Nhân vật

Nhìn lại 'cơn ác mộng' của giới tỷ phú thế giới

(VNF) - Nửa đầu năm 2022 là khoảng thời gian không mấy suôn sẻ với giới tỷ phú khi tài sản của 500 người giàu nhất thế giới “bốc hơi” hơn 1.400 tỷ USD, theo thống kê của Bloomberg. Trong đó, nhóm tỷ phú công nghệ và tiền điện tử ghi nhận sự mất mát nhiều nhất.

Nhìn lại 'cơn ác mộng' của giới tỷ phú thế giới

Tỷ phú Triệu Trường Bằng (Zhao Changpeng), nhà sáng lập kiêm CEO sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới Binance.

Các tỷ phú tiền điện tử mất hơn 80% tài sản

Cơn sốt tiền điện tử bùng nổ trong năm 2021 đã giúp Triệu Trường Bằng (Zhao Changpeng), Sam Bankman-Fried, Mike Novogratz và nhiều người khác trở thành tỷ phú USD. Thế nhưng, không lâu sau khi gia nhập nhóm giàu nhất thế giới, họ lại đang chứng kiến tài sản của mình giảm mạnh trong bối cảnh thị trường tiền điện tử lao dốc với tốc độ kỷ lục trong 6 tháng đầu năm nay.

Theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index, tại thời điểm giá Bitcoin lập đỉnh ở mức giá quanh 69.000 USD vào ngày 9/11/2021, tổng tài sản của 7 tỷ phú tiền điện tử giàu nhất thế giới đạt 145 tỷ USD. Nhưng đến nay, họ đã mất tới hơn 114 tỷ USD, tương đương mức giảm gần 80%.

Người chứng kiến tài sản sụt giảm mạnh nhất trong nửa đầu năm nay là tỷ phú Triệu Trường Bằng, nhà sáng lập kiêm CEO sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới Binance. Vừa được ghi danh vào bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg hối tháng 1 với khối tài sản hơn 95 tỷ USD, ở thời điểm hiện tại, khối tài sản của Triệu Trường Bằng chỉ còn vỏn vẹn 18,7 tỷ USD, tức giảm tới 77,2 tỷ USD.

Dù vậy, Triệu Trường Bằng hiện vẫn là tỷ phú giàu thứ 75 trên thế giới theo danh sách của Bloomberg Billionaires Index và là tỷ phú tiền điện tử giàu nhất thế giới. Bankman-Fried, CEO của sàn giao dịch tiền điện tử FTX, cũng chứng kiến tài sản giảm 6,75 tỷ USD còn 9,48 tỷ USD, tức giảm gần 70% so với đầu năm.

Tài sản của các tỷ phú tiền điện từ sụt giảm mạnh trong bối cảnh thị trường tiền điện tử liên tục “rơi tự do” kể từ đầu năm tới nay. Vốn hóa của toàn thị trường hiện đã chọc thủng mốc 1.000 tỷ USD, về hơn 970 tỷ USD.

Giới đầu tư thời gian gần đây ồ ạt bán tháo các tài sản rủi ro như tiền điện tử, chứng khoán vì lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất trong những tháng tới nhằm kiểm soát lạm phát tăng nóng. Ngoài ra, theo các chuyên gia, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá dầu và khí đốt tăng cao… cũng là những yếu tố góp phần làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường này.

10 tỷ phú giàu nhất ‘bốc hơi’ 283 tỷ USD trong nửa đầu năm

Không chỉ các tỷ phú tiền số, loạt tỷ phú công nghệ Mỹ như Elon Musk, Mark Zuckerberg, Jeff Bezos, Larry Page và ngay cả “ông trùm” hàng hiệu nước Pháp Bernard Arnault cũng ghi nhận tài sản sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm nay.

Nếu trong năm ngoái, thị trường tăng trưởng mạnh đã khiến số lượng tỷ phú tăng 8%, theo báo cáo của Capgemini World Wealth, thì sang nửa đầu năm nay, thị trường chứng khoán thế giới liên tục ghi nhận những tín hiệu tiêu cực khi hàng loạt chỉ số quan trọng giảm sâu. Tổng cộng tài sản của 10 tỷ phú giàu nhất thế giới đã mất tới hơn 283 tỷ USD trong khoảng thời gian này.

Các tỷ phú đã chứng kiến khối tài sản của mình suy giảm trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu lao dốc trước nỗi lo lạm phát và tăng lãi suất. Trong 6 tháng đầu năm, loạt cổ phiếu của các tập đoàn hàng đầu nước Mỹ như Microsoft, Alphabet, Tesla, Amazon, Meta… đều sụt giảm mạnh so với đầu năm.

Trong đó, cổ phiếu Meta (công ty mẹ của Facebook) đã giảm hơn 53% do những lo ngại về chi phí gia tăng, dự báo tăng trưởng thấp, sự cạnh tranh từ TikTok và ảnh hưởng từ việc thay đổi quyền riêng tư trên iPhone của Apple đã cản trở quảng cáo trên thiết bị di động. Tài sản của CEO Mark Zuckerberg vì thế cũng đã giảm tới 64,3 tỷ USD, là người có mức sụt giảm tài sản nhiều thứ 2 thế giới kể từ đầu năm tới nay, chỉ sau Triệu Trường Bằng.

