Tài chính quốc tế

Nhìn lại vụ khủng bố 11/9: New York dần phục hồi sau thảm kịch kinh hoàng

(VNF) - Ga tàu điện Cortlandt, từng bị chôn vùi trong đống đổ nát sáng 11/9/2001, mới đây đã được mở trở lại, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự phục hồi và tăng trưởng của New York.

Nhìn lại vụ khủng bố 11/9: New York dần phục hồi sau thảm kịch kinh hoàng

Ga tàu điện Cortlandt cũ, nằm trên tuyến đường đi từ phía Tây Manhattan tới Trung tâm Thương mại Thế giới New York, đã bị phá hủy gần như hoàn toàn khi tòa tháp đôi sập xuống trong vụ khủng bố kinh hoàng cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người và làm hàng ngàn người khác bị thương.

Chia sẻ về nỗ lực thúc đẩy hoàn thành nhà ga - nay được đặt tên là WTC Cortlandt - sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch, Chủ tịch Cơ quan Giao thông đô thị Mỹ (MTA) Andy Byford cho biết: "WTC Cortlandt còn hơn cả một ga tàu điện ngầm mới. Nó là biểu tượng cho sự quyết tâm của người dân New York trong việc phục hồi và nâng cấp toàn bộ Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC)".

Chi phí xây dựng lại nhà ga lên đến 181,8 triệu USD. Trạm dừng mới này được trang trí một số công trình nghệ thuật mà những kẻ khủng bố 11/9 đã tìm cách phá hủy: bức tranh khảm đá cẩm thạch trắng của nghệ sĩ Ann Hamilton, trên đó có nội dung Tuyên ngôn Độc lập Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc 1948.

Đài tưởng niệm mang tên “Tháp Tiếng nói”.

Trước đó, Đài tưởng niệm mang tên “Tháp Tiếng nói” (Tower of Voices) đã được khai trương tại khu di tích là hiện trường nơi Chuyến bay số hiệu 93 của Hãng hàng không United Airlines đâm xuống cánh đồng của vùng nông thôn Pennsylvania.

Theo AP, công trình này cao khoảng 30m, được thiết kế nổi bật giữa khu vực quảng trường để tưởng nhớ 40 nạn nhân đã thiệt mạng trong Chuyến bay 93 ngày 11/9/2001. Điểm nổi bật của nó là trên đó gắn 40 chiếc chuông gió, mỗi chiếc được điều chỉnh và định vị để phát lên thanh âm riêng biệt, giống như một “một buổi hòa nhạc vĩnh cửu dành cho những người anh hùng”.

Dự án trị giá 6 triệu USD do Quỹ Công viên quốc gia tài trợ. Theo phân tích của cơ quan quản lý công viên quốc gia Mỹ, đây là thiết kế có một không hai trên thế giới.

Hơn 1.100 nạn nhân vẫn chưa được xác nhận danh tính

Ngày 11/9/2001, cả thế giới bàng hoàng chứng kiến cảnh hai tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) sụp đổ trong một loạt khủng bố nhằm vào nước Mỹ.

Có khoảng 22.000 bộ phận cơ thể người được tìm thấy tại hiện trường Trung tâm Tài chính thế giới được đưa đi kiểm tra và có những mẫu vật được kiểm tra tới 10 hoặc 15 lần. Cho tới nay, mới chỉ có 1.642 người trên tổng số 2.753 nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố được chính thức xác nhận danh tính.

Tại một phòng thí nghiệm tại New York, các chuyên gia vẫn không ngừng làm việc để nhận dạng những phần thi thể của hơn 1.100 nạn nhân còn lại.

Công việc tại phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất khu vực Bắc Mỹ này chủ yếu xoay quanh các mẫu xương chưa được xác nhận. Đầu tiên, các chuyên gia kiểm tra mẫu xương tìm thấy trong đống đổ nát của tòa tháp đôi.

Cho tới nay, chỉ có 1.642 người trên tổng số 2.753 nạn nhân thiệt mạng được chính thức xác nhận danh tính.

Mẫu xương sau đó được nghiền nhỏ thành bột mịn trước khi trộn với 2 chất hóa học giúp phát hiện ADN của xương. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của qui trình này không chắc chắn.

Theo các chuyên gia, xương là mẫu vật khó nhận định ADN nhất. Đặc biệt, khi những mẫu xương này chịu tác động bởi những điều kiện như khói lửa, nấm mốc, vi khuẩn, ánh nắng mặt trời, nhiêu liệu từ máy bay hay xăng dầu, những vật chất có thể phá hủy cấu trúc ADN trong xương thì tỷ lệ thành công trong xác định ADN càng thấp hơn.

