Tiêu điểm

Nhìn lại FDI năm 2020 và giải pháp cho thập niên tới

(VNF) - Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới như cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1929-1933; tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam giảm sút.

Nhìn lại FDI năm 2020 và giải pháp cho thập niên tới

Nhìn lại FDI năm 2020 và giải pháp cho thập niên tới.

Triển vọng kinh tế và FDI

Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) gần đây đã điều chỉnh dự báo kinh tế toàn cầu theo hướng lạc quan hơn, năm 2020 giảm khoảng 4,4% thay vì 4,9% như dự báo tháng 6; năm 2021 tăng trưởng 5,2%. Các chuyên gia IMF nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn, có thể tốt hơn hoặc xấu hơn phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19, trong đó có việc sản xuất vaccine và điều trị bệnh.

Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhận định, FDI toàn cầu giảm mạnh từ mức 1,54 nghìn tỷ USD năm 2019 xuống dưới 1,0 nghìn tỷ USD năm 2020, mức thấp kỷ lục tính từ năm 2005; sẽ giảm thêm 5 - 10% năm 2021, bắt đầu hồi phục năm 2022.

Ông Mukhisa Kituyi, Tổng thư ký UNCTAD cho rằng: “Tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay thực sự nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đại dịch Covid-19 đã gây nên cú sốc lớn về cung, cầu và chính sách đối với FDI”.

Ngày 11/10/2020 The Asean Post nhận định, Việt Nam được coi là điểm nóng thu hút FDI. Báo cáo của tuần san News and World Report (Mỹ) gần đây đã xác nhận điều đó, Việt Nam đứng thứ 8 trong 29 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư; các quốc gia ASEAN có tên trong danh sách này là Malaysia (thứ 13), Singapore (thứ 14) và Indonesia (thứ 18). Uruguay đứng đầu danh sách, tiếp theo là Saudi Arabia, Luxembourg, Ấn Độ và Ba Lan.

Xếp hạng của News and World Report là kết quả của cuộc khảo sát lấy ý kiến của 7.000 nhà hoạch định kinh doanh dựa trên 8 tiêu chí: kinh tế ổn định, môi trường thuế thuận lợi, lực lượng lao động lành nghề, năng lực công nghệ, tinh thần doanh nghiệp, sự đổi mới, năng động và tham nhũng.

Ông Sam Cheong Chwee Kin, Giám đốc điều hành và Giám đốc Đơn vị tư vấn FDI của Tập đoàn United Overseas (UOB) ca ngợi Việt Nam là một điểm sáng trong thu hút FDI ở ASEAN. Ông đặc biệt chú ý đến những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc củng cố cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế và công nghiệp trọng điểm.

Chuyên gia giám sát các dự án ở Ấn Độ và ASEAN của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates Koushan Das đánh giá: “Việt Nam có một trong những chế độ thuế cạnh tranh nhất ở Đông Nam Á. Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những nhà đầu tư tham gia vào sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao có thể tận dụng các ưu đãi thuế này như một lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ của họ trong những năm tới”.

Tại Diễn đàn VBF ngày 22/12 năm 2020, bà Virginia B. Foote, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu: “Chúng tôi cảm ơn Chính phủ vì sự quan tâm thấu đáo và thành công hiếm có của Việt Nam trong việc ứng phó với chủng virus khủng khiếp này. Chúng tôi vẫn lạc quan rằng năm 2020 sẽ kết thúc tốt đẹp, tạo tiền đề cho một năm 2021 thật vững chắc”.

Mặc dù được các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tăng trưởng kinh tế và thu hút FDI của Việt Nam, nhưng cần nhìn thẳng vào sự thật để nhận thức đầy đủ một số điểm yếu của môi trường đầu tư và kinh doanh của nước ta đã hạn chế năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh FDI toàn cầu sụt giảm. Đó là thể chế chưa hoàn thiện với gánh nặng các quy định pháp luật phức tạp, thủ tục cấp đất và giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp hợp đồng, quyền tài sản, rào cản phi thuế quan, phá sản doanh nghiệp, tình trạng tham nhũng, sách nhiễu của công chức nhà nước.

Giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút FDI

Ba chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ 1991 đến 2020 đã đặt nền móng vững chắc cho việc chuyển sang giai đoạn mới với mục tiêu năm 2030 GDP/người đat mức thu nhập trung bình cao, để 5 năm tiếp theo trở thành nước có thu nhập cao.

Thu hút FDI đồng hành với quá trình phát triển đất nước, từ chổ khuyến khích dự án thâm dụng lao động, khai thác tài nguyên chuyển dần sang dự án công nghệ cao, dịch vụ hiện đại gắn với chuyển giao công nghệ và hình thành đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Từ năm 2021 coi trọng hơn nữa chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực FDI theo định hướng của Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.

Để thực hiện được định hướng FDI mới cần cải cách mạnh mẽ, toàn diện với hệ thống giải pháp đồng bộ.

Thể chế và thực thi thể chế

Từ Đại hội Đảng lần thứ VI (12/1996) đến nay đã gần 35 năm nước ta phát triển theo kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nhưng thể chế kinh tế vẫn chưa hoàn chỉnh, nhiều bất cập, xung đột lẫn nhau.

Nước ta đang thực hiện EVFTA, CPTPP và một số FTA thế hệ mới với yêu cầu cao hơn về quyền sở hữu trí tuệ, lao động không cưỡng bức, công đoàn độc lập đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung nhiều luật.

Tình trạng nợ đọng luật, nghị định, thông tư khá lớn gây ra hậu quả đối với việc thi hành luật pháp cần được khắc phục bằng cải cách phương thức xây dựng pháp luật để khắc phục nhược điểm cố hữu trên đây, bảo đảm chất lượng và thời gian hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Các ủy ban của Quốc hội chủ trì quá trình xây dựng luật pháp bằng cách huy động các chuyên gia pháp lý, kinh tế, công nghệ có đủ năng lực, bao gồm những công chức làm việc tại các bộ, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức xã hội và cán bộ nghỉ hưu vốn là lãnh đạo các bộ, chuyên gia cao cấp đủ sức khỏe và trí tuệ tham gia vào các tổ công tác, làm việc trong một thời gian tùy theo đòi hỏi của từng luật, để biên soạn dự luật trình các cấp có thẩm quyền phê chuẩn. Với cách làm như vậy mới có thể biên tập được hàng chục luật đang cần sửa đổi, bổ sung với thời gian ngắn nhất mà không chịu tác động của lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không phụ thuộc vào các bộ hiện đang phải xử lý công việc hàng ngày.

Tại diễn đàn VBF đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ tiếng nói chung với chính phủ là thu hẹp khoảng cách giữa chính sách, pháp luật và thực thi bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm minh.

Năng lực cạnh tranh quốc gia

Nhiều quốc gia trong khu vực đã ban hành chính sách khuyến khích với những ưu đãi cao hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm ưu đãi về tài chính. Từ khi có sự dịch chuyển doanh nghiệp FDI ra khỏi Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Indonesia đã tuyên bố về chính sách ưu đãi cao để thu hút được hàng ngàn doanh nghiệp quy mô lớn chuyển sang hai nước này.

