Tài chính

Nhìn lại chính sách thuế với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

(VNF) - Nhân dịp 30 năm ban hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cũng là 30 năm ban hành luật thuế đầu tiên của Việt Nam, bài viết này điểm lại những điểm chính về mối quan hệ giữa thuế với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong chặng đường 30 năm qua.

Nhìn lại chính sách thuế với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

FDI là một trong những công cụ quan trọng để thu hút tiền vốn.

Ngày 29/12/1987, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Cùng ngày, Quốc hội thông qua Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch nhằm tăng cường quản lý các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, góp phần tích cực vào việc mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, hình thành cơ cấu xuất, nhập khẩu hợp lý, góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất, hướng dẫn tiêu dùng trong nước, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Với việc ban hành đồng thời 2 đạo luật nêu trên và tiếp theo hệ thống thuế dần được hình thành khi Quốc hội thông qua các đạo luật thuế năm 1990 (thuế doanh thu, thuế lợi tức, thuế tiêu thụ đặc biệt), thế giới biết đến một Việt Nam đã thể chế hoá đường lối "Đổi Mới" của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội VI (1986). 

Một nền kinh tế nhiều thành phần, đa sở hữu, trong đó có sở hữu của các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh tế đối ngoại được chú trọng trên cả 2 phương diện mở rộng thương mại quốc tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

Trong thời kỳ đổi mới, nước ta coi FDI là một trong những công cụ quan trọng để thu hút tiền vốn, công nghệ, kỹ thuật của các nhà đầu tư nước ngoài đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Trong thập niên 90, chính sách và pháp luật thể chế của nước ta đã có những quy định cụ thể về việc bảo đảm đầu tư ưu đãi cao nhằm mục tiêu thu hút nguồn lực FDI. Trong đó ưu đãi thuế được sử dụng rất "hào phóng" thông qua thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế lợi tức (thuế thu nhập doanh nghiệp). Khoảng cách khá xa về nghĩa vụ thuế cũng như các biện pháp ưu đãi thuế giữa doanh nghiệp có vốn FDI và doanh nghiệp có vốn trong nước được thiết lập nhằm tạo ra sức hấp dẫn, thu hút dòng vốn đầu tư đổ vào Việt Nam.

Trong khi các cơ sở kinh doanh trong nước phải nộp thuế lợi tức ở mức thuế suất cao: 30% đối với các ngành công nghiệp nặng (điện năng, khai thác mỏ, luyện kim, cơ khí, hoá chất cơ bản), sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến lâm sản, thuỷ sản; xây dựng, vận tải. 40% đối với các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm và sản xuất khác. 50% áp dụng đối với các ngành thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ các loại. 

Các cơ sở được quyền kinh doanh xuất nhập khẩu (XNK) ngoài việc thực hiện chế độ quản lý thông qua giấy phép, hạn ngạch còn phải nộp đủ thuế XNK theo mức thuế suất quy định tại Biểu thuế ban hành kèm theo Luật thuế XNK, thì doanh nghiệp FDI được hưởng các ưu đãi thuế đặc biệt, được quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài, cụ thể:

Về thuế xuất, nhập khẩu (XNK): được miễn hoặc giảm thuế theo quyết định của cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài trong từng trường hợp đặc biệt cần khuyến khích đầu tư. Việc miễn, giảm thuế XNK được áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Bên nước ngoài trong các hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Về thuế lợi tức (thuế thu nhập doanh nghiệp): Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bên nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh nộp từ 15 đến 25% lợi nhuận thu được; được miễn thuế tối đa 2 năm kể từ năm bắt đầu kinh doanh có lãi và giảm 50% thuế tối đa 2 năm tiếp theo. Khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, nhà đầu tư nộp thuế chuyển lợi nhuận từ 5% đến 10% số tiền chuyển ra nước ngoài. 

Cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài công bố danh mục chi tiết các lĩnh vực được khuyến khích đầu tư và quy định cụ thể mức thuế suất thuế đánh vào lợi nhuận (thuế lợi tức) mức thuế suất chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. 

