Tài chính

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ sau ĐHCĐ Vinaconex 2020

(VNF) - Nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ sau đại hội cổ đông thường niên Vinaconex năm 2020.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ sau ĐHCĐ Vinaconex 2020

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ sau ĐHCĐ Vinaconex 2020

Phiên thảo luận tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG) được Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh chủ trì diễn ra trong khoảng 30 phút dường như không đủ làm thỏa mãn nhiều cổ đông. Đáng chú ý, một cổ đông đứng lên yêu cầu được phát biểu ý kiến nhưng Chủ tịch Đào Ngọc Thanh không chấp thuận, ông cho biết "chỉ trả lời theo phiếu đăng ký".

Một cổ đông khác cũng giơ phiếu biểu quyết lên đề nghị được phát biểu theo tinh thần chia sẻ cũng không được chủ tọa cho phép, vì vậy mà thay vào đó, cổ đông này đề nghị Chủ tịch Vinaconex trả lời rõ hơn các câu hỏi ghi trong phiếu đăng ký. Tuy nhiên, phần trả lời bổ sung cũng nhanh chóng kết thúc.

Tại đại hội, 2 cổ đông lớn là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, sở hữu 28,85% tổng số cổ phần của Vinaconex, đã có văn bản yêu cầu chất vấn đối với HĐQT, Ban điều hành và Ban kiểm soát Vinaconex.

Các cổ đông này yêu cầu các nội dung chất vấn trong văn bản phải được ghi chép đầy đủ vào Biên bản họp ĐHCĐ và lưu hồ sơ đại hội.

Về tình hình tài chính và kinh doanh của Vinaconex, các cổ đông này đặt câu hỏi vì sao hoạt động xây lắp là mảng kinh doanh cốt lõi của tổng công ty nhưng lợi nhuận lại đạt thấp, ước tính chỉ khoảng 73 tỷ đồng; đồng thời yêu cầu ban điều hành giải trình rõ chỉ tiêu lợi nhuận từ mảng xây lắp và các mảng kinh doanh khác trong cơ cấu lợi nhuận của Vinaconex năm 2020.

Văn bản cũng yêu cầu HĐQT và Ban điều hành giải trình rõ nguyên nhân dòng tiền âm gia tăng một cách "bất thường" trong năm 2019 (theo BCTC riêng thì dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty mẹ từ âm 285 tỷ năm 2018 lên thành âm 1.123 tỷ năm 2019; còn theo BCTC hợp nhất thì dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của toàn tổng công ty từ âm 50 tỷ năm 2018 lên thành âm 1.493 tỷ năm 2019); thêm vào đó, yêu cầu giải trình số tiền này đi đâu.

Ngoài ra, nhóm cổ đông cũng chất vấn về nợ vay và các khoản phải thu của Vinaconex.

Liên quan đến các khoản góp vốn, hợp tác đầu tư, các cổ đông Cưỡng Vũ - Star Invest cho biết ngày 23/8/2019, Vinaconex đã ban hành Quyết định số 0586/2019/QĐ-HĐQT ngày 23/8/2019 về việc “Phê duyệt phương án hợp tác đầu tư Dự án Xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hòa Phú tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang”, theo đó tổng công ty góp vốn 869 tỷ đồng vào dự án trên (chiếm tỷ lệ 45%), nhưng lại ủy quyền hoàn toàn cho Công ty TNHH Hòa Phú Invest (chủ đầu tư) được chủ động triển khai dự án.

"Tổng công ty không tham gia quản lý, điều hành dự án, đồng thời không có các biện pháp bảo đảm an toàn cũng như kiểm soát việc sử dụng vốn của chủ đầu tư. Chúng tôi đề nghị HĐQT báo cáo về hiệu quả và việc quản lý vốn tại dự án này", văn bản chất vấn nêu.

Về khoản đầu tư mua trái phiếu chuyển đổi của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (“Vinaconex ITC”), nhóm cổ đông lớn đặt câu hỏi: "Tại sao HĐQT lại thông qua quyết định phát hành tăng vốn điều lệ của Vinaconex ITC lên 1.800 tỷ đồng và quyết định Tổng công ty không đăng ký mua cổ phần phát hành thêm, khiến tỷ lệ sở hữu cổ phần của Tổng công ty tại Vinaconex ITC từ mức chi phối 53,55% giảm xuống còn 36% (tính cả số cổ phiếu được chuyển đổi từ trái phiếu), qua đó làm mất quyền chi phối của Tổng công ty đối với Dự án Cát Bà Amatina?".

Thêm vào đó, vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thông báo quyết định hủy niêm yết cổ phiếu của Vinaconex ICT (mã cổ phiếu: VCR) trên sàn HNX kể từ ngày 5/5/2020, do công ty thua lỗ 3 năm liên tiếp (2017-2019) với số lỗ lũy kế là 215 tỷ đồng. Nhóm cổ đông lớn yêu cầu HĐQT, Ban điều hành và Ban kiểm soát Vinaconex giải trình về vấn đề này.

"Dự án Vinata Tower tại đường Khuất Duy Tiến, quận Cầu Giấy, Hà Nội do Vinaconex làm chủ đầu tư đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng. Chúng tôi yêu cầu HĐQT và Ban điều hành báo cáo giải trình với ĐHCĐ về hiệu quả đầu tư dự án này", văn bản nêu thêm.

Trong văn bản gửi đến đại hội, các cổ đông tiếp tục yêu cầu HĐQT Vinaconex sửa đổi Quy chế tổ chức hoạt động của HĐQT và Quy chế tài chính của tổng công ty.

Đáng chú ý, liên quan đến tờ trình về việc tái cấu trúc phần vốn của Vinaconex tại Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) - chủ đầu tư dự án Splendora, văn bản từ nhóm cổ đông lớn trên cho hay theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, Điều lệ của An Khánh JVC cũng như thỏa thuận tài trợ vốn giữa Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long và Anh Khánh JVC thì Phú Long là bên được quyền ưu tiên nhận chuyển nhượng phần vốn góp của tổng công ty trong mọi trường hợp.

"Việc chuyển nhượng phần vốn góp của Tổng công ty cho nhà đầu tư khác khi không có sự đồng ý của nhà đầu tư còn lại là trái pháp luật và sẽ bị vô hiệu", văn bản khẳng định.

Tin mới lên