Diễn đàn VNF

Nhìn lại 30 năm FDI tại Việt Nam: Quản trị tốt hơn sẽ tiếp tục thành công

Nguồn vốn FDI vẫn có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay cũng như các năm tới, như vai trò luân chuyển của nó giữa các quốc gia từ trước tới nay.

Nhìn lại 30 năm FDI tại Việt Nam: Quản trị tốt hơn sẽ tiếp tục thành công

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài. Ảnh Zing

Nhiều năm qua, trong các diễn đàn, hội thảo về chủ đề "Thành công và thất bại trong thu hút và sử dụng FDI tại Việt Nam", đã có nhận xét: "Thành công là chủ yếu; thất bại chỉ là thứ yếu trong quá trình phát triển của một nền kinh tế còn non yếu sau chiến tranh đang quyết tâm đổi mới để tiến tới một nền kinh tế vững mạnh, bền vững, hiệu quả hơn".

Kết quả và các thành tựu đạt được trong thu hút và sử dụng FDI những năm gần đây cũng như xu hướng gia tăng mạnh hơn các luồng vốn FDI từ nhiều quốc gia trên toàn thế giới vào Việt Nam là những minh chứng. 

Bên cạnh đó, riêng 7 tháng đầu năm 2017: vốn FDI thực hiện đạt 9,05 tỷ USD vượt 5,8% so cùng kỳ 2016; vốn đăng ký đạt trên 21,93 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016, cùng với một số dự án có quy mô lớn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam; xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng trưởng cao, thu nộp ngân sách ổn định, tiếp tục tạo thêm việc làm… bổ sung thêm cho nhận xét trên.

Dù có những thất bại trong thu hút và sử dụng FDI, nhưng rõ ràng là: phải có được một nền quản trị kinh tế vĩ mô ngày càng tốt hơn, trên nền tảng của một thể chế phù hợp, được điều chỉnh kịp thời, thích ứng với từng giai đoạn trong 30 năm phát triển kinh tế - xã hội vừa qua (1987 – 2017) của Việt Nam, mới có thể tạo nên được các thành công của FDI nói riêng và thành công về phát triển kinh tế nói chung.

Minh chứng rõ hơn là những lần bổ sung và điều chỉnh Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 (nay là Luật Đầu tư) trong các năm 1990, 1992, 1995, 2000, 2002 và 2005, thể hiện sự quyết tâm cải cách của Nhà nước để xây dựng được một thể chế phù hợp, minh bạch và thích ứng với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế và thực tế thu hút FDI.

Đến nay, khi tổng kết 30 năm thu hút và sử dụng FDI tại Việt Nam, việc nhìn lại các thành công và thất bại để xác định các bước đi tiếp đối với FDI trong giai đoạn tới là cần thiết, bởi đất nước lại đang đứng trước những thuận lợi, thách thức mới, đòi hỏi phải có những điều chỉnh nhất định về quản trị đối với hoạt động thu hút và sử dụng FDI để phát triển một nền kinh tế mạnh, tự cường trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nguồn vốn FDI vẫn có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay cũng như các năm tới, như vai trò luân chuyển của nó giữa các quốc gia (phát triển, đang phát triển) từ trước tới nay.

Nhìn lại chặng đường phát triển của Việt Nam trong hơn 40 năm qua (kể từ năm 1975 đất nước thống nhất ), từ một nền kinh tế còn non yếu sau chiến tranh, bị cấm vận, với trình độ của nguồn nhân lực chất lượng thấp, cơ sở hạ tầng hầu như đã bị tàn phá hết trong chiến tranh, lương thực và hàng tiêu dùng hàng ngày phải thực hiện theo chế độ cấp phát và phân phối... mới thấy hết được các đóng góp to lớn của mọi nguồn lực mà Nhà nước đã huy động được cho phát triển, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của FDI.

Đến nay, với sự đóng góp trực tiếp và gián tiếp (ảnh hưởng lan tỏa) của FDI, những yếu kém, sa sút của một nền kinh tế sau chiến tranh vừa nêu, hầu như đã được khắc phục hoàn toàn và đang đòi hỏi được tiếp tục hoàn thiện và phát triển tốt hơn trong giai đoạn tới.

