1/2010 cho thấy thực trạng "vốn mỏng" tại các ngân hàng.

Fitch Ratings cho hay, tăng trưởng tín dụng nhanh chóng cùng các lựa chọn hạn chế khi tăng vốn nhờ nguồn lực bên ngoài có thể sẽ tiếp tục kìm hãm những cải thiện về vốn, khiến ngành này dễ bị tổn thương trước những cú sốc.

Theo Fitch Ratings, việc áp dụng Basel II có thể khuyến khích các nỗ lực huy động vốn theo hướng tích cực hơn, điều này có thể làm giảm rủi ro đối với sự ổn định tài chính và hỗ trợ cải thiện hồ sơ tín dụng của các ngân hàng.

Tuy nhiên, cơ quan xếp hạng tín nhiệm này nhấn mạnh các ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức trong việc tăng vốn từ nguồn lực bên ngoài, do tỷ lệ sở hữu nước ngoài bị giới hạn ở mức 30%.

Fitch Ratings kỳ vọng trong vài năm tới, những ngân hàng nhỏ hơn sẽ đấu tranh để đáp ứng các yêu cầu của Basel II và trở thành mục tiêu thâu tóm - sáp nhập. Can thiệp pháp lý có thể xuất hiện để khuyến khích các ngân hàng "dày vốn" đảm nhận nhiệm vụ thâu tóm - sáp nhập.

Ngành ngân hàng vào cuộc hạn chế tín dụng đen

Hồi tháng 3/2019, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 1783/NHNN-TD về việc phối hợp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Theo văn bản này, Thống đốc đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong quá trình thực hiện cho vay các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cho vay phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Đồng thời, các tỉnh, thành phố phối hợp với ngành ngân hàng đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, đặc biệt chính quyền cấp xã, phường, thôn, bản phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; hỗ trợ ngành ngân hàng trong quá trình xác minh nhu cầu vốn tiêu dùng chính đáng, cấp bách của người dân nhằm hạn chế người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức. 

Các sở, ban, ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty được cấp phép hoạt động dịch vụ tài chính, các hiệu cầm đồ để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời những hành vi chưa đúng quy định của pháp luật.

Các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ nguy cơ, tác hại của tín dụng đen, giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh...

Sau văn bản này, ngành ngân hàng đã liên tục phối hợp cùng nhiều bộ, ngành khác tiếp tục triển khai các biện pháp hạn chế tín dụng đen.

Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ

Ngày 29/5 (giờ Việt Nam), Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra danh sách 9 quốc gia cần giám sát về chính sách tiền tệ bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Italy, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam, trong một báo cáo mà bộ này vừa gửi lên Quốc hội Mỹ.

Phản hồi về việc Việt Nam bị Mỹ đưa vào Danh sách giám sát thao túng tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Trong thời gian tới, Bộ Tài chính Mỹ sẽ theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam và có thể sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nếu cần thiết.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế cũng như đặc thù của kinh tế Việt Nam, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh”.

Trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay: "Việt Nam đã khẳng định với phía Mỹ rằng chúng ta thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và chúng ta không dùng chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có những chính sách tiền tệ, tỷ giá, để tạo cạnh tranh, lợi thế thương mại không công bằng".

Được biết, 3 tiêu chí để Bộ Tài chính Mỹ đưa các nước vào báo cáo này gồm: thặng dư thương mại với Mỹ hơn 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP và can thiệp ngoại hối một chiều (mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng liên tục) 2% GDP.

Việt Nam thoả mãn 2 tiêu chí là thặng dư thương mại và cán cân vãng lai; còn can thiệp ngoại hối một chiều thấp hơn ngưỡng Mỹ đưa ra.

Một năm thành công của điều hành tỷ giá

Mặc dù tỷ giá các đồng tiền trên thế giới biến động mạnh trong năm vừa qua do chịu sự tác động nhiều chiều, trong đó tác động lớn nhất là từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, tỷ giá nói chung và tỷ giá USD/VND nói riêng lại giữ được sự "bình thản" đến ngỡ ngàng.

Ngoại trừ 2 tháng 5 và 6 tỷ giá bật tăng do leo thang chiến tranh thương mại khiến đồng CNY mất giá, tỳ giá mua vào của các ngân hàng thương mại (NHTM) luôn ở mức ngang bằng hoặc thấp hơn tỷ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước.

Nhờ vậy, Ngân hàng Nhà nước đã mua được lượng lớn ngoại tệ, nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục trên 73 tỷ USD, tương đương khoảng 14 tuần nhập khẩu và các NHTM cũng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động ngoại hối.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, nhiều khả năng tỷ giá USD/VND sẽ kết thúc năm 2019 ở mức thấp hơn hoặc bằng tỷ giá cuối năm 2018, đánh dấu một năm điều hành tỷ giá thành công của Ngân hàng Nhà nước.

SSI cho rằng việc giữ tỷ giá ổn định trong năm 2019 phản ánh các nền tàng vĩ mô tích cực của Việt Nam nhưng cũng khiến VND tăng giá trong tương quan với các đối tác lớn. Các quốc gia này vẫn đang mở rộng quy mô nới lỏng tiền tệ, đồng nội tệ của họ sẽ còn giảm giá trong năm 2020 và vì vậy về lâu dài sẽ tạo ra bất lợi nhất định cho hàng hóa Việt nam nếu VND vẫn giữ giá.

Xét trong bối cảnh tổng thể cùng việc cân đối với quan hệ thương mại Việt – Mỹ, mức điều chỉnh của đồng VND trong năm 2020, theo SSI, sẽ nằm trong khoảng 1%- 2% và sẽ được điều chỉnh dần từng bước tùy thuộc vào các diễn biến trên thế giới.

Ông Trần Bắc Hà tử vong

Hồi tháng 7/2019, ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), bất ngờ tử vong khi đang bị tạm giam để điều tra về những sai phạm trong hoạt động ngân hàng tại BIDV.

Được biết ông Trần Bắc Hà bị tạm giam ở trại quân đội tại Sóc Sơn và được xác định tử vong với nguyên nhân được cho là bị bệnh. Ông Bắc Hà được đưa vào Viện 105 và được xác định "tử vong ngoại viện" (mất trước khi đưa vào bệnh viện).

Ông Bắc Hà nhiều năm nay có trọng bệnh về gan và từng chữa trị ở nước ngoài.

Trước đó, cuối tháng 11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tống đạt quyết định khởi tố bị can, khám xét với ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Lục Lang (cựu Phó tổng giám đốc), ông Kiều Đình Hòa (cựu Giám đốc BIDV Hà Tĩnh) và Lê Thị Vân Anh (cựu trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Tĩnh).

Ông Trần Bắc Hà và 3 thuộc cấp bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015. Ông Trần Bắc Hà bị bắt tạm giam.

Ngày 8/1/2019, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/C03-P13 về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Thành, Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng.

Cùng ngày, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bổ sung quyết định khởi tố bị can với cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015. Ông Trần Bắc Hà bị cáo buộc có sai phạm liên quan việc phê duyệt, cấp tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng.

Cuối tháng 3/2019, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, đồng thời khám xét nơi ở đối với ông Trần Duy Tùng - con trai ông Trần Bắc Hà để điều tra về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tin mới lên