Tiêu điểm

Nhìn lại quan hệ thương mại Việt - Trung trước thềm trận bóng đá quan trọng

(VNF) - Trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Trung Quốc trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup 2022 sẽ diễn ra vào lúc 0h00 ngày 8/10/2021. Xét trên lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch lên đến trên 100 tỷ USD.

Nhìn lại quan hệ thương mại Việt - Trung trước thềm trận bóng đá quan trọng

Trận đấu lượt đi giữa Trung Quốc và Việt Nam vào ngày 8/10/2021 sẽ diễn ra tại Sharjah, UAE.

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Năm 2020, GDP của Trung Quốc đạt 101,6 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 15,4 nghìn tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Khi hầu hết quốc gia vẫn phải vật lộn với đại dịch Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng khi dịch được kiểm soát chặt chẽ.  Quý III/2021, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trung Quốc từng đặt mục tiêu đến năm 2035, quốc gia này có thể trở thành một quốc gia có thu nhập cao và như vậy có thể tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế, vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bloomberg Economics cũng dự báo, Trung Quốc thậm chí có thể chiếm vị trí đầu bảng ngay sau năm 2031.

Từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, quan hệ kinh tế thương mại Trung Quốc - Việt Nam tăng trưởng ổn định và mạnh mẽ, kim ngạch thương mại hai chiều tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm gần đây đạt trên 20%/năm.

Năm 1991, nếu như kim ngạch thương mại giữa 2 nước mới chỉ đạt 30 triệu USD thì đến năm 2020 đã lên đến 133,1 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 48,9 tỷ USD, tăng 17,95% so với năm 2019. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc hàng hóa trị giá 84,18 tỷ USD, tăng 11,55%.

Trung Quốc được đánh giá là đối tác thương mại và thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam chủ yếu gồm dầu thô, than đá và một số nông sản nhiệt đới, sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu có máy móc thiết bị, thép, sản phẩm hóa chất, thiết bị vận tải, linh kiện điện tử, điện thoại, nguyên phụ kiện dệt may, da giày, phân bón, vật tư nông nghiệp, và hàng tiêu dùng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhóm hàng đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2020 là chế biến, chế tạo (đạt 37,07 tỷ USD) và vật liệu xây dựng (đạt 3,12 tỷ USD). Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trong năm 2020.

Kết quả hoạt động thương mại năm 2020 đã tạo đà cho thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 duy trì sự ổn định. Tính hết tháng 8/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 105,39 tỷ USD. Đáng lưu ý, trong khi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 33,35 tỷ USD, tăng 22,3% so cùng kỳ năm ngoái, thì nhập khẩu từ nước này với 72,05 tỷ USD, tăng đến 46,1% so cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, trong 8 tháng qua, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 38,69 tỷ USD. Nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hiện chiếm 33,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Có 2 nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đạt hơn 10 tỷ USD là máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (đạt 16,73 tỷ USD và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,49 tỷ USD).

Trong quan hệ kinh tế, thương mại, Việt Nam và Trung Quốc vừa là đối tác, bạn hàng; đồng thời cũng là đối thủ cạnh tranh. Trung Quốc cùng cạnh tranh với Việt Nam trên thị trường thế giới, nhất là ở thị trường các quốc gia phát triển về xuất khẩu các mặt hàng: may mặc, quần áo, giày dép…

Ngoài ra, mặc dù là một trong những quốc gia có lượng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam khá lớn (Trung Quốc là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam – số liệu 2020) nhưng Trung Quốc cũng là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ các quốc gia phát triển.   

Nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, lãnh đạo cấp cao, bộ ngành 2 nước đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, điều chỉnh, bổ sung nội dung các hiệp định, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế.

Tại phiên họp lần thứ 13 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc diễn ra vào ngày 10/9 vừa qua, hai bên đã nhất trí nối lại các chuyến bay thương mại, sớm hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường đối với một số nông sản Việt Nam; đẩy nhanh nâng cấp hoặc mở mới các cặp cửa khẩu như Hoành Mô - Động Trung, Tà Lùng - Thủy Khẩu, Trà Lĩnh - Long Bang, Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà, Lý Vạn - Thạc Long... để tăng cường giao thương ở biên giới.

Bên cạnh đó, tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; tích cực giải quyết khó khăn, tồn tại trong một số dự án hợp tác như tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và đẩy nhanh triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc…

*Tuyển Việt Nam cùng tuyển Trung Quốc là 2 trong số 12 đội tham dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á chưa có điểm nào sau 2 lượt trận. Trên bảng xếp hạng bảng B vòng loại thứ 3 World Cup, tuyển Việt Nam đang xếp trên Trung Quốc nhờ hơn hiệu số bàn thắng bại (-3 so với -4).

Tin mới lên