Tiêu điểm

Nhìn lại một năm thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG: 6 cựu quan chức bị bắt

(VNF) - Sau gần một năm điều tra sai phạm tại đại án Mobifone mua 95% cổ phần AVG, Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam nhiều bị can, trong đó có hai cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, một vụ trưởng, ba "sếp" doanh nghiệp nhà nước.

Nhìn lại một năm thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG: 6 cựu quan chức bị bắt

Nhìn lại một năm thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG

Diễn biến thương vụ nghìn tỷ Mobifone mua AVG

Đầu năm 2016, Mobifone lần đầu công bố thông tin đã hoàn tất việc mua 95% cổ phần Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) – đơn vị sở hữu Truyền hình An Viên.

Mobifone cho hay đây là bước đi quan trọng, cụ thể hoá 4 lĩnh vực trong chiến lược kinh doanh của tổng công ty là: di động – bán lẻ - truyền hình – đa phương tiện.

Theo thông cáo tại thời điểm đó, Mobifone đặt mục tiêu phát triển một triệu khách hàng đăng ký mới dịch vụ truyền hình trong năm 2016. Đến năm 2020, Mobifone muốn trở thành một trong 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam.

Sau 3 tháng kể từ khi thâu tóm AVG, ngày 29/4/2016, Mobifone đã công bố tên thương hiệu chính thức của truyền hình An Viên từ đó trở đi sẽ là MobiTV.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm là giá trị thương vụ mua 95% cổ phần AVG đã không được phía Mobifone công bố.

Sự bí ẩn của thương vụ càng được đẩy lên cao hơn khi tháng 8/2016, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiến hành thanh tra toàn diện việc Mobifone mua 95% cổ phần AVG.

Ngày 6/9/2016, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố quyết định thanh tra tại Mobifone. Thời hạn thanh tra là 50 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định (không kể ngày nghỉ, ngày lễ).

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III (tháng 10/2016) đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết cuộc thanh tra đang trong giai đoạn kết thúc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, kết luận thanh tra về thương vụ liên tục bị lùi thời điểm công bố.

Trong lúc dư luận vẫn đang đợi kết luận thanh tra thì tháng 11/2016, Mobifone đã chính thức công bố báo cáo tài chính riêng của Công ty mẹ năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016. Tại báo cáo này, giá trị thương vụ mua 95% cổ phần AVG đã được hé lộ. Theo đó, Mobifone đã chi ra 8.890 tỷ đồng để mua 95% cổ phần AVG.

Được biết vốn điều lệ của AVG tại thời điểm đó là 3.628 tỷ đồng, như vậy Mobifone đã chi ra mức giá cao gấp 2,58 lần mệnh giá cổ phần doanh nghiệp này.

Khoản đầu tư vào AVG tương đương 55% vốn vốn chủ sở hữu (16.200 tỷ) và gần 40% tổng tài sản (23.200 tỷ) của Công ty mẹ Mobifone tại thời điểm 30/6/2016.

Thương vụ mua 95% cổ phần AVG được cho là đã có ảnh hưởng tới tình hình tài chính của Mobifone trong năm 2016, khiến lợi nhuận trước thuế của Mobifone giảm tới 26,7% so với năm 2015.

Tháng 7/2017, sau hơn nửa năm thì thương vụ Mobifone – AVG lại được làm nóng lên khi tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư đã chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng, sai, xác định đúng nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có sai phạm trong thương vụ.

Mobifone mua AVG vi phạm rất nghiêm trọng

Tới đầu tháng 3/2018, tại cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Ban bí thư đã đề nghị Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra, sớm công bố kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.

Ít lâu sau chỉ đạo này, Mobifone và AVG bất ngờ ra thông báo đã thống nhất huỷ bỏ hợp đồng mua cổ phần. Theo đó, nhóm cổ đông AVG trả lại toàn bộ giá trị 95% cổ phần và 60 tỷ đồng cho các chi phí liên quan. Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ nói "sẽ cố gắng để cả hai không chịu thiệt hại từ việc này".

Sai phạm của Mobifone khi mua AVG. Nguồn ảnh: VnExpress

Ngày 13/3/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ về thông tin hủy bỏ hợp đồng mua bán.

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, ngày 14/3, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra, nhận định đây là sai phạm kinh tế rất nghiêm trọng, kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra.

Theo đó, AVG luôn khó khăn từ khi thành lập, giá trị vốn chủ sở hữu chưa đến 2.000 tỷ đồng nhưng Mobifone lại sử dụng kết quả thẩm định giá "thiếu tin cậy" của Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX) khi xác định lên tới hơn 16.500 tỷ đồng. Số liệu này được Mobifone dùng làm căn cứ mua 95% cổ phần. Trong khi từ lúc thành lập đến thời điểm thẩm định giá, AVG liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 là hơn 1.632 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ)...

Cơ quan thanh tra tính toán rằng với hợp đồng này sau khi trừ giá trị tài sản vô hình gần 13.500 tỷ đồng và loại trừ nợ phải trả hơn 1.100 tỷ đồng, "nguy cơ hiện hữu gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.000 tỷ đồng".

Ngày 19/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính phủ về thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG.

Ngày 23/4/2018, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an bắt đầu tiếp nhận toàn bộ hồ sơ thương vụ này để tiến hành xử lý hậu thanh tra.

Ngày 27/4/2018, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã thống nhất bổ sung việc xử lý kết luận thanh tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

6 cựu quan chức bị bắt sau điều tra

Tháng 7/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án xảy ra tại Mobifone và các đơn vị có liên quan về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 220 Bộ luật Hình sự 2015.

Hai người đầu tiên bị khởi tố về tội này là ông Lê Nam Trà (57 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên, cựu tổng giám đốc Mobifone) và ông Phạm Đình Trọng (48 tuổi, Vụ trưởng Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông).

Tháng 11/2018, nhà chức trách khởi tố thêm ông Cao Duy Hải (cựu Tổng giám đốc Mobifone) và bà Phạm Thị Phương Anh (Phó tổng giám đốc).

Bị can Cao Duy Hải và Phạm Thị Phương Anh.

Cũng trong thời gian này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhận kỷ luật cảnh cáo, cho thôi công tác Bộ trưởng và điều chuyển làm Phó ban Tuyên giáo Trung ương.

Tháng 2/2019, ông Trương Minh Tuấn bị khởi tố để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cùng ngày, người tiền nhiệm của ông Tuấn là ông Nguyễn Bắc Son (Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016) cũng bị bắt.

Các bị can Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn.

Gần hai tháng sau, ngày 13/4/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bổ sung quyết định khởi tố vụ án về tội “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ”, theo điều 354 và 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cùng ngày, ông Phạm Nhật Vũ bị khởi tố để điều tra tội Đưa hối lộ. Nhà chức trách bổ sung quyết định khởi tố bị can với hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng ông Cao Duy Hải, Lê Nam Trà về tội Nhận hối lộ.

Hai bị can khác bị khởi tố để điều tra tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” là Võ Văn Mạnh (Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX), Hoàng Duy Quang (nhân viên Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX).

Theo công bố của Bộ Công an, cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị khởi tố theo khoản 4 điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, với khung phạt từ 20 năm tù, đến chung thân hoặc tử hình. Đây là mức phạt cao nhất của tội Nhận hối lộ nếu bị kết tội "nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác" trị giá một tỷ đồng trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 5 tỷ đồng.

Ông Phạm Nhật Vũ bị khởi tố theo mức phạt cao nhất của tội Đưa hối lộ với khung hình phạt từ tù 12 năm đến 20 năm trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá một tỷ đồng trở lên.

Tin mới lên