Tài chính quốc tế

Nhìn lại năm điêu đứng của giới tài phiệt toàn cầu

(VNF) - Nếu 2021 là một năm đại thắng của giới siêu giàu thì bước sang năm 2022, đa phần trong số họ đều chứng kiến tài sản “lao dốc không phanh”. Các tỷ phú công nghệ và tiền điện tử là những người mất mát nhiều nhất khi trải qua chu kỳ tồi tệ nhất của thị trường từ trước tới nay.

Nhìn lại năm điêu đứng của giới tài phiệt toàn cầu

Tài sản tỷ phú Elon Musk sụt giảm mạnh nhất trong năm 2022

Tài sản “bốc hơi” hàng trăm tỷ USD

Người chứng kiến tài sản sụt giảm mạnh nhất trong năm 2022 không ai khác chính là tỷ phú Elon Musk, ông chủ hãng xe điện Tesla. Tài sản của vị tỷ phú 52 tuổi này đã “bốc hơi” tới hơn 100 tỷ USD xuống dưới ngưỡng 200 tỷ USD, trong khi chỉ hơn một năm trước, tài sản của ông chủ Tesla từng chạm đỉnh 340 tỷ USD.

Hiện Elon Musk sở hữu 163,7 tỷ USD và đã không còn là người giàu nhất thế giới khi bị “ông trùm hàng hiệu Pháp” Bernard Arnault vượt lên dẫn trước với tài sản ròng ước tính khoảng 181,8 tỷ USD, theo bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes. Sở dĩ có sự soán ngôi này là vì tài sản của tỷ phú Pháp Bernard Arnault không biến động đáng kể trong năm 2022 nhờ sự ổn định của đế chế thời trang LVMH, tập đoàn sở hữu các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Bulgari và Tiffany & Co.

Cổ phiếu của Tesla, công ty đóng góp phần lớn vào tài sản của tỷ phú Elon Musk, đã có một năm không suôn sẻ do tâm lý lo ngại rủi ro trên thị trường. Tesla đã vấp phải vấn đề chung của tất cả các hãng xe trên thế giới trong năm qua liên quan tới việc thiếu nguồn cung và chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng vọt. Bên cạnh đó, những rắc rối về logistics và việc sản xuất tại Trung Quốc bị gián đoạn do các chính sách phòng ngừa Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của hãng xe này. Đặc biệt, đà bán tháo cổ phiếu Tesla mạnh nhất đã diễn ra sau khi tỷ phú Elon Musk chốt thương vụ mua mạng xã hội Twitter với giá 44 tỷ USD. Các cổ đông Tesla đã lo ngại vị tỷ phú này dàn trải sức lực ra quá nhiều mảng và sẽ bỏ bê Tesla trong thời điểm hãng xe điện đang trải qua nhiều thách thức.

Người chứng kiến tài sản giảm mạnh thứ 2 là CEO Meta Mark Zuckerberg. Tài sản của vị tỷ phú này cũng có lúc giảm tới 100 tỷ USD trong năm 2022. Hiện Zuckerberg sở hữu 43,5 tỷ USD và tụt xuống thứ hạng 25 trong danh sách tỷ phú của Forbes. So với đầu năm 2022, tài sản của vị tỷ phú này đã giảm tới 82,1 tỷ USD. Chưa đầy hai năm trước, ông trùm công nghệ này từng xếp thứ ba sau tỷ phú Jeff Bezos và Bill Gates về tổng giá trị tài sản.

Tài sản của vị tỷ phú 39 tuổi này chủ yếu đi xuống kể từ khi ông đổi tên công ty từ Facebook thành Meta. Quyết định đầu tư vào vũ trụ ảo Metaverse của Mark Zuckerberg đã dẫn đến một loạt chỉ trích, trong khi dự án phải cần đến hàng tỷ USD mỗi năm để hoàn thiện. Giá trị thị trường của công ty mẹ Facebook đã bị “bốc hơi” tới 677 tỷ USD trong năm 2022, khiến tập đoàn công nghệ này bị loại khỏi hàng ngũ 20 công ty lớn nhất thế giới.

Ông chủ Amazon Jeff Bezos, người từng đứng đầu danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới trong nhiều năm, cũng có một năm không mấy suôn sẻ khi tài sản giảm tới 80,7 tỷ USD. Hãng bán lẻ lớn nhất thế giới Amazon đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát, chi phí nhiên liệu tăng. Tập đoàn cũng chịu tác động khi người tiêu dùng quay về thói quen mua sắm trực tiếp sau đại dịch. Hiện Jeff Bezos sở hữu 111,1 tỷ USD và là tỷ phú giàu thứ 4 thế giới.

Tỷ phú tiền số đối diện loạt biến cố

Trong năm 2022, thị trường tiền số đã chứng kiến nhiều cú sốc “cực lớn” thổi bay tới hàng nghìn tỷ USD vốn hóa. Điều này khiến những tỷ phú hàng đầu trong ngành, những người chứng kiến giá trị tài sản ròng tăng vọt trong giai đoạn 2020 – 2021, bị ảnh hưởng nặng nề.

