Ngân hàng

NHNN: ‘Sửa Thông tư 36 không ảnh hưởng nguồn tín dụng bất động sản’

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước nói dự thảo Thông tư 36 sửa đổi "sẽ không thắt chặt tín dụng cho bất động sản", nhưng dự thảo vẫn chỉ đang giai đoạn "lấy ý kiến rộng rãi".

NHNN: ‘Sửa Thông tư 36 không ảnh hưởng nguồn tín dụng bất động sản’

Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi thông điệp mang tính phản biện đối với các ý kiến gần đây liên quan đến Dự thảo Thông tư 36 sửa đổi, theo đó khẳng định rằng các ý kiến nói văn bản này sẽ thắt chặt tín dụng đối với bất động sản là "không có cơ sở".

Theo dự thảo Thông tư 36 sửa đổi, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, thay vì được 60% như hiện nay. Giới hạn đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng giảm rất mạnh, từ 200% xuống còn 80%.

Tương tự, giới hạn đối với ngân hàng hợp tác xã giảm từ 60% xuống chỉ còn 40%. Dự thảo thông tư cũng xếp "các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản" vào "nhóm tài sản có hệ số rủi ro 250%" thay vì hệ số 150% như hiện nay.

Những quy định này được giới đầu tư đánh giá là sẽ siết chặt tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, "làm khó" thị trường ngay trong điều kiện thị trường vẫn còn khó khăn.

Tuy nhiên, theo NHNN, dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36 không làm giảm vốn tín dụng ngân hàng cho thị trường bất động sản. Giả định mọi yếu tố khác không thay đổi, với quy mô và cơ cấu nguồn vốn tại thời điểm cuối năm 2015, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung - dài hạn bình quân của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) là 31% (đang có chiều hướng tăng nhanh) thì các TCTD vẫn còn có khả năng cấp tín dụng trung, dài thêm cho nền kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực BĐS với số tiền lên đến khoảng 540 nghìn tỷ đồng mới tới giới hạn tỷ lệ này 40% (theo quy định của dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36).

Việc điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250% ảnh hưởng trực tiếp không đáng kể đến tỷ lệ an toàn vốn, theo đó tỷ lệ an toàn vốn bình quân của toàn hệ thống các TCTD giảm từ 13% xuống 12,1%. Với tỷ lệ an toàn vốn bình quân toàn hệ thống đến cuối năm 2015 là 13% thì các TCTD vẫn còn có thể cho vay kinh doanh bất động sản với số vốn bổ sung lên đến khoảng 650 nghìn tỷ đồng mới tới giới hạn tỷ lệ an toàn vốn 9%.

Cũng theo cơ quan này, việc điều chỉnh quy định tại Thông tư 36 ảnh hưởng không đáng kể đến dòng vốn tín dụng vào thị trường BĐS. Vấn đề là người đầu tư, kinh doanh BĐS có đáp ứng được các chuẩn mực an toàn, điều kiện vay vốn để các TCTD rót vốn đầu tư không.

Ngân hàng Nhà nước thậm chí đặt ra câu hỏi: "Vậy câu hỏi đặt ra là, ai sợ quy định mới tại dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 nhất"?

Và câu trả lời là: "Chắc chắn là người đầu cơ và chủ đầu tư bất động sản có năng lực tài chính yếu kém. Đây cũng là 2 đối tượng dễ đẩy thị trường bất động sản phát triển không lành mạnh và hình thành bong bóng bất động sản, nếu không có chính sách và biện pháp quản lý hữu hiệu".

" Người mua nhà để ở, người thuộc các đối tượng tham gia các chương trình, chính sách nhà ở xã hội của Chính phủ và người mua bất động sản không vì mục tiêu kinh doanh không chịu ảnh hưởng của sự thay đổi quy định của Thông tư 36", Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng nhấn mạnh lại rằng mục tiêu của việc điều chỉnh một số quy định tại Thông tư số 36 là để phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro và bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD, bảo vệ tốt nhất tiền gửi của nhân dân; đồng thời tăng trưởng tín dụng hiệu quả và hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

"Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thảo luận, đánh giá tác động và lấy ý kiến tham gia rộng rãi của các đối tượng liên quan trong xã hội. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét một cách thận trọng đến nội dung thời điểm hiệu lực và lộ trình thực hiện của một số quy định mới tại dự thảo thông tư nhằm giảm thiểu các rủi ro, tác động tiêu cực đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản và các bên có liên quan", tài liệu phân tích của Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Tin mới lên