Tài chính quốc tế

Những bế tắc trong đàm phán thương mại Mỹ-EU

Một năm sau khi tuyên bố chung Liên minh châu Âu (EU)-Mỹ được đưa ra, các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên vẫn trong tình trạng bế tắc.

Những bế tắc trong đàm phán thương mại Mỹ-EU

Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU vẫn trong tình trạng bế tắc.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã tới Mỹ trong tháng 7/2018 để gặp Tổng thống Donald Trump nhằm làm giảm bớt căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai bên.

Một năm sau khi tuyên bố chung về thương mại giữa EU và Mỹ được đưa ra, EC ngày 25/7 đã công bố một báo cáo toàn diện về tình trạng quan hệ giữa Washington và Brussels, trong đó EC bác bỏ tuyên bố của phía Mỹ cho rằng đó là một chiến lược nhằm tránh thuế quan và khẳng định EU chỉ đơn thuần muốn chứng tỏ họ đang tôn trọng các cam kết được đưa ra trong thỏa thuận.

Hàng công nghiệp rơi vào bế tắc

Tuyên bố 2018 xác định Mỹ và EU đồng ý làm việc cùng nhau để bãi bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan cũng như ngừng trợ cấp cho các sản phẩm công nghiệp không phải là ô tô. Đầu tháng 4/2019, các quốc gia thành viên EU đã nhất trí ủy thác cho EC nhiệm vụ đàm phán về giảm các rào cản thương mại đối với hàng hóa công nghiệp vào đầu tháng 4/2019, bất chấp sự phản đối của một số thành viên trong đó có Pháp. Tuy nhiên, cuộc đàm phán vẫn chưa được bắt đầu.

Ủy viên Thương mại của EU Cecilia Malmström đã thừa nhận tại Nghị viện châu Âu (EP) hồi tuần trước rằng, các cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc, Mỹ luôn giữ quan điểm chỉ ngồi vào bàn đàm phán nếu các sản phẩm nông nghiệp được đưa vào thỏa thuận. Ủy viên Thương mại EU nhấn mạnh đó là "lằn ranh đỏ" mà EU không thể nhượng bộ.

Tăng xuất khẩu đậu tương và khí đốt tự nhiên hóa lỏng 

The dự kiến, hai bên sẽ làm việc cùng nhau để cắt giảm các rào cản thương mại và tăng mua bán đậu tương cũng như cải thiện quan hệ trong các lĩnh vực y tế, dược phẩm, dịch vụ và hóa chất. Tháng 4/2019, các thành viên EU đã ủy quyền cho EC đánh giá tính phù hợp của các sản phẩm được chấp nhận xem xét tại các nước thứ ba nhằm giảm gánh nặng hành chính cho các công ty châu Âu và Mỹ. Việc tiếp xúc kỹ thuật đã diễn ra trong lĩnh vực này và các cuộc đàm phán có thể bắt đầu vào mùa Thu tới.

Chủ tịch EC nhấn mạnh sự hợp tác về pháp lý trong lĩnh vực thiết bị y tế, an ninh mạng và dược phẩm đang "tiến triển rất tốt". Ngày 11/7, Mỹ công nhận Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Slovakia, với việc cho phép thực hiện đầy đủ Thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong việc kiểm tra các địa điểm sản xuất thuốc chữa bệnh.

Tuyên bố Mỹ-EU cho hay EU muốn nhập khẩu thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Đây là một trong những thắng lợi lớn nhất đối với Washington, vốn đang muốn mở rộng thị trường, vì Mỹ là một trong những nhà sản xuất LNG lớn nhất thế giới. Châu Âu đã thực sự giữ lời.

Theo số liệu của EU, nhập khẩu LNG của khối này đã tăng gấp ba lần kể từ sau khi tuyên bố chung EU-Mỹ ra đời, đạt mức kỷ lục hơn 1,4 tỷ m3 tính đến tháng 3/2019. Về cam kết liên quan đến đậu tương, EU đã tăng gần gấp đôi nhập khẩu loại nông sản này từ Mỹ - nước đang đóng vai trò là nhà cung cấp lớn nhất cho EU.

Cải cách tổ chức WTO

Chủ tịch EC Juncker và Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác có cùng quan điểm để cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đấu tranh chống lại các hoạt động thương mại không công bằng. Bà Malmström cho rằng tình hình trong WTO hiện rất đáng lo ngại, tuy nhiên WTO dù không hoàn hảo nhưng vẫn hệ thống tốt nhất hiện có và nếu thiếu hệ thống này thì tất cả sẽ rơi vào hỗn loạn hoàn toàn. Bà nhấn mạnh EU thực sự đã rất tích cực trong việc cải cách các tổ chức.

EU, Mỹ và Nhật Bản đã cùng đưa ra đề xuất chung về việc thúc đẩy các thành viên tuân thủ các yêu cầu về minh bạch của WTO, và các cuộc tiếp xúc vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, Nhà Trắng tiếp tục cản trở việc bổ nhiệm các thành viên Cơ quan phúc thẩm của WTO, khiến tình hình trở nên khó khăn hơn.

EU và Canada ngày 25/7 thông báo hai bên đã đạt được thỏa thuận thu xếp tạm thời về vấn đề trọng tài giải quyết khiếu nại, được áp dụng cho các tranh chấp giữa hai đối tác nếu tình hình tại Hội đồng WTO không được giải quyết.

Thuế quan vẫn chưa được dỡ bỏ

Chủ tịch EC đã tới Washington sau khi chính quyền Trump quyết định áp đặt các biện pháp hạn chế đối với thép và nhôm xuất khẩu của châu Âu, viện dẫn những quan ngại liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ. Trong tuyên bố chung, ông Juncker và và Tổng thống Trump nêu rõ “trong khi hai bên đang cùng nhau bàn bạc về vấn đề này, chúng tôi sẽ không đi ngược lại những gì đã tuyên bố, trừ khi một bên muốn chấm dứt đàm phán".

Một năm sau, các mức thuế đối với nhôm và thép vẫn còn hiệu lực và mối đe dọa về các biện pháp hạn chế mới đối với ô tô đang trở lên lớn hơn bao giờ hết. Bà Malmström cảnh báo EU sẵn sàng phản ứng với các biện pháp trả đũa, nhưng điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ thỏa thuận sẽ bị đe dọa.

Ngoài ra, tranh chấp kéo dài về chính sách trợ cấp bất hợp pháp cho Airbus và Boeing có thể kết thúc mà không được giải quyết, dẫn đến các biện pháp cứng rắn hơn từ cả hai bờ Đại Tây Dương. EU đang nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận nhằm ngăn ngừa nguy cơ leo thang xung đột trong vấn đề này với phía Mỹ./.

Tin mới lên