Tài chính quốc tế

Những doanh nghiệp chịu thiệt hại nhiều nhất từ căng thẳng Nga-Ukraine

Theo các chuyên gia, những công ty quốc tế có sự hiện diện lớn ở Nga đang như “ngồi trên đống lửa,” khi họ phải hứng chịu lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phía các nước phương Tây.

Những doanh nghiệp chịu thiệt hại nhiều nhất từ căng thẳng Nga-Ukraine

Lính cứu hoả dập lửa toà nhà chung cư bị phá hủy ở Koshytsa, ngoại ô thủ đô Kiev, trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, ngày 25/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giữa bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine đang ngày một nóng, các thị trường tài chính của Nga đã “rung chuyển.” Thị trường chứng khoán và tiền tệ của nước này đã sụt giảm mạnh trong tuần kết thúc ngày 25/2, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định mở một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Tuy nhiên, tác động tiêu cực không chỉ xảy ra ở Nga. Theo các chuyên gia, những công ty quốc tế có sự hiện diện lớn ở Nga cũng đang như “ngồi trên đống lửa,” khi họ phải hứng chịu lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phía các nước phương Tây.

Các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các quốc gia châu Âu đã được tăng cường hôm 24/2, khi các nhà lãnh đạo phương Tây lên án hành động của Nga. Cùng ngày, Tổng thống Putin cảnh báo các lãnh đạo doanh nghiệp Nga rằng ông dự kiến nền kinh tế sẽ trải qua "những hạn chế" nhất định và kêu gọi các doanh nghiệp "đoàn kết" với chính phủ.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia kinh tế đã nêu tên những công ty có sự hiện diện đáng kể ở Nga, được cho là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc xung đột đang diễn ra.

Từ các doanh nghiệp ở châu Âu

Đầu tiên là tại châu Âu. BASF, một nhà sản xuất hóa chất Đức và đồng sở hữu công ty sản xuất dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn nhất nước này Wintershall Dea (cùng với doanh nghiệp đầu tư quốc tế LetterOne), là một trong những đơn vị hỗ trợ tài chính cho đường dự án ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) vừa bị đình chỉ.

BASF, cùng với LetterOne của tỷ phú Nga Mikhail Fridman, là một trong những cái tên đầu tiên được nhắc đến khi giới quan sát điểm danh các “nạn nhân” của căng thẳng Nga-Ukraine. Được biết, 1% doanh số bán hàng của LetterOne được tạo ra tại Nga.

Nhà sản xuất hóa chất Đức BASF là một trong những cái tên đầu tiên được nhắc đến khi giới quan sát điểm danh các nạn nhân của căng thẳng Nga-Ukraine. (Nguồn: rigzone.com)

Tại Vương quốc Anh, tập đoàn dầu khí BP là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga, với 19,75% cổ phần tại công ty dầu khí quốc gia Nga Rosneft. BP cũng nắm giữ cổ phần trong một số dự án dầu khí khác ở Nga.

Ngoài BP, các “ông lớn” dầu mỏ khác như Shell và TotalEnergies cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng. Shell sở hữu 27,5% cổ phần của dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhali-2, có công suất hàng năm là 10,9 triệu tấn LNG và được vận hành bởi tập đoàn khí đốt Nga Gazprom. Shell cũng là một trong 5 nhà đồng tài trợ của Nord Stream 2.

Trong khi đó, tập đoàn dầu khí Pháp TotalEnergies là một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở Nga với 19,4% cổ phần trong nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai của Nga Novatek, 20% cổ phần trong liên doanh Yamal LNG, 21,6% cổ phần trong dự án Arctic LNG 2, 20% cổ phần trong mỏ dầu Kharyaga và nắm giữ nhiều cổ phần khác nhau trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, lọc dầu và hóa chất của Nga.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Đức Uniper có khoản đầu tư 1 tỷ USD vào Nord Stream 2, cùng với 5 nhà máy điện ở Nga với tổng công suất 11,2 GW, cung cấp khoảng 5% tổng nhu cầu năng lượng của Nga. Uniper cũng là đơn vị nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu.

Tiếp đến là thương hiệu nước ngọt đóng chai hàng đầu thế giới Coca-Cola (Coke) HBC. Công ty được niêm yết tại London này đã cung cấp Coke cho Nga, Ukraine và phần lớn khu vực Trung, Đông Âu. Coca-Cola coi Nga là một trong những thị trường lớn nhất và công ty này hiện đang tạo việc làm cho 7.000 nhân viên tại nước này.