Nhằm khuyến khích việc bỏ thêm vốn đầu tư làm ăn lâu dài tại Việt Nam, Luật đầu tư nước ngoài quy định việc hoàn thuế lợi tức cho nhà đầu tư nước ngoài sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư tại Việt Nam. Nghĩa vụ nộp thuế và các ưu đãi miễn thuế, giảm thuế lợi tức, thuế XNK được ghi vào Giấy phép đầu tư.

Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung vào tháng 6 năm 1990 và tháng 12/1992 với các nội dung cụ thể hơn về các biện pháp bảo đảm đầu tư, các ưu đãi về đất đai, về thuế và các chính sách tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài (về giá dịch vụ, điện năng, chi phí đầu vào). 

Cũng trong thời gian này, hệ thống thuế được vận hành phù hợp với nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó FDI được xác định là một khu vực kinh tế được ưu tiên cao hơn về thuế so với khu vực kinh tế trong nước. 

Sau gần 10 năm thực hiện, hệ thống thuế mới theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường được thiết lập trong đợt cải cách thuế giai đoạn 2 vào cuối thập niên 90. Những hạn chế của thuế doanh thu về thu trùng lắp, chồng chéo, cản trở giao lưu thương mại được thay thế bằng thuế giá trị gia tăng (VAT); thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) được ban hành thay thế cho thuế lợi tức; điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu để bảo đảm sự tương thích, tính đồng bộ của hệ thống thuế mới.

Hệ thống thuế mới đã tạo ra sức hấp dẫn mới đối với các thành phần kinh tế, trong đó FDI vẫn luôn dành được các ưu đãi về thuế cao hơn so với các doanh nghiệp trong nước, cụ thể là:

Các cơ sở kinh doanh trong nước nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) với mức thuế suất phổ thông là 32%, các ưu đãi về thuế suất thấp có thời hạn và áp dụng việc miễn thuế, giảm thuế tuỳ thuộc vào lĩnh vực, ngành nghề của dự án đầu tư và địa bàn đầu tư theo quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. 

Trong đó, mức ưu đãi về thuế suất là 15% đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư hoặc được thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; mức thuế suất ưu đãi 20% áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư hoặc đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; mức thuế suất 25% được áp dụng với dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư.

Đối với các doanh nghiệp FDI, thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, các mức thuế suất ưu đãi là 10%, 15%, 20% tuỳ thuộc vào từng dự án đầu tư theo quy định của cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài. Việc miễn thuế CIT ttrong một số năm và giảm 50% số thuế CIT trong những năm tiếp theo cùng với mức thuế suất áp dụng đối với từng dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục được ghi vào Giấy phép đầu tư.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á được xảy ra vào năm 1997 tác động mạnh đến môi trường đầu tư, Chính phủ Việt Nam đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với nhiều ưu đãi thông thoáng hơn, nghĩa vụ thuế được giảm nhẹ hơn dành cho nhà đầu tư nước ngoài và Việt kiều đầu tư về Việt Nam. 

Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài trước đây (từ 5% đến 10% tuỳ thuộc từng dự án cụ thể) được quy định cụ thể hơn với mức thấp hơn (3% đối với nhà đầu tư có dự án đầu tư FDI vào Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao, dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án có quy mô 10 triệu USD trở lên; thuế suất 5% đối với dự án đầu tư có vốn 5 đến 10 triệu USD hoặc dự án đầu tư vào khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học; thuế suất 7% đối với các dự án còn lại).

Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đầu tư nước ngoài (sửa đổi năm 2000) quy định mở rộng hơn mức độ ưu đãi thuế, phạm vi ưu đãi thuế và thời hạn miễn, giảm thuế đối với FDI. 

Sự minh bạch thông tin ưu đãi thuế được thể hiện trong các Danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư, dự án khuyến khích đầu tư và danh mục địa bàn khuyến khích đầu tư, được thiết kế trong hướng dẫn của Chính phủ theo các nguyên tắc: Dự án đầu tư cùng lĩnh vực, cùng địa bàn thì FDI được ưu đãi cao hơn dự án trong nước, dự án đáp ứng nhiều tiêu chí thì được ưu đãi nhiều hơn (thuế suất thấp hơn và thời gian miễn, giảm thuế dài hơn).

