Tài chính tiêu dùng

Nhìn lại cuộc 'tổng tấn công' thị trường tài chính Việt Nam của các ông lớn Hàn Quốc

(VNF) - Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, danh hiệu quán quân đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2019 thuộc về Hàn Quốc, đầu với tổng vốn đầu tư 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn mà 125 quốc gia và vùng lãnh thổ rót vào Việt Nam. Ngoài các lĩnh vực truyền thống, năm 2019, các nhà đầu tư xứ Kim chi đã cho thấy sức ảnh hưởng trên thị trường tài chính, với sự bứt tốc ở cả 3 trụ cột là ngân hàng, tài chính tiêu dùng và chứng khoán.

Nhìn lại cuộc 'tổng tấn công' thị trường tài chính Việt Nam của các ông lớn Hàn Quốc

Các doanh nghiệp vốn Hàn Quốc tăng cường hiện diện trên thị trường tài chính Việt Nam ở cả 3 trụ cột là ngân hàng, tài chính tiêu dùng và chứng khoán.

Theo truyền thông Hàn Quốc, có tới 32 doanh nghiệp tài chính Hàn Quốc đang chuẩn bị kế hoạch “đổ bộ” thị trường nước ngoài, 80% trong số đó muốn đặt chân vào các nước châu Á, đặc biệt là Việt Nam, Myanmar và Indonesia.

Các nhà băng Hàn Quốc khao khát miếng bánh tại Việt Nam

Đầu tháng 1/2020, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Korcham) đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp thêm giấy phép cho ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên phía Hàn Quốc đưa ra đề xuất này.

Viện dẫn số liệu về đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam liên tục tăng và thuộc top đầu, Korcham cho rằng: “Các doanh nghiệp mới đầu tư chưa có kết quả kinh doanh nên phải sử dụng khoản vay bằng tín dụng hoặc tài sản của công ty mẹ nên muốn nhận tư vấn tài chính từ các ngân hàng của Hàn Quốc. Ngoài ra, doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam cũng có thể sử dụng các chính sách hỗ trợ khác nhau được cung cấp bởi các tổ chức tài chính chính sách của Hàn Quốc (Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ bảo lãnh công nghệ...) thông qua các ngân hàng của Hàn Quốc".

“Hiện 71,5% các khoản đầu tư từ các doanh nghiệp Hàn Quốc được thực hiện bởi các công ty công nghệ và sản xuất, và họ chủ yếu đầu tư vào các khu công nghiệp địa phương, vì vậy, chúng tôi rất mong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ để các ngân hàng của Hàn Quốc mở chi nhánh và thành lập pháp nhân tại khu vực này”, Korcham đề nghị.

Trong năm 2019, cả 4 ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc là Shinhan, Woori, KB Kookmin và KEB Hana đều coi Việt Nam là thị trường chiến lược và đẩy mạnh đầu tư.

Tháng 2/2019, KB Kookmin Bank - một trong bốn ngân hàng lớn nhất được xếp hạng theo giá trị tài sản ở Hàn Quốc và lớn thứ 60 trên thế giới đã chính thức khai trương chi nhánh tại Hà Nội.

Còn KEB Hana - ngân hàng ngoại hối lớn nhất ở Hàn Quốc đã hoàn tất thương vụ trị giá 860 triệu USD để đổi lấy 15% cổ phần BIDV vào những ngày cuối cùng của năm 2019.

Cũng trong tháng 12/2019, Ngân hàng Deagu Hàn Quốc chính thức được chấp thuận mở chi nhánh tại TP. HCM.

Truyền thông Hàn Quốc cho hay một ngân hàng khác của Hàn Quốc là Nonghyup cũng đang tìm cách mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông qua hợp tác với Agribank. 

Trong khi đó, những người tiên phong đến trước là Shinhan Bank và Wooribank đang chạy đua mở chi nhánh để giành thị phần tại Việt Nam.

Năm 2019, Wooribank đã nâng số chi nhánh từ 9 lên 13 chi nhánh và đặt mục tiêu 20 chi nhánh năm 2021 để cạnh tranh với con số 36 chi nhánh và phòng giao dịch của Shinhan Bank.