Một nền quản trị liên tục được cải thiện theo hướng tốt hơn giai đoạn vừa qua đã mang đến các thành công và đóng góp to lớn của khu vực FDI đối với nền kinh tế. Đó là đã bổ sung một nguồn vốn ngoại to lớn (chiếm bình quân đến 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm) với chất lượng cao về công nghệ, kinh nghiệm quản lý.


Nguồn vốn này đã giúp Việt Nam chuyển đổi được nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang hướng CNH - HĐH với năng lực sản xuất cao hơn, tạo ra được nhiều ngành nghề và sản phẩm công nghiệp mới, nhiều khu công nghiệp qui mô lớn, hiện đại ra đời, tạo ra công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động; đóng góp cho ngân sách nhà nước tăng đều qua các năm.

Nguồn vốn này cũng đã giúp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu và đẩy nhanh quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, tăng cường vị thế, tạo dựng hình ảnh một Việt Nam năng động, phát triển, yêu chuộng hòa bình và công lý trước cộng đồng thế giới...

FDI còn có tác động lan tỏa, gián tiếp kéo theo sự phát triển của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam với hàng hóa và dịch vụ có giá trị được thị trường khu vực và thế giới biết đến và tin dùng.

Nhiều mục tiêu chưa đạt được

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển vừa qua, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, như nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu cho từng lĩnh vực; có giỏi về chính trị nhưng chưa giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, còn yếu về kiến thức và thiếu ý thức phục vụ, thiếu trách nhiệm, tình trạng tham nhũng… nên hoạt động FDI cũng để xảy ra nhiều sự việc bức xúc; như sự cố nghiêm trọng của FORMOSA về môi trường biển năm 2016, là một trong các thất bại lớn nhất trong thu hút FDI hiện nay.

Bên cạnh đó là các tác động xấu của nhiều doanh nghiệp FDI đến môi trường mà nguyên nhân chủ yếu là do quản trị yếu kém ở tất cả các khâu quản lý – quản trị ngaytrong nội tại doanh nghiệp FDI và trong bộ máy quản lý nhà nước các cấp.

Cũng cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn vào những điểm chưa thành công khác trong thu hút và sử dụng FDI vừa qua. Sau 30 năm thu hút FDI nhưng đến giờ mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu. Tỷ lệ 82% số dự án có vốn FDI đến ngày 20/7/2017 là các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; còn thiếu vắng các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị sản xuất ngay tại Việt Nam chứ chưa nói tới toàn cầu; hay công nghiệp hỗ trợ còn kém phát triển là minh chứng.

Sự chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu và nội địa của các doanh nghiệp có vốn FDI có xu hướng ngày càng tăng, nếu không có quản trị tốt (cả về định hướng, tầm nhìn và thực thi cụ thể) mục tiêu xây dựng một nền kinh tế tự cường của Việt Nam sẽ hết sức khó khăn, từ đó sẽ dẫn đến các hệ lụy khó lường khác đối với dân tộc và đất nước.

Ngoải ra, sự mất cân đối trong tỷ lệ các nhà đầu tư chiến lược tại Việt Nam, giữa các nền kinh tế lớn hiện nay tại Việt Nam (thiếu vắng các nhà đầu tư châu Âu trong TOP 10 các đối tác nước ngoài có lượng vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam tính đến 20/07/2017) cho thấy cũng tiềm ẩn các nguy cơ, tác động khó dự báo trước đối với việc xây dựng nền kinh tế tự cường của Việt Nam.

Tuy vậy, kinh nghiệm quản lý vĩ mô nền kinh tế và quản trị doanh nghiệp trong hơn 30 năm đổi mới và 30 năm thu hút FDI của Việt Nam đã được tích lũy và bổ sung rất đáng kể, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế và của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp được nâng lên nhiều. Điều đó đã giúp Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn thách thức trong các giai đoạn phát triển vừa qua; đồng thời là tiền đề rất quan trọng để tiếp tục phát triển hơn trong giai đoạn tới.

Tin mới lên