Tài chính

Nhìn lại bức tranh quỹ tài chính ngoài ngân sách: Bỏ còn chưa hết, lại muốn tăng thêm

(VNF) – Cả nước có hơn 40 quỹ/loại quỹ tài chính ngoài ngân sách và nhiều quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập ở các địa phương. Hồi tháng 8/2019, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từng đề nghị bãi bỏ 9 quỹ. Tuy nhiên, trong khi chưa bỏ được các quỹ như đề nghị thì trong năm 2019, một số bộ lại đề xuất thêm những quỹ mới.

Nhìn lại bức tranh quỹ tài chính ngoài ngân sách: Bỏ còn chưa hết, lại muốn tăng thêm

Năm 2019, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch tiếp tục đề xuất quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh với nguồn thu của quỹ là một phần doanh thu chiếu phim.

Quỹ tài chính ngoài ngân sách: Đầy rẫy vấn đề

Theo báo cáo của đoàn giám sát (của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), các quỹ tài chính ngoài ngân sách đang tồn tại quá nhiều vấn đề.

Cụ thể, về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhiều quỹ có chức năng, nhiêm vụ trùng với nhiệm vụ chi hoặc đối tượng hỗ trợ của ngân sách. Một số quỹ hoạt động không mang lại hiệu quả như kỳ vọng hoặc rất khó đánh giá được hiệu quả một cách tích cực dẫn đến phải thay đổi mục tiêu.

Một số quỹ có các nội dung chi thực hiện nhiệm vụ không hợp lý, quá chú trọng vào các mục chi cho hoạt động truyền thông, báo chí, quảng cáo, trong khi nhiệm vụ này là của các cơ quan chuyên ngành thuộc Chính phủ.

Một số quỹ có các nội dung chi không đúng với bản chất quỹ như quỹ dịch vụ viễn thông công ích sử dụng khoảng 600 tỷ để thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng giao nhưng đây là nhiệm vụ được đóng dấu tối mật.

Việc chia sẻ nguồn thu giữa các địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan ở một số quỹ cũng chưa thực sự hợp lý, còn nhiều bất cập.

Đáng chú ý, dư nguồn tại nhiều quỹ ở trung ương và địa phương còn rất lớn. Một số trường hợp đã sử dụng nguồn dư này để gửi các ngân hàng thương mại hoặc Chính phủ thu một phần quỹ về ngân sách nhà nước. Đây đều là những hoạt động chưa đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

Một điểm cũng đáng quan ngại khác là chi phí quản lý chưa hợp lý so với hoạt động của quỹ. Trong khi có nhiều quỹ không phát sinh chi phí quản lý (quỹ bình ổn giá xăng dầu, quỹ tích lũy trả nợ…) thì tại một số quỹ ở cả trung ương và địa phương lại có chi phí quản lý khá lớn (quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước).

Việc có quá nhiều quỹ tại các địa phương cũng làm phát sinh nhiều chi phí quản lý và tổ chức biên chế. Theo đoàn giám sát, trung bình mỗi địa phương có tới 10 – 15 quỹ.

Ngoài các quỹ quy mô lớn, có bộ máy tương đối hoàn chỉnh, đa số quỹ còn lại có hội đồng quản lý là các thành viên kiêm nhiệm, trình độ, năng lực cán bộ hạn chế, thậm chí có quỹ đi vào hoạt động mà chưa có ban kiểm soát theo quy định của pháp luật.

Trong bối cảnh còn nhiều vấn đề như vậy thì công tác thanh kiểm tra, kiểm toán đối với các quỹ lại chưa nhiều, nhất là với các quỹ do địa phương quản lý. Trong giai đoạn 2013- 2018, kiểm toán nhà nước chỉ kiểm toán được 13 quỹ trung ương và 3 quỹ địa phương, kiến nghị xử lý 1.751 tỷ đồng.

Trước thực trạng trên, đoàn giám sát đã kiến nghị bãi bỏ ngay 6 quỹ gồm: bảo trì đường bộ trung ương, hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ việc làm nước ngoài, phòng chống thiên tai.

Đoàn giám sát cũng đề nghị bãi bỏ có lộ trình với 3 quỹ: phòng chống tác hại của thuốc lá, bình ổn giá xăng dầu, dịch vụ viễn thông công ích.

Tuy nhiên việc bãi bỏ các quỹ này vẫn còn đang được xem xét; ghi nhận sớm nhất là quỹ bảo trì đường bộ, theo Bộ Tài chính, Thủ tướng đã đồng ý bỏ quỹ này.

Nảy sinh các đề xuất quỹ mới

Trong khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đề nghị bỏ các quỹ thì năm 2019 ghi nhận có 2 Bộ đề xuất quỹ mới: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với đề xuất quỹ phòng chống thiên tai ở trung ương và Bộ Văn hóa thể thao và du lịch với quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Quỹ phòng, chống thiên tai đã được đưa ra từ Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 và Nghị định 94/2014/NĐ-CP4 năm 2014. Rất nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến về sự không cần thiết, lãng phí, tốn kém và thiếu minh bạch của quỹ này.