Nhiều năm trôi qua, có những lúc các chuyên gia không thể xác định thêm danh tính của bất kỳ người nào trong cả một năm dài nhưng họ vẫn kiên trì. Tuy không xác nhận kinh phí cụ thể cho chương trình này nhưng đây được cho là phòng thí nghiệm tiên tiến và được trang bị tốt nhất ở khu vực Bắc Mỹ.

Dư âm vẫn còn đó

Theo đó, trong 17 năm kể từ vụ khủng bố, số lượng sĩ quan cảnh sát thành phố New York tử vong do các căn bệnh liên quan đến vụ tấn công 11/9, phần lớn là ung thư, nhiều gấp gần 8 lần số cảnh sát thiệt mạng trong ngày hôm đó.

Cụ thể, 23 cảnh sát New York đã thiệt mạng tại Trung tâm Thương mại thế giới vào ngày 11/9/2001. Nhưng trong 17 năm sau đó, 156 người đã tử vong do các căn bệnh liên quan đến vụ tấn công này.

“Cho đến ngày nay, mỗi năm chúng tôi vẫn đang mất đi những sĩ quan do ảnh hưởng của vụ tấn công 11-9”, Cảnh sát trưởng New York Terence Monahan nói với ABC News trong một cuộc phỏng vấn.

Lính cứu hỏa dìu một nạn nhân khỏi hiện trường.

Không chỉ cảnh sát, Sở cứu hỏa thành phố New York cũng vậy. Theo thống kê, 343 nhân viên cứu hỏa đã thiệt mạng trong ngày 11/9/2001, trong khi số lượng lính cứu hỏa tử vong vì các căn bệnh liên quan đến vụ tấn công này lên đến 182 người. Trong đó có 18 trường hợp tử vong trong 12 tháng qua, tên của họ đã được thêm vào một bức tường tưởng niệm tại trụ sở Sở cứu hỏa thành phố New York trong một buổi lễ diễn ra hôm 6-9 vừa qua.

Ngoài ra, trong thời gian gần đây cũng chứng kiến số lượng đặc vụ liên bang bị tử vong bởi các căn bệnh liên quan vụ tấn công khủng bố 11-9 tăng lên, trong đó có 15 đặc vụ thuộc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).

Tính đến ngày 31/8/2018, Quỹ Bồi thường Nạn nhân vụ 11/9 đã xác định được 20.874 người đủ điều kiện được bồi thường. Tổng số tiền được trao cho đến nay là hơn 4,3 tỷ USD.

Khoảng từ 8h-9h sáng 11/9/2001, 19 tên không tặc lái 4 máy bay thương mại của Mỹ lần lượt tấn công các mục tiêu gồm: hai máy bay lao thẳng vào tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới (World Trade Center) tại thành phố New York, một máy bay khác đâm vào trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ ở Lầu Năm Góc tại Washington, một máy bay rơi xuống một cánh đồng ở Shanksville, Pennsylvania .

Vụ khủng bố đã khiến 2.753 người thiệt mạng và là vụ khủng bố đẫm máu nhất do thế lực nước ngoài gây ra tại Mỹ. Ngoài ra, còn có hơn 6.000 người khác bị thương sau vụ tấn công này.

Hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại thế giới bốc cháy khi bị máy bay khủng bố lao vào.

Tổ chức khủng bố Al-Qaeda là những kẻ chủ mưu tiến hành vụ tấn công 11/9. Trong đó, lời hiệu triệu thánh chiến nhằm chống lại nước Mỹ do Osama bin Laden, thủ lĩnh của Al-Qaeda, được xem là động cơ lớn nhất dẫn tới hành động tấn công liều chết của 19 tên không tặc. 15 trong số 19 tên này đến từ Ả rập Xê út, số còn lại đến từ Các Tiểu vương quốc Ả rập, Ai Cập và Lebanon.

Cuộc tấn công đã khiến chính phủ Mỹ dành sự quan tâm nhiều hơn cho cuộc chiến chống khủng bố, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới. Bộ An ninh nội địa Mỹ đã được thành lập với chức năng phối hợp hoạt động giữa các cơ quan an ninh của Mỹ, các sân bay cũng tăng cường quá trình kiểm tra an ninh của mọi hành khách tới Mỹ, cùng với đó sự hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia khác trong vấn đề chia sẻ thông tin tình báo cũng được đẩy mạnh.

Xem thêm >> Đức sẽ bắt tay cùng Mỹ, Anh, Pháp 'giáng đòn sấm sét' lên Syria?

Tin mới lên