Năm 2003, Quốc hội ban hành Luật thuế CIT mới (Luật số 09/2003/QH11 ngày 17/6/2003) với hiệu lực thi hành từ năm 2004 quy định mức thuế suất phổ thông 28% thay cho mức 32% trước đó. Các doanh nghiệp FDI tiếp tục áp dụng mức thuế suất phổ thông 25% thấp hơn nhà đầu tư trong nước đồng thời tiếp tục kế thừa các mức ưu đãi thuế (thuế suất ưu đãi 10%, 15% và 20%; miễn thuế CIT tối đa 4 năm, giảm 50% tối đa 9 năm tiếp theo tùy theo từng dự án). 

Bên cạnh việc giữ nguyên bản danh mục ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi và danh mục địa bàn cần thu hút đầu tư đã quy định năm 2000, Luật quy định việc bãi bỏ thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và bãi bỏ quy định về hoàn thuế CIT đã nộp những năm trước đối với trường hợp thực hiện tái đầu tư. 

Đối với các dự án đầu tư đã thực hiện trước đây nay được chuyển sang áp dụng mức ưu đãi thuế cao hơn theo quy định của Luật này đối với thời gian còn lại; trường hợp quy định nào kém ưu đãi hơn trước đây thì được quyền bảo lưu tiếp tục hưởng các ưu đãi đã được ghi trong Giấy phép đầu tư.

Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng với việc cắt giảm thuế quan, nới lỏng các rào cản phi thuế quan nhằm mở cửa thị trường trong nước, Việt Nam phải minh bạch hoá các chính sách ưu đãi thuế, xoá bỏ những quy định phân biệt đối xử quốc gia và các ưu đãi thuế mang tính chất trợ cấp cho xuất khẩu hoặc khuyến khích sử dụng hàng sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu,…

Từ đây, khu vực tư nhân được đối xử bình đẳng với khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Ngày 03/06/2008, Quốc hội ban hành Luật thuế CIT số 14/2008/QH12 với hiệu lực thi hành từ năm 2009 và các ưu đãi thuế CIT, thuế suất phổ thông được thống nhất áp dụng là 25% cho cả đầu tư trong nước và FDI; quy định về ưu đãi CIT được đơn giản hơn và minh bạch hơn, đó là:

(i) Chỉ áp dụng ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư mà không ưu đãi cho doanh nghiệp đang hoạt động có dự án đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu;

(ii) Danh mục lĩnh vực, ngành nghề được ưu đãi thuế được thu gọn hơn trong khi tiếp tục duy trì danh mục địa bàn thu hút đầu tư (địa bàn có điều kiện kinh tế -xã hội khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn);

(iii) Chỉ còn 02 mức thuế suất ưu đãi là thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm (tối đa 30 năm với dự án đặc biệt) đối với doanh nghiệp thành lập mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, hoặc doanh nghiệp mới thành lập thuộc một số ngành công nghệ cao, đầu tư cơ sở hạ tầng, xã hội hoá y tế, giáo dục; mức thuế suất 20% trong thời hạn 10 năm được áp dụng đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;

(iv) Miễn thuế tối đa 04 năm, giảm thuế 50% tối đa 09 năm tiếp theo đối với những doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc trường hợp áp dụng thuế suất 10%; miễn thuế tối đa 02 năm và giảm thuế 50% thuế cho tối đa 04 năm tiếp theo được áp dụng với doanh nghiệp thành lập mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Ngày 17/5/2011, Chính phủ ban hành Quyết định số 732/2011/QĐ-TTg về Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 với mục tiêu: "Xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước và là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả, hiệu lực của Đảng và Nhà nước. Xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện dựa trên ba nền tảng cơ bản: thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao."

Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế, thực hiện chính sách động viên hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư nhất là đầu tư áp dụng công nghệ cao, đầu tư vào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết hợp lý của ngân sách nhà nước. 

Tỷ lệ huy động thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 khoảng 23-24% GDP, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí khoảng 22-23% GDP. Giai đoạn 2016-2020 sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ huy động thu ngân sách nhà nước, tỷ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí trên GDP ở mức hợp lý hơn để khuyến khích cạnh tranh, tích tụ vốn cho sản xuất kinh doanh.