Có doanh nghiệp phải nộp hàng trăm triệu đồng cho quỹ này, bao gồm cả nghĩa vụ của chính doanh nghiệp và nghĩa vụ nộp thay người lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp khác không bị thu nộp. Các doanh nghiệp không được biết vì sao lại có sự khác biệt như vậy, cũng như không được biết số tiền mình nộp đang được quản lý và sử dụng như thế nào, có hiệu quả hay không.

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, qua 5 năm triển khai, số tiền thu được về quỹ là 2.360 tỷ đồng, riêng trong năm 2018 thu được 826 tỷ đồng. Trong khi đó, theo tính toán, nếu thu đúng thu đủ trên toàn quốc thì năm 2018 có thể thu được đến 5.807 tỷ đồng, tức là hiện chỉ thu được 14% số tiền phải thu. Năm 2018 vẫn có 2 tỉnh, thành phố không thành lập được quỹ, 8 tỉnh thành chưa bao giờ thu được một đồng nào cho quỹ.

Cũng trong 5 năm triển khai, số tiền chi quỹ chỉ đạt 918 tỷ đồng và còn tồn dư 1442 tỷ đồng (tức tồn dư 61% tổng số tiền thu được). Trong cả 5 năm và ở cả 63 tỉnh thành, không có một tỉnh thành nào chi hết được số tiền đã thu trong năm đó, không một tỉnh thành nào sử dụng đến số tiền kết dư trong quỹ từ năm trước đó. Trong 55 địa phương có thu quỹ thì có 7 địa phương chỉ thu chứ không chi, 7 địa phương khác chi dưới 10% số tiền thu được.

Quan trọng hơn, Nghị định 94/2014/NĐ-CP yêu cầu các tỉnh thành phải công khai việc thu chi của quỹ. Tuy nhiên, chỉ có 3 tỉnh thành có công bố thông tin này trên website, còn tất cả các tỉnh thành khác không công khai. Như vậy, người dân và doanh nghiệp dù phải đóng tiền quỹ nhưng hầu như không được biết tiền của mình được sử dụng thế nào.

Năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị sửa đổi Luật Phòng chống rủi ro thiên tai, trong đó có nội dung về việc thành lập thêm quỹ phòng chống thiên tai ở cấp trung ương, bên cạnh các quỹ đã tồn tại ở cấp địa phương.

Cơ quan soạn thảo thuyết trình mục đích của việc này là nhằm điều chuyển quỹ giữa các địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lý do này rất thiếu thuyết phục.

“Thứ nhất, trong cả 5 năm qua, ở tất cả các địa phương, không một địa phương nào chi hết được số tiền đã thu trong năm hay sử dụng đến số tiền kết dư của năm trước. Thứ hai, nội dung chi của quỹ phòng chống thiên tai trùng lặp với các nội dung chi của ngân sách và các khoản dự phòng”, VCCI phân tích.

Đối với đề xuất quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, quỹ này vốn đã được đưa vào Luật Điện ảnh từ 12 năm trước. Tuy nhiên, quỹ này vẫn chưa thể thành lập trên thực tế do không xác định được nguồn thu. Ngân sách nhà nước thì không cấp tiền mà Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch cũng không tìm kiếm được nguồn thu khác.

Năm 2019, khi xây dựng đề xuất chính sách để sửa đổi Luật Điện ảnh, Bộ Văn hoá thể thao và du lịch lại tiếp tục đề xuất việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Bộ cũng đề xuất nguồn thu của quỹ sẽ đến từ doanh thu chiếu phim, doanh thu của các doanh nghiệp phổ biến phim qua internet.

Theo VCCI, các nghĩa vụ tài chính này không khác gì các khoản thuế mới đặt ra đối với các nhà làm phim, các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim. Việc lấy doanh thu từ các phòng chiếu phim sẽ khiến các phòng chiếu buộc phải đẩy chi phí này vào giá bán vé cho người xem, kết quả là giá vé xem phim sẽ tăng.

“Nếu giả sử quỹ thu từ 1-3% doanh thu bán vé, với mỗi vé xem phim có giá từ 30.000 100.000 đồng thì tức là mỗi người đi xem phim sẽ phải chịu chi phí tăng thêm từ 300 đồng đến 3.000 đồng. Đối với người xem phim thì đây không khác gì việc tăng thuế VAT đối với toàn bộ việc sản xuất, phổ biến phim từ 10% lên 11-13%”, VCCI đánh giá.

Được biết tổng doanh thu phòng vé năm 2018 của toàn bộ ngành điện ảnh Việt Nam là 3.300 tỷ đồng. Như vậy, nếu với mức thu 1% đến 3% doanh thu phòng vé thì tổng nguồn thu của quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ vào khoảng từ 33 đến 100 tỷ đồng/năm.

Tin mới lên