Đầu tư nước ngoài gắn với cạnh tranh khu vực, do đó các cơ quan nhà nước cần theo giõi sự thay đổi chính sách ưu đãi FDI của các nước, nhất là những quốc gia trực tiếp cạnh tranh với Việt Nam, để kịp thời ban hành chinh sách mới đáp ứng đòi hỏi của nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn, để cùng với lợi thế so sánh như ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, an toàn, nhân lực có chất lượng với giá cả nhân công hấp dẫn để thu hút nhiều hơn và có hiệu quả hơn dự án FDI công nghệ, dịch vụ hiện đại, công nghệ tương lai như AI, Bigdata, Fintech…

Chính phủ số

Chính phủ đã đề ra các mục tiêu trung hạn và dài hạn đối với chuyển đổi kinh tế số, doanh nghiệp số, xã hội số và chính phủ số; coi là cơ hội mới để nước ta xích gần và đuổi kịp trình độ phát triển một số nước trong ASEAN. Vấn đề quan trọng là các ngành, các cấp, cơ quan nhà nước, sự nghiệp và doanh nghiệp phải nhanh chóng thực hiện để tạo nên động lực mới của tăng trưởng kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững.

Ông Tetsu Funayama, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đặt vấn đề “Chuyển đổi kỹ thuật số” - yếu tố chìa khóa ảnh hưởng tới sự hưng thịnh hay lụi tàn của các doanh nghiệp và việc kinh doanh trong tương lai bằng cách nào? Đây là một đề tài vô cùng quan trọng trong việc quyết định khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Mặc dù việc ứng dụng chuyển đổi số có thể đồng nghĩa với nguy cơ đánh đổi các chính sách về an ninh quốc gia và doanh nghiệp, việc ứng dụng nhanh và đi trước các quốc gia khác sẽ đem lại lợi ích to lớn đối với Việt Nam.

Ông Kenneth Atkinson, đại diện Phòng thương mại Anh tại Việt Nam (BritCham Việt Nam) cho biết: “Vương quốc Anh được công nhận là trung tâm Fintech toàn cầu hàng đầu. Các công ty Anh mong muốn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực Fintech tại Việt Nam… Các quy định đối với Fintech tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Việt Nam chưa ban hành bất kỳ quy định chính thức hoặc hướng dẫn rõ ràng nào cho lĩnh vực Fintech; điều này sẽ hạn chế đầu tư và gây ra do dự của các công ty muốn tiếp cận thị trường Việt Nam”.

Các nhà đầu tư hy vọng Chính phủ sẽ có những hỗ trợ đặc biệt đối với các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn đóng góp sức mình cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi kinh tế số.

Bộ máy và con người

Bộ máy quản lý nhà nước có liên quan đến FDI đã có những thay đổi tích cực, nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của chính phủ số, có quá nhiều đầu mối để giải quyết một công việc, nhà đầu tư mất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục hành chính về cấp đất, xây dựng, thuế, hải quan. Cuộc cải cách hệ thống tổ chức, bộ máy cần được tiến hành đồng bộ, khẩn trương với quyết tâm cao và chịu trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu từng ngành, cơ quan, tổ chức thì mới có thể thực hiện thành công được.

Một ví dụ liên quan đến khu vực FDI là bộ máy quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp cần được tinh giản và được trang bị công nghệ thông tin hiện đại, được nối mạng với Trung tâm thông tin FDI quốc gia và các doanh nghiệp FDI, cần định ra trong vòng một, hai năm phải hoàn thành mục tiêu đó.

Công chức nhà nước đóng vai trò quyết định trong việc chuyển đổi kinh tế số và thực hiện chính phủ số; do đó thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ quản lý nhà nước, đạo đức và lối sống của công chức theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án và kinh doanh có hiệu quả, được lãnh đạo các ngành, địa phương, cơ quan nhà nước theo dõi, kiểm tra, đánh giá định kỳ để khen thưởng cá nhân, tổ chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, kỷ luật nghiêm minh công chức và cơ quan vi phạm quy tắc công tác và luật pháp.

Năm 2021 là năm bầu cử Quốc hội và thành lập Chính phủ mới. Người dân và doanh nghiệp đặt nhiều hy vọng vào những người được bầu vào các tổ chức dân cử có quyết tâm cao trong việc nâng cấp nền hành chính quốc gia, tiến hành cải cách nhanh hơn, đồng bộ và có hiệu quả hơn.

Tin mới lên