Tỷ phú hàng đầu của thị trường tiền số Changpeng Zhao chính là người mất mát nhiều nhất khi giá các loại tiền số giảm mạnh. Vị tỷ phú 46 tuổi này đã có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes vào tháng 1/2022 với khối tài sản ròng trị giá khoảng 96 tỷ USD, đưa ông đứng ngang hàng với những tỷ phú công nghệ nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi giá hai đồng tiền số lớn nhất thế giới là Bitcoin và Etherium đã giảm hơn 65% kể từ đầu năm sau khi một trong những đồng stablecoin lớn nhất là TerraUSD sụp đổ, cũng như hai quỹ phòng hộ nổi tiếng là Three Arrows Capital và Celsius gặp khó khăn. Tài sản của Changpeng Zhao đã “bay hơi” tới 82,4 tỷ USD trong năm 2022 còn 17,4 tỷ USD. Ông hiện đứng ở vị trí 96 trong danh sách tỷ phú của Forbes.

Từng đứng thứ hai trong danh sách tỷ phú tiền số, Sam Bankman-Fried, CEO sàn FTX, cũng đã “bay màu” khỏi danh sách tỷ phú của Forbes. Tại thời điểm FTX vẫn là sàn giao dịch tiền số lớn thứ ba thế giới với mức định giá lên đến 32 tỷ USD, tài sản của tỷ phú Sam Bankman-Fried được Forbes ước tính khoảng 26 tỷ USD. Tuy nhiên, tất cả đã tan biến khi FTX sụp đổ một cách chóng vánh vào giữa tháng 11/2022. Trong chưa đầy 48 giờ, tài sản của CEO 9x đã giảm 94% xuống dưới 1 tỷ USD. Không những vậy, Sam Bankman-Fried hiện còn phải đối mặt với khoản nợ hơn 6 tỷ USD, đồng thời bị cáo buộc 8 tội danh và có thể ngồi tù tối đa 115 năm.

Việc tiền số toàn cầu bị bán tháo cũng châm ngòi cho đà giảm của Coinbase, sàn tiền số lớn nhất nước Mỹ. Cổ phiếu hãng này đã giảm tới 84% kể từ khi lên sàn hồi tháng 4/2021. Nếu cuối năm 2021, tài sản của nhà sáng lập Coinbase, ông Brian Armstrong, được ước tính khoảng 13,7 tỷ USD, thì tới giữa tháng 5/2022 con số này thu hẹp lại còn 2,2 tỷ USD, còn tới cuối năm 2022, cái tên Brian Armstrong cũng không còn có mặt trong danh sách tỷ phú của Forbes.

Tỷ phú hiếm hoi chứng kiến tài sản tăng mạnh

Tỷ phú Gautam Adani

Không có gì để bàn cãi khi nói tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani chính là người có “màn trình diễn ngoạn mục” nhất trong năm 2022. Sau khi tăng gấp gần 3 lần giá trị tài sản trong năm 2021, tỷ phú Gautam Adani tiếp tục nhân đôi tài sản của mình trong năm 2022 khi cán mốc 133,7 tỷ USD, vươn lên thành người châu Á đầu tiên có mặt trong top 3 người giàu nhất thế giới.

Các doanh nhân châu Á nổi tiếng trước đây như tỷ phú Jack Ma của Trung Quốc hay người đồng hương Ấn Độ Mukesh Ambani chưa bao giờ đạt được thành tích này. Hồi trung tuần tháng 9/2022, ông Adani từng vượt qua ông trùm hàng hiệu người Pháp Bernard Arnault trở thành người giàu thứ 2 thế giới.

Tỷ phú Adani sở hữu cổ phần trong 6 công ty đại chúng hoạt động trong các ngành cảng, sân bay, năng lượng xanh, trung tâm dữ liệu... Ông trở thành người giàu nhất châu Á vào tháng 2/2022, khi vượt qua tỷ phú Mukesh Ambani, ông chủ tập đoàn đa ngành Reliance Industries, hiện có tài sản ròng 92,1 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng của Forbes.

Một tỷ phú Mỹ vẫn giữ vững phong độ trong năm nay chính là “huyền thoại đầu tư” Warren Buffett. Trong bối cảnh giới đầu tư trên toàn cầu hứng thua lỗ không nhỏ do làn sóng tăng lãi suất mạnh tay của các ngân hàng trung ương, thì tỷ phú Warren Buffett tiếp tục là cái tên được ca ngợi trong năm 2022 với những quyết định đầu tư sắc bén. Giá cổ phiếu tập đoàn Berkshire Hathaway của ông đã tăng 5,5% từ đầu năm, trong khi chỉ số S&P 500 giảm hơn 15%. Hiện ông sở hữu 104,4 tỷ USD và đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes.
 

Tin mới lên