Chiến lược cải cách thuế đã xác định rõ: Hệ thống chính sách thuế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 bao gồm các sắc thuế, phí và lệ phí chủ yếu sau đây:

(1) Thuế giá trị gia tăng;

(2) Thuế tiêu thụ đặc biệt;

(3) Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

(4) Thuế thu nhập doanh nghiệp;

(5) Thuế thu nhập cá nhân;

(6) Thuế tài nguyên;

(7) Thuế sử dụng đất nông nghiệp;

(8) Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp;

(9) Thuế bảo vệ môi trường;

(10) Các khoản phí và lệ phí.

Thực hiện Chiến lược cải cách thuế, những năm gần đây Việt Nam đã sửa đổi căn bản các sắc thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Đáng chú ý là thuế CIT đã có nhiều thay đổi thuận lợi hơn được ghi nhận trên các khía cạnh sau đây:

Một là, có một lộ trình giảm thuế được công bố trước: Mức thuế suất phổ thông được giảm từ 25% xuống 22% từ năm 2014 và xuống 20% từ năm 2016 trở đi. Riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng lộ trình giảm thuế sớm hơn (từ tháng 7/2013 áp dụng thuế suất 20%).

Hai là, các chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được quy định minh bạch hơn, xóa bỏ mọi hạn chế trước đây đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp tân, khánh tiết. Doanh nghiệp được quyền khấu hao nhanh, được tính vào chi phí đối với tất cả các khoản chi liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi có đủ chứng từ hợp pháp. Quy định về thanh toán phi tiền mặt đối với các hóa đơn có trị giá từ 20 triệu đồng trở lên được áp dụng nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đồng thời đây cũng là biện pháp kiểm soát chi phí tính thuế thông qua người thứ 3 trong giao dịch thương mại.

Ba là, các ưu đãi thuế hướng vào khuyến khích đầu tư tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được hưởng ưu đãi cao hơn. Đối với ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi được sắp xếp lại theo hướng khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao, lĩnh vực xã hội hoá (danh mục lĩnh vực ưu đãi được thu gọn hơn). Các mức thuế suất ưu đãi gồm 10% trong thời hạn 15 năm, 17% trong thời hạn 10 năm; miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% thuế tối đa 9 năm được áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn thuộc danh mục khuyến khích đầu tư.

Bốn là, tiêu chí ưu đãi và hình thức ưu đãi thuế CIT cũng có sự thay đổi thuận lợi hơn, minh bạch hơn cho nhà đầu tư theo nguyên tắc giảm tối đa chi phí xã hội cho doanh nghiệp. Tiêu chí ưu đãi được xác định là dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư thay thế cho tiêu chí doanh nghiệp thành lập mới trước đây. Các dự án đầu tư mở rộng cũng được áp dụng và được lựa chọn hoặc áp dụng quy định về thuế suất có thời hạn, miễn giảm thuế có thời hạn đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại hoặc áp dụng mức ưu đãi chung cho toàn bộ dự án trước đây đã được ưu đãi đầu tư (nếu còn thời gian ưu đãi).

Năm là, thêm ưu đãi thuế đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản. Theo đó, miễn thuế suốt thời hạn đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, thủy sản tại địa bàn có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn. Các dự án thuộc loại này nếu thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì nộp theo mức thuế suất 10% và chỉ phải nộp theo thuế suất 15% nếu dự án được thực hiện tại các địa bàn thuận lợi.

Trong suốt 30 năm qua, chính sách thuế nói chung và ưu đãi thuế nói riêng nhằm mục tiêu thu hút FDI luôn được song hành cùng với các quy định pháp luật và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Từ năm 2012 khi giai đoạn quá độ điều chỉnh chính sách theo quy tắc của WTO được kết thúc, các ưu đãi đầu tư không còn sự khác biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài nhưng sự phối kết hợp giữa chính sách đầu tư và chính sách thuế vẫn rất cần thiết và cần được minh bạch hơn, cụ thể hơn.

Tin mới lên