Ngân hàng

Những cán bộ ngân hàng nào bị khởi tố cùng ông Trầm Bê?

(VNF) – Ngoài Trầm Bê và Phan Huy Khang – từng là cán bộ Sacombank thì trong danh sách 25 người bị khởi tố còn có 3 người từng là cán bộ TPBank và 3 người từng là cán bộ BIDV.

Những cán bộ ngân hàng nào bị khởi tố cùng ông Trầm Bê?

Trong khuôn khổ vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, cùng với việc bắt ông Trầm Bê – nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch hội đồng tín dụng Sacombank, cơ quan cảnh sát điều tra cũng bắt tạm giam 7 cán bộ ngân hàng khác.

Ông Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc Sacombank là người bắt "cùng đợt" với ông Trầm Bê. Các cán bộ khác bị khởi tố bao gồm 3 bị can từng công tác tại TPBank và 3 bị can từng công tác tại BIDV.

Cụ thể, về phía TPBank có bị can Đinh Việt Cường, nguyên Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp TPBank; Đặng Bích Thuỷ, nguyên Phó giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp TPBank; Đỗ Việt Vui, nguyên Trưởng nhóm khách hàng doanh nghiệp 1 TPBank.

Về phía BIDV có bị can Hoàng Long Hà, nguyên Phó giám đốc BIDV Chi nhánh Gia Định; Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên Trưởng phòng khách hàng 1 BIDV Chi nhánh Gia Định; Nguyễn Vũ Bảo nguyên cán bộ Phòng khách hàng BIDV Chi nhánh Gia Định.

Cán bộ TPBank liên quan thế nào tới vụ án Phạm Công Danh?

Trong tháng 5 và 6/2013, đại diện Ngân hàng Xây dựng (VNCB) là ông Phan Thành Mai – Tổng giám đốc VNCB và đại diện TPBank là Đinh Việt Cường - Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp đã ký kết 2 hợp đồng tiền gửi không kỳ hạn, mỗi hợp đồng trị giá 310 tỷ đồng, tổng cộng là 620 tỷ đồng. Ngày 29/11/2013, Phan Thành Mai ký thanh lý 2 hợp đồng trên để chuyển sang hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng.

Cũng trong tháng 10 - 12/2013, Phan Thành Mai và một lãnh đạo TPBank đã ký 7 hợp đồng tiền gửi kỳ hạn 3 tháng với tổng số tiền hơn 1.086 tỷ đồng.

Sau đó VNCB sử dụng các hợp đồng tiền gửi này làm tài sản bảo đảm để phát hành chứng thư bảo lãnh để đảm bảo cho 4 công ty và bảo lãnh cho 7 công ty khác vay tiền tại TPBank với số tiền gốc là 1.666,8 tỷ đồng.

Về việc cho 11 công ty vay 1.666,8 tỷ đồng, HĐQT TPBank không có chủ trương hay chỉ đạo từ trước mà chỉ thực hiện theo đề xuất từ dưới lên. Cụ thể là từ Khối Khách hàng Doanh nghiệp của TPBank. Các đơn vị kinh doanh này tiếp nhận hồ sơ xin vay vốn, thẩm định tính pháp lý, nhu cầu vay, phương án kinh doanh; Phòng Tái thẩm định kiểm soát đề xuất Uỷ ban Tín dụng xem xét, phê duyệt.

Việc cho 11 công ty vay được xác định là đúng quy định thông thường khi xem xét cấp tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp, không có cơ chế đặc thù nào.

TPBank đã thu hồi được đầy đủ toàn bộ số tiền mà 11 công ty nợ, TPBank không bị thiệt hại trong việc cho vay và thu hồi nợ vay trong trường hợp này.

Tính đến ngày 11/4/2014 tổng gốc và lãi của số tiền gửi của VNCB tại TPBank là 1.753,7 tỷ đồng. Trong khi số tiền phải trả (gốc và lãi) của 11 công ty là 1.740 tỷ đồng. TPBank đã chuyển trả số tiền còn lại là 13,7 tỷ đồng cho VNCB.

Căn cứ vào kết quả giám định của NHNN, việc bảo lãnh của VNCB cho 11 công ty vay vốn tại TPBank đã gây thiệt hại cho VNCB số tiền là 1.737 tỷ đồng.

Cán bộ BIDV liên quan thế nào?

Theo cơ quan điều tra, 3 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng BIDV Chi nhánh Gia Định gồm Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo (như đã đề cập phía trên) đã giúp cho Phạm Công Danh trong vụ ông Danh gửi hơn 3.000 tỷ đồng qua BIDV bằng hồ sơ vay vốn khống. Trong thương vụ này, ngân hàng BIDV bị thiệt hại 1.170 tỷ đồng.

Cụ thể, Phạm Công Danh chỉ đạo đồng phạm lập hồ sơ vay vốn khống (với số tiền 4.700 tỷ đồng) để thực hiện đề án tăng vốn điều lệ cho VNCB từ 3.000 tỷ đồng lên 4.700 tỷ đồng… bằng cách gửi tiền sang BIDV hơn 3.000 tỷ đồng để cầm cố bảo lãnh và trả nợ các khoản vay của 12 công ty do bị can Danh lập. Hành vi này gây thiệt hại hơn 2.550 tỷ đồng của VNCB.

Ngoài các cán bộ ngân hàng, cơ quan điều tra còn khởi tố một loạt lãnh đạo các công ty liên quan đến Phạm Công Danh, bao gồm: Vũ Viết Minh Quân, nguyên Giám đốc Công ty Long Khánh; Nguyễn Tiến Dũng nguyên Giám đốc Công ty Thịnh Phát; Phạm Hoài Thanh, nguyên Giám đốc Công ty Thạch Hà; Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty An Phát; Hà Văn Bình nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Đại phát Việt Nam; Đỗ Phương Nam nguyên Phó giám đốc Công ty Đại Phát Việt Nam.

Thêm vào đó là các bị can Nguyễn Thế Linh nguyên TGĐ Công ty Thuận Phát; Lê Duy Thọ nguyên Giám đốc Công ty Kỳ Nam; Ong Khắc Chung nguyên Giám đốc Công ty Khánh Chi; Trần Quang Huy nguyên Giám đốc Công ty Toàn Phát; Đỗ Minh Thuỷ, nguyên Giám đốc Công ty Đức Long; Nguyễn Quốc Thịnh, nguyên Giám đốc Công ty Thịnh Quốc.

Cuối cùng trong danh sách 25 người bị khởi tố là các bị can Nguyễn Ngọc Thái nguyên Giám đốc Công ty Quốc Thắng; Lê Văn Tuân nguyên Giám đốc Công ty Thiên Trang Phạm; Nguyễn Thị Kim Vân nguyên Giám đốc Công ty Hương Việt; Nguyễn Việt Hà nguyên TGĐ Quỹ Lộc Việt và Nguyễn Thị Cẩm Vân nguyên nhân viên Công ty Quỹ Lộc Việt.

Tin mới lên