Tài chính

Những cái tên 'lỗ chồng lỗ' sau kiểm toán

Cứ mỗi khi công bố báo cáo kiểm toán, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết lại được dịp "nhảy múa". Trong khi nhiều doanh nghiệp lợi nhuận được điều chỉnh tăng thì không ít doanh nghiệp phải hứng chịu cảnh "lỗ chồng lỗ".

Những cái tên 'lỗ chồng lỗ' sau kiểm toán

Bệnh viện Giao thông Vận tải là đơn vị y tế công lập đầu tiên được chọn cổ phần hóa.

Nói về lỗ chồng thêm lỗ sau kiểm toán, không thể không nhắc tới trường hợp của “vua cá tra” Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG). Kỳ bán niên của HVG diễn ra từ 1/10/2017 đến 31/3/2018, Công ty đã ghi nhận lỗ hơn 264 tỷ đồng, nhưng khoản lỗ này phải tăng thêm 115 tỷ đồng sau kiểm toán, tức lỗ tổng cộng 377 tỷ đồng.

Theo đơn vị kiểm toán, nguyên nhân là do doanh thu trong kỳ của HVG bị điều chỉnh giảm hơn 323 tỷ đồng. Hạng mục lợi nhuận trong công ty liên kết đang từ lãi 11 tỷ đồng thành lỗ 11 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được điều chỉnh tăng mạnh.

Ngoài ra, kiểm toán cho biết lỗ lũy kế nửa niên độ 2017-2018 của HVG là 697,3 tỷ đồng, tổng nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 749,7 tỷ đồng. Các yếu tố này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Tới quý III/2018, tức kỳ kế toán 1/4/2018 - 30/6/2018, HVG tiếp tục chứng kiến một kỳ doanh thu sụt giảm mạnh (58%). Do đó, lợi nhuận sau thuế quý III chỉ đạt 13,6 tỷ đồng. Với kết quả này, lỗ lũy kế 9 tháng niên độ 2017-2018 của HVG giảm còn 366 tỷ đồng.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Bệnh viện Giao thông - Vận tải khi mức lỗ lũy kế 2 quý đầu năm 2018 tăng lên sau kiểm toán. Cụ thể, sau soát xét, chi phí giá vốn và chi phí quản lý của bệnh viện được điều chỉnh tăng, khiến lỗ sau thuế nâng từ 16 tỷ đồng lên 19 tỷ đồng.

Ngoài ra, phía kiểm toán còn đưa ra ý kiến nhấn mạnh đối với báo cáo tài chính bán niên của Bệnh viện khi tại ngày 30/6/2018, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 9,7 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cho kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2018 là âm 10 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tại thời điểm này là 76,8 tỷ đồng.

"Điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể khả năng hoạt động liên tục của đơn vị", kiểm toán lưu ý.

Bệnh viện Giao thông Vận tải là đơn vị y tế công lập đầu tiên được chọn cổ phần hóa. Tính tới cuối quý II/2018, Tập đoàn T&T đang nắm 51,43% vốn điều lệ, còn Bộ Giao thông Vận tải sở hữu 32,73% vốn. Có lẽ do kinh doanh thua lỗ nên Tập đoàn T&T đang tính tới phương án thoái toàn bộ vốn tại đây.

Tại Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng (ICG), kiểm toán đã thực hiện phân bổ lợi thế thương mại 6 tháng đầu năm 2018, kéo lợi nhuận của công ty giảm xuống. Cụ thể, trên báo cáo tài chính bán niên tự lập, ICG lỗ 5,7 tỷ đồng. Sau soát xét, khoản lỗ đã tăng lên 7,2 tỷ đồng.

Với Công ty Cổ phần An Trường An (ATG), kết quả đã quay "180 độ", khi đang từ có lãi trên báo cáo tự lập chuyển thành lỗ sau soát xét.

Theo phía kiểm toán, ATG phải trích thêm 5,4 tỷ đồng dự phòng khoản phải thu khó đòi đối với Công ty TNHH Khoáng sản và thương mại My Xuân. Trong phần thuyết minh, ATG cho rằng theo cam kết giữa ATG và Công ty My Xuân, khoản phải thu sẽ được thanh toán trong quý II/2018 nên tại quý này, ATG không xem xét tới việc trích lập dự phòng.

Bên cạnh đó, do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt, nên ATG đang từ lãi hơn trăm triệu đồng, trở thành lỗ 5,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018.

Thực tế, việc điều chỉnh lợi nhuận sau kỳ soát xét bán niên hay kiểm toán hàng năm là không hiếm đối với các doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, bên cạnh những sơ sót về mặt chuyên môn của bộ phận kế toán, thì câu hỏi về tính minh bạch của doanh nghiệp cũng được đặt ra, nhất là đối với những doanh nghiệp có "tiền sử" bị điều chỉnh lợi nhuận và có ý kiến ngoại trừ của bộ phận kiểm toán.

Đây cũng là lời cảnh báo tới một bộ phận nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, khi chỉ nhìn vào lợi nhuận tức thời trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh để quyết định xuống tiền mua cổ phiếu, mà thiếu sự nghiên cứu về tình hình hoạt động, "sức khỏe" tài chính thực sự của một doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, sau những lần lợi nhuận bị điều chỉnh theo chiều hướng giảm, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp thường sụt giảm mạnh, gây rủi ro cho nhà đầu tư.

Tin mới lên