Tài chính quốc tế

Nhìn lại quy mô kinh tế Vũ Hán, ‘tâm chấn’ của dịch virus Corona

(VNF) - Chỉ một tháng trước khi “cơn địa chấn” mang tên virus Corona xảy ra, Vũ Hán vẫn là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư trong và ngoài nước Trung Quốc. Hàng chục tỷ USD đã chảy vào 3 khu vực kinh tế trọng điểm quốc gia, 4 khu khoa học và công nghệ và 1.600 doanh nghiệp công nghệ cao cũng như công ty khởi nghiệp tại Vũ Hán.

Nhìn lại quy mô kinh tế Vũ Hán, ‘tâm chấn’ của dịch virus Corona

Các cửa ngõ của Vũ Hán bị phong toả do dịch virus Corona.

Thành phố Vũ Hán – thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, đang được cả thế giới biết đến là tâm chấn của dịch viêm phổi cấp (Corona, nCoV), vốn là một trung tâm quan trọng về kinh tế, thương mại, tài chính, vận tải, công nghệ thông tin, và giáo dục của Trung Quốc.

Với quy mô dân số gần 11 triệu dân, năm 2019, tăng trưởng GDP của Vũ Hán đạt 7,8%, cao hơn 1,7% so với tăng trưởng GDP của cả Trung Quốc là 6,1%.

Tổng giá trị nhập khẩu và xuất khẩu của Vũ Hán năm 2019 đạt 244 tỷ NDT (35,3 tỷ USD), đây là mức tăng trưởng kỷ lục, vượt 13,7% so với năm trước và chiếm 61,9% tổng giá trị ngoại thương của tỉnh Hồ Bắc.

Theo thống kê gần nhất, có tới hơn 300 trong số 500 công ty hàng đầu thế giới đang làm ăn tại Vũ Hán.

Các ngành công nghiệp chủ yếu tại Vũ Hán bao gồm quang-điện tử, sản xuất ô tô, sản xuất thép, dược phẩm, sinh học kỹ thuật, công nghiệp vật liệu mới và bảo vệ môi trường.

Các ngành mới nổi, như năng lượng tái tạo, cũng đã xuất hiện tại Vũ Hán, được hỗ trợ phát triển bởi hơn 300 viện nghiên cứu tại đây.

Vào tháng 12/2019, tập đoàn công nghệ Xiaomi đã mở trụ sở mới tại Vũ Hán với trọng tâm là AI (trí tuệ nhân tạo), Internet of Things và dữ liệu lớn.

“Mong đợi của tôi trong thập kỷ tới là biến Vũ Hán thành một trung tâm R & D lớn cho Xiaomi”, ông Lei Lei Jun, người sáng lập Xiaomi nói trong một cuộc họp báo vào tháng trước (12/2019).

Không chỉ nắm giữ nhiều “mạch máu giao thông” của Trung Quốc, thành phố 3.500 tuổi Vũ Hán còn là huyết mạch chính trong công cuộc đổi mới sáng tạo của đất nước hơn 1,4 tỷ dân này và là nhân tố quan trọng trong kế hoạch Made in China 2025.

Made in China 2025 là một nỗ lực để chuyển dịch nền sản xuất của Trung Quốc lên cao hơn trong chuỗi giá trị.

Từ năm 2006, Vũ Hán đã vươn lên trong bảng xếp hạng của Nature index, nhanh hơn bất kỳ thành phố nào trong top 20. Sự đóng góp của các nhà nghiên cứu Vũ Hán (chỉ số FC) vào các công trình nghiên cứu được xuất bản trên 82 tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao theo thống kê của Nature đã tăng lên từ 214,51 vào năm 2012 lên 490,54 vào năm 2017, đưa thành phố này vào vị trí thứ 19 toàn cầu và hạng 3 Trung Quốc về sức mạnh khoa học và công nghệ.

Từ năm 2016, các ngành công nghiệp sáng tạo đã tạo ra 13,07 tỷ USD cho Vũ Hán.

Hiện có 35 cơ sở giáo dục bậc đại học, hàng trăm viện nghiên cứu động tại Vũ Hán. Thành phố có 3 khu kinh tế trọng điểm của cả nước là Vũ Xương, Hán Khẩu và Hán Dương. 

Thế nhưng, “sát thủ thầm lặng” mang tên virus Corona đang âm thầm tấn công nền kinh tế Vũ Hán. Trung tâm kinh tế, sáng tạo của Trung Quốc đã bị phong tỏa hoàn toàn.

Nhà sản xuất xe hơi Pháp PSA Group đang họp khẩn để bàn biện pháp đối phó với dịch Corona, không loại trừ khả năng phải đóng cửa nhà máy với khoảng hơn 2.000 nhân viên ở Vũ Hán.

Công ty Mỹ Cummins thừa nhận không rõ bao giờ mới mở cửa trở lại 7 cơ sở sản xuất ở Vũ Hán.

Không chỉ Vũ Hán, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu lao đao vì ảnh hưởng của virus corona.

Theo Financial Times, Bộ Giao thông Trung Quốc thông báo giao thông đường sắt ngày 25/1 (mồng 1 Tết Nguyên Đán) sụt giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng chuyến bay thương mại sụt 42% và tổng giao thông toàn quốc trượt dốc 29%.

Công ty Đường sắt Trung Quốc Thành Đô cũng tuyên bố sẽ dừng một số tuyến tàu cao tốc, bao gồm một số đến trung tâm thương mại Thượng Hải, trong vài ngày tới.

Dịch virus Corona buộc chính quyền Trung Quốc kéo dài kỳ nghỉ Tết thêm một tuần. Điều này đồng nghĩa với nhiều trung tâm sản xuất của Trung Quốc tiếp tục đình trệ.

ADB ước tính đại dịch SARS năm 2003 khiến nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại 20 tỷ USD. Những ngày qua, chính quyền Trung Quốc cũng đã áp dụng những biện pháp như hạn chế đi lại, vận tải, mua sắm, vui chơi... như thời dịch SARS.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề là mạng lưới đường sắt và cao tốc quốc gia Trung Quốc hiện phát triển ở mức vượt xa so với hồi năm 2003, nền kinh tế cũng lớn gấp 6 lần. Do đó, tác động của dịch với nền kinh tế sẽ nghiêm trọng hơn.

Từ khoá: Corona, Vũ Hán,
Tin mới lên