Nhiều ‘ông lớn’ Hàn ‘nuốt chửng’ công ty tài chính Việt

Mặc dù năm 2018 tăng trưởng dư nợ tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam bắt đầu hạ nhiệt, chỉ đạt mức 30,4% so với bình quân 59% của giai đoạn 2014 – 2017, theo báo cáo của FiinGroup, nhưng thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển dựa vào lợi thế dân số trẻ và thu nhập của người Việt ngày càng được cải thiện.

Thêm vào đó, tỷ lệ tiếp cận tín dụng tiêu dùng từ ngân hàng của người Việt còn thấp. Từ góc độ nhà điều hành, Ngân hàng Nhà nước muốn phát triển cho vay tiêu dùng để góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Cụ thể, NHNN đã xây dựng dự thảo sửa đổi thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính để phù hợp hơn với thực tế; khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo (kết thúc thực hiện năm 2020).

Tất nhiên, các công ty tài chính của Hàn Quốc không muốn bỏ lỡ miếng bánh này, trong bối cảnh thị trường nội địa đã bão hoà.

Cuối tháng 10/2019, Hyundai Card, công ty phát hành thẻ tín dụng của hãng chế tạo ô tô Hàn Quốc Hyundai Motor đã công bố sẽ chi 42 triệu USD mua lại 50% cổ phần tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) từ Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) chuyển nhượng cho Hyundai Card.

Nếu mọi việc suôn sẻ theo kế hoạch, thương vụ Hyundai Card mua 50% cổ phần FCCOM sẽ được hoàn tất vào quý I năm nay.

Bên mua là Huyndai Card cho biết họ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường tài chính Việt Nam cũng như doanh số bán ô tô của Hyundai Motor và Kia Motors.

Thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng lên đến 60%/năm. Số lượng chủ thẻ tín dụng tăng 27% lên khoảng 7,4 triệu vào năm 2018. Trong khi đó, Hyundai Motor và Kia Motors cùng nhau chiếm 32% thị phần xe hơi tại Việt Nam năm 2018.

Hyundai Card cho biết họ sẽ không chỉ tham gia vào thị trường cho vay tiêu dùng đang lớn dần ở Việt Nam mà còn thực hiện chiến lược marketing cho Hyundai Motor và chi nhánh Kia Motors trong quá trình thâm nhập vào Việt Nam.

Trước Huyndai Card, một công ty tài chính khác của Hàn Quốc là Lotte Card cũng đã gia nhập thị trường bằng cách thâu tóm Techcom Finance vào năm 2017.

Cuối năm 2019, Lotte Card đã đổi tên Techcom Finance thành công ty Lotte Finance Việt Nam.

Công ty Lotte Finance chính thức được ra mắt vào tháng 12/2019 với phân khúc tài chính bán lẻ. Bằng thương vụ này, Lotte trở thành công ty thẻ đầu tiên của Hàn Quốc triển khai kinh doanh thẻ tín dụng tại một quốc gia Đông Nam Á.

Ngoài ra, phải kể đến ông lớn Shinhan Card - công ty thẻ tín dụng thuộc top 5 toàn cầu đã mạnh tay chi 151 triệu USD để mua đứt Công ty Tài chính Tiêu dùng Prudential Finance (PVFC) tại Việt Nam.

Sau thương vụ, Shinhan Card cũng đã đưa Công ty Tài chính Shinhan Việt Nam (SVFC) đi vào hoạt động từ tháng 7/2019. Shinhan Card dự định sẽ mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh của SVFC sang mảng tài chính bán lẻ, cũng như vay tiêu dùng và vay mua ô tô. Công ty này cũng đang tìm cách áp dụng nền tảng di động và triển khai marketing online thông qua việc hợp tác với các công ty kỹ thuật số tại Việt Nam. Hiện tại, Shinhan Card cũng có các công ty con ở Indonesia và Myanmar.

Áp lực với doanh nghiệp nội

Những ngày cuối năm 2019, thị trường đón nhận tin sắp có 1 "tân binh" Hàn Quốc gia nhập lĩnh vực chứng khoán tại Việt Nam.

Cụ thể, ngân hàng thương mại Kwangju Bank thuộc tập đoàn tài chính Hàn Quốc JB Financial Group đã ký thỏa thuận mua lại Công ty chứng khoán Morgan Stanley Gateway (MSGS) với mức giá 382,4 tỷ đồng (16,5 triệu USD). Thoả thuận được ký hôm 16/12, theo tin từ The Investor.