Cổ phiếu Amazon cũng không khả quan hơn. Các nhà bán lẻ trực tuyến đang phải đối mặt với một loạt thách thức, bao gồm lạm phát tăng phi mã, chi phí lao động tăng cao, tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu… Nếu trong hai năm đỉnh điểm của dịch bệnh Covid-19, thương mại điện tử được đánh giá là một trong những lĩnh vực an toàn nhất của nền kinh tế kỹ thuật số thì các báo cáo thu nhập ảm đạm thời gian gần đây đã gây ra một đợt bán tháo lớn đối với những cổ phiếu thương mại điện tử.

Cổ phiếu của Amazon đã giảm hơn 24% trong năm nay. Tài sản tỷ phú Jeff Bezos vì thế đã giảm tới 55,3 tỷ USD còn 137 tỷ USD, là người mất mát nhiều thứ 3 thế giới trong 6 tháng đầu năm nay.

Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk là người chứng kiến mức giảm mạnh thứ 4, khi giảm 51 tỷ USD kể từ đầu năm tới nay, còn 219 tỷ USD. Tài sản của CEO Tesla lao dốc mạnh nhất sau khi ông tuyên bố muốn mua lại Twitter hồi tháng 4 rồi lại bất ngờ tuyên bố “hủy kèo” thương vụ này.

Theo thống kê từ Bloomberg, tài sản của Elon Musk đạt 257 tỷ USD trong ngày 25/4, thời điểm ông công bố đạt thỏa thuận mua lại Twitter. Đến khi tỷ phú tuyên bố hủy thương vụ này vào ngày 8/7 (giờ Mỹ), con số trên giảm còn 227 tỷ USD. Được biết, đại diện của Twitter và tỷ phú Elon Musk đã được yêu cầu có mặt tại tòa vào tháng 10 để giải quyết đơn khiếu kiện của nhà mạng xã hội đối với ông chủ của Tesla liên quan đến thỏa thuận mua bán gây nhiều tranh cãi này.

Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani giữ vững phong độ

Nhà tài phiệt Ấn Độ Gautam Adani, người có đế chế kinh doanh bao trùm các lĩnh vực cảng, mỏ và năng lượng xanh, là tỷ phú duy nhất trong top 10 người giàu nhất thế giới ghi nhận tài sản “nảy nở” trong 2 quý đầu năm nay. Có thêm 36 tỷ USD, hiện ông Adani sở hữu khối tài sản 112,5 tỷ USD, chiếm vị trí giàu thứ 4 thế giới của nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates trong bảng xếp hạng của Bloomberg Billionaires Index.

Tài sản của vị tỷ phú giàu nhất châu Á này đã bật tăng ngoạt mục trong 2 năm trở lại đây. Hồi đầu năm 2020, tài sản của ông Adani chỉ vỏn vẹn 8,9 tỷ USD. Con số này đã biến chuyển mạnh mẽ sau khi tập đoàn Adani của ông mua lại 74% cổ phần sân bay quốc tế Mumbai, sân bay đứng thứ hai của Ấn Độ về cả lưu lượng hành khách và hàng hóa, vào tháng 9/2020 và trở thành nhà điều hành sân bay lớn nhất đất nước. Thương vụ này đã kéo theo đà tăng của cổ phiếu Adani khiến tài sản của vị tỷ phú Ấn Độ tăng mạnh.

Trong nửa đầu năm nay, ông Adani cũng đã tiến hành loạt thương vụ quan trọng. Hồi tháng 4, ông Adani đồng ý mua Ocean Sparkle, công ty dịch vụ hàng hải lớn nhất của Ấn Độ, trong một thỏa thuận trị giá 220 triệu USD. Tới tháng 5, tập đoàn Adani của ông thành công mua lại toàn bộ công ty xi măng Holcim của Thụy Sĩ ở Ấn Độ với giá 10,5 tỷ USD.

Trong năm 2022, nhiều công ty nước ngoài, gồm Total SE, Warburg Pincus LLC, International Holding Co. đã đầu tư vào các công ty của tỷ phú Adani. Trong lĩnh vực năng lượng, tập đoàn Adani tham vọng trở thành nhà sản xuất năng lượng xanh lớn nhất thế giới khi dự kiến đầu tư tới 70 tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo.

Tỷ phú Adani cũng là một người tích cực làm từ thiện. Vừa bước sang tuổi 60, vị tỷ phú cho biết gia đình ông sẽ quyên góp 600 tỷ rupee (7,7 tỷ USD) cho các hoạt động xã hội. Số tiền này sẽ do Quỹ Adani quản lý và tập trung vào chăm sóc sức khỏe, giáo dục và phát triển kỹ năng cho người dân Ấn Độ nhằm giúp xây dựng “một Ấn Độ công bằng, sẵn sàng cho tương lai”.

Tin mới lên