Tại Pháp, nhà sản xuất sữa chua Danone sở hữu thương hiệu sữa Nga Prostokvanhino và thu về 6% tổng doanh thu từ nước này, trong khi công ty điện lực đa quốc gia Engie cũng là một trong 5 nhà đồng tài trợ cho dự án Nord Stream 2 của Gazprom.

Cái tên tiếp theo được điểm danh là tập đoàn bán lẻ Metro của Đức, nơi đang sử dụng đến 10.000 nhân lực Nga và phục vụ 2,5 triệu người tiêu dùng của nước này, và công ty hàng tiêu dùng Nestle của Thụy Sĩ. Nestle có 6 nhà máy đang hoạt động ở Nga vào năm 2020, bao gồm các nhà máy sản xuất bánh kẹo và đồ uống. Doanh số bán hàng trong năm 2020 tại Nga của Nestle trị giá khoảng 1,7 tỷ USD.

Các hãng sản xuất công nghiệp cũng chịu ảnh hưởng nhất định. Hãng xe Pháp Renault có 69% cổ phần trong liên doanh Avtovaz của Nga, công ty đứng sau thương hiệu xe hơi Lada và bán hơn 90% sản lượng xe hơi tại nước này.

Trong khi đó, thương hiệu đình đám Rolls-Royce cho biết mặc dù thị trường Nga đóng góp chưa đến 2% tổng doanh thu của hãng song 20% số titanium được sử dụng để chế tạo các bộ phận động cơ và thiết bị hạ cánh cho các máy bay phản lực đường dài của hãng này, lại đến từ “xứ Bạch Dương.”

Đến các doanh nghiệp tại Mỹ

Đã có những ý kiến cho rằng kinh tế Mỹ sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều từ căng thẳng Nga-Ukraine. Tuy nhiên, nếu nhìn vào từng tế bào doanh nghiệp thì điều này chưa hẳn là đúng.

Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ ExxonMobil của Mỹ hiện đang sử dụng hơn 1.000 nhân viên tại Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

ExxonMobil, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Mỹ, hiện đang sử dụng hơn 1.000 nhân viên tại Nga và đã hoạt động tại nước này trong hơn 25 năm. Công ty con của ExxonMobil, Exxon Neftegas Limited (ENL), có 30% cổ phần trong Sakhalin 1 - một dự án dầu khí tự nhiên rộng lớn nằm ngoài khơi đảo Sakhalin ở vùng Viễn Đông của Nga.

Trong lĩnh vực thực phẩm, McDonald's, chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh đã phân loại Nga là thị trường tăng trưởng cao và đã liên tục mở các địa điểm mới tại nước này trong suốt thập kỷ qua. Trong khi đó, Mondelez, nhà sản xuất thương hiệu bánh Oreo và chủ sở hữu của Cadbury đã trở thành nhà sản xuất sô cô la hàng đầu ở Nga vào năm 2018.

Và châu Á

Tại châu Á, cũng nằm trong tầm ảnh hưởng là nhà sản xuất ôtô đa quốc gia Mitsubishi. Nhà sản xuất Nhật Bản thực hiện phân phối xe Mitsubishi Motor thông qua 141 đại lý ở Nga và có cổ phần trong dự án phát triển dầu khí Sakhalin II, cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho Nhật Bản. Mitsubishi cũng cung cấp thiết bị nhà máy điện và máy móc khác cho Nga.

Nhà sản xuất Nhật Bản Mitsubishi thực hiện phân phối xe thông qua 141 đại lý ở Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cùng với Mitsubishi, Toyota cũng sở hữu nhà máy ở Saint Petersburg (Nga), trong đó sản xuất xe Camry và Rav4. Toyota cũng có văn phòng kinh doanh ở Moskva và cung cấp việc làm cho khoảng 2.600 nhân viên, bao gồm 26 công dân Nhật Bản, tại nước này.

Cuối cùng là tập đoàn SBI, với ngân hàng SBI, được thành lập gần ba thập kỷ trước, cung cấp các dịch vụ và khoản vay cho các công ty Nhật Bản đang mở rộng hoạt động tại Nga.

Tin mới lên