Nếu thương vụ hoàn tất, JB Financial Group có trụ sở tại Jeonju có thể thực hiện các hoạt động môi giới bất động sản, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cho các nhà đầu tư Hàn Quốc. Ngoài ra, JB Financial có kế hoạch bảo lãnh cho các công ty Việt Nam thực hiện phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi cũng như các thương vụ M&A.

Việc chuyển nhượng cổ phần dự kiến diễn ra vào tháng 1/2020, nhưng trên thực tế có thể chậm lại đôi chút do một số quy định từ phía Hàn Quốc và Việt Nam.

Cũng trong năm 2019, Hanwha Investment Securities từ Hàn Quốc đã mua lại chứng khoán HFT và đổi tên thành chứng khoán Pinetree. Thương hiệu này đực chính thức ra mắt hôm 5/12/2019.

Trước thương vụ JB Financial Group mua Morgan Stanley Gateway, trên thị trường chứng khoán Việt Nam có 6 công ty vốn Hàn Quốc, bao gồm Chứng khoán KIS, Chứng khoán Mirae Asset, Chứng khoán Pinetree (tiền thân HFT, được Hanwha mua lại), Chứng khoán KB Việt Nam (tiền thân chứng khoán Maritime), Chứng khoán Shinhan Việt Nam (tiền thân là Chứng khoán Nam An), Chứng khoán NH (tiền thân chứng khoán Woori CBV).

Nhóm các công ty chứng khoán Hàn Quốc nói trên đã có sự bứt phá ngoạn mục trong năm 2019, vươn lên top 10 công ty môi giới lớn nhất trên sàn HoSE. Trong đó, phải kể đến Mirae Asset Việt Nam và công ty chứng khoán KIS Việt Nam.

Mặc dù các tên tuổi trong nước như SSI, HSC, VCSC, VNDirect và MBS vẫn duy trì việc nằm trong top 5 các công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trên sàn HoSE nhưng thị phần của 5 năm công ty này đều giảm so với năm trước. Theo HoSE, năm 2019, cả 5 công ty chứng khoán nội nói trên chiếm 74% thị phần trong khi con số này là 83,4% năm 2018.

Cuộc đua này dự kiến sẽ gay cấn và khốc liệt hơn trong năm 2020.

Tại lễ công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2019 do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức, vấn đề bỏ sàn phí môi giới chứng khoán đã được đưa ra thảo luận sôi nổi.

Theo thông tư 128 sửa đổi mới ban hành của Bộ Tài chính dự kiến áp dụng từ 15/2/2020, gíá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm (bao gồm chứng khoán niêm yết và chứng khoán đăng ký giao dịch) tối đa 0,5% giá trị giao dịch, bỏ mức sàn tối thiểu 0,15% của thông tư trước đó.

Những người quan sát thị trường dự báo việc bỏ mức sàn phí giao dịch sẽ mở ra một cuộc đua giảm phí, thậm chí miễn phí giao dịch để gia tăng thị phần.

Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà điều hành lại cho rằng phí giao dịch chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn thu của các công ty chứng khoán. Một trong những nguồn thu chính đến từ hoạt động cho vay ký quỹ (margin), bên cạnh tự doanh và tư vấn các thương vụ.

Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của các công ty chứng khoán Hàn Quốc hiện nay là nguồn vốn giá rẻ. Nhờ lợi thế này, tính đến hết quý III/2019, Mirae Asset đang dẫn đầu về dư nợ cho vay ký quỹ với hơn 6.900 tỷ đồng, tăng 92% so với đầu năm và vượt các công ty chứng khoán top đầu. Trước đó, trong 4 năm liên tiếp, từ 2016 đến 2019,  Mirae Asset Việt Nam đã liên tục tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 5.455 tỷ đồng tỷ đồng và trở thành một trong những công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất tại thị trường Việt Nam. 

Trong khi đó, đến hết tháng 9/2019, KIS Việt Nam cũng đạt dư nợ lên đến 2.721 tỷ đồng, tăng 37% so với đầu kỳ. Các công ty chứng khoán Hàn Quốc khác cũng đã đạt được mức dư nợ cho vay ký quỹ ở mức cao trên thị trường.

Đó thực sự là áp lực đang đè nặng lên các doanh nghiệp nội.

Tin mới lên