Tài chính tiêu dùng

Những doanh nghiệp bảo hiểm nào lọt top uy tín năm 2020?

(VNF) - Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa chính thức công bố danh sách Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2020.

Uy tín của các công ty bảo hiểm được đánh giá khách quan và độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá năng lực tài chính doanh nghiệp; đánh giá uy tín doanh nghiệp trên truyền thông theo phương pháp Media coding; và khảo sát khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và chuyên gia trong ngành được thực hiện trong tháng 6/2020. 

Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2020 được công bố theo 2 danh sách: Top 10 Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín và Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2020.

Theo đó, danh sách Top 10 Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín năm 2020 gồm có: Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, Công ty TNHH Manulife Việt Nam,…

Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2020 bao gồm các doanh nghiệp gồm: Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty Bảo hiểm PVI, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện,…

Cũng như nhiều ngành kinh tế khác, khảo sát của Vietnam Report đánh giá tác động của Covid-19 đến DNBH cho thấy dịch bệnh khiến lãnh đạo các DNBH phải xem xét, đánh giá lại mô hình hoạt động, phân phối của họ qua ba khía cạnh: khách hàng, lực lượng bán hàng và hỗ trợ (như đầu tư vào dữ liệu và công cụ kỹ thuật số), điều này giúp cho DNBH có thể chuẩn bị cho những rủi ro không thể đoán trước.

Cụ thể, hơn một nửa số DNBH cho biết các quyết định liên quan đến quản trị rủi ro, quản trị nhân lực, quản lý dịch vụ và hỗ trợ khách hàng, tiếp cận khách hàng và chuyển đổi số đang từng bước thay đổi cùng với sự bùng phát của dịch bệnh.

Đặc thù của ngành bảo hiểm là bán “niềm tin” về việc được bảo vệ khi xảy ra rủi ro trong tương lai nên các kênh bán hàng offline hiện vẫn chiếm đa số trong mạng lưới phân phối của các DNBH và là cách thức mà 75% khách hàng tương tác với DNBH (theo khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report).

Mặc dù vậy, thị trường bảo hiểm Việt Nam được dự báo tiếp tục giữ vững “phong độ” tăng trưởng trên 20% trong năm 2020. Xét trong ngắn hạn, khảo sát các DNBH do Vietnam Report thực hiện tháng 6/2020 chỉ ra có đến 90,5% số doanh nghiệp lạc quan về triển vọng toàn ngành bảo hiểm trong 6 tháng cuối năm 2020.

Khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra top 3 cơ hội lớn nhất của ngành bảo hiểm trong thời gian tới bao gồm: công nghệ phát triển mạnh mẽ, ứng dụng trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị bảo hiểm; nhận thức và hiểu biết của người dân về bảo hiểm ngày càng được cải thiện và triển vọng kinh tế vĩ mô phục hồi và bước vào giai đoạn “bình thường mới”.

Mặc dù vậy, các DNBH cũng phải đối mặt với khá nhiều thách thức, trong đó nổi bật lên 4 thách thức chính là cạnh tranh trong ngành càng gia tăng; rủi ro từ yếu tố thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có hiểu biết rõ ràng về thị trường bảo hiểm; hạ tầng công nghệ thông tin bất cập.

Trong các kênh phân phối bảo hiểm phổ biến nhất, mô hình kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) được dự báo là kênh tiềm năng với sự tăng trưởng mạnh mẽ, bùng nổ trong năm 2019 với những thương vụ hợp tác quy mô lớn và tỷ trọng trong tổng doanh thu tăng vọt. Các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định xu hướng phát triển bancassurance sẽ ngày càng nóng hơn và thu hút nhiều khoản đầu tư lớn.

Thêm nữa, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc triển khai bancassurance cần phải được thiết lập dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và những doanh nghiệp mạnh về công nghệ sẽ có ưu thế trong việc triển khai thành công kênh phân phối này.

Tuy nhiên, bancassurance hiện vẫn chưa giải quyết tốt 2 vấn đề, đó là tỷ lệ hủy hợp đồng năm thứ 2 của khách hàng cao do nhân viên ngân hàng bị áp chỉ tiêu, đồng thời mức phí cắt lại cho ngân hàng quá lớn, khiến công ty bảo hiểm không có lời cho các vụ hợp tác này.

Các chuyên gia trong ngành cũng cảnh báo, kênh bancassurance tương tự như kênh đại lý, sẽ nhanh chóng cạn dư địa thuận lợi, chỉ còn lượng khách khó khai thác. Khi đó, nếu chất lượng đội ngũ bán hàng không đủ tốt để khai thác sâu sẽ dẫn tới doanh thu khai thác mới đến từ kênh này sẽ sụt giảm.

Bên cạnh đó, hợp tác giữa hai lĩnh vực thương mại điện tử và bảo hiểm giúp đẩy mạnh kênh bán bảo hiểm online, giúp người dùng chủ động tiếp cận sản phẩm, dịch vụ.

Tin mới lên