Tiêu điểm

Những loại phí, thuế nào thực sự đè nặng lên 'đôi cánh' hàng không?

(VNF) - Theo tìm hiểu của VietnamFinance, tính sơ bộ trong năm 2019, ba hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo đã nộp các loại phí (trực và gián tiếp) khoảng 12,7 ngàn tỷ đồng. Trong lĩnh vực thuế, các hãng hàng không Việt cũng nộp tới 10.000 tỷ đồng. Trong khi, những hỗ trợ từ các loại thuế, phí được các ban ngành đưa ra nhằm hỗ trợ trong hàng không lại quá ít ỏi.

Những loại phí, thuế nào thực sự đè nặng lên 'đôi cánh' hàng không?

Hàng không được hỗ trợ gì?

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, để hỗ trợ hàng không trong bối cảnh dịch Covid-19 tàn phá nặng nề, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã kiến nghị Chính phủ cho phép ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không Việt Nam như: áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa kể từ ngày 1/3 đến hết ngày 31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.

Cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ 1/3 đến hết ngày 31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Việc này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng không thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác.

Bộ Giao thông vận tải đề nghị Chỉnh phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét hỗ trợ: miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng. 

Trường hợp ngân sách gặp khó khăn thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.

Kiến nghị cho phép điều chỉnh dự toán nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không.

Nhằm chia sẻ với doanh nghiệp, các hãng hàng không trước khó khăn chung do dịch bệnh Covid-19, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng quyết định giảm giá 7 dịch vụ cho tất cả các hãng hàng không. 

Cụ thể, ACV sẽ giảm 50% dịch vụ dẫn tàu bay, 10% dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất, giảm 10%.

Còn đối với dịch vụ thuê văn phòng đại diện, các hãng hàng không dừng bay sẽ được miễn 100%, các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức tối đa theo quy định của nhà nước là 30%. 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VietnamFinance, các mức phí, thuế cao nhất, thiết thực nhất mà các hãng mong muốn thì lại không được giảm.

Loại phí nào cần giảm nhất?

Theo thống kê năm 2019, chỉ tính riêng ba hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đã phải nộp các loại phí (trực và gián tiếp) khoảng 12,7 ngàn tỷ đồng, trung bình nộp 34,7 tỷ đồng phí/ngày (gồm 16 loại phí theo thông tư 53 và một số khoản phí dịch vụ của ACV).

Trong đó Vietnam Airlines đã nộp trung bình 16,4 tỷ đồng/ngày; Vietjet nộp trung bình 15,6 tỷ đồng/ngày. Vietnam Airline nộp phí nhỉnh hơn Vietjet do nhiều tàu bay thân rộng trọng tải lớn và bay nhiều chuyến quốc tế hơn.

Trong bối cảnh Covid-19 tàn phá nặng nề ngành hàng không, Chính phủ, các Bộ ngành và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có hỗ trợ một số loại phí và thuế cho các hãng. Tuy nhiên, các hãng cho rằng, mức hỗ trợ chưa thực sự phát huy tác dụng.

Ví dụ: theo đề nghị của Bộ GTVT sẽ giảm còn 0 đồng trong 3 tháng đối với 11/16 loại phí do nhà nước quy định khung giá (Quy định tại thông tư 53/2019) thì theo ước tính, các hãng hàng không chỉ tiết giảm được tổng cộng chưa đến 100 tỷ đồng. Chia ra, mỗi hãng chỉ tiết giảm được vài chục tỷ đồng trong năm nay. ·

Hay như đối với phí cất hạ cánh và điều hành bay (thuộc 2/5 loại phí do Nhà nước Quy định mức giá như thông tư 53/2019). Các hãng hàng không Việt đang phải nộp 2 loại phí này trên 3.000 tỷ đồng/năm, tương đương 8,2 tỷ đồng/ngày.

Nếu giảm 50% trong 3 tháng đối với các tuyến bay nội địa theo phương án đề xuất của Bộ GTVT thì các hãng chỉ tiết giảm được khoảng 200 tỷ đồng trong năm nay (vì phí cất hạ cánh và điều hành bay đối với bay quốc tế cao hơn nội địa). Như vậy, chia bình quân, mỗi hãng hàng không chỉ tiết giảm được vài chục tỷ đồng trong năm nay. Trong khi đó, các khoản phí lớn khác không được giảm.

Chia sẻ với VietnamFinance, các hãng hàng không cho biết: "Thực tế, chúng tôi mong muốn được giảm 50% đối với 2 loại phí như: phí cất hạ cánh; phí điều hành bay trong cả năm 2020 (như vậy dự báo mới tiết giảm được 1.500 tỷ đồng). Đồng thời, được miễn phí bãi đỗ trong năm 2020.

Ngoài ra, để kích cầu nội địa khi hết dịch, đề nghị miễn phí phục vụ hành khách đối với các chuyến bay nội địa và giảm 50% đối với các chuyến bay quốc tế trong 12 tháng. Hiện loại phí này đang trên 10.000 tỷ đồng/năm, các hãng hàng không thu hộ qua vé cho ACV. Nếu được miễn, giảm, khách bay trực tiếp được hưởng lợi.

Các hãng bay cũng mong muốn được giảm 50% trong 12 tháng đối với các loại phí dịch vụ mặt đất thuộc thẩm quyền của ACV và đơn vị thành viên ACV. Ngoài ra, để giảm khó khăn, các hãng mong muốn được gia hạn thanh toán 3 tháng.

Hàng không mong muốn giảm loại thuế nào?

Theo thống kê, trong năm 2019, các hãng hàng không Việt đã nộp các loại thuế tổng cộng khoảng 10.000 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày nộp 27,3 tỷ đồng tiền thuế.

Trong đó riêng thuế bảo vệ môi trường các hãng đang nộp trên dưới 5.000 tỷ đồng/năm, trong đó Vietnam Airlines khoảng 2.400 tỷ, Vietjet là 1.700 tỷ, còn lại là Bamboo Airways. Hiện các hãng hàng không đang đề nghị được miễn loại thuế này trong 12 tháng.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, có sự chênh lệch thuế bảo vệ môi trường lớn giữa Vietnam Airlines và Vietjet là do Vietnam Airlines dùng nhiều máy bay thân rộng còn Vietjet 100% thân hẹp, đời mới, tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải. 

Hiện một số nước như Thái Lan đã giảm 96% các loại thuế trong năm nay cho các hãng bay. Vì thế, các hãng hàng không Việt cũng mong muốn được giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp, đều là 2 loại thuế có số phải nộp hàng năm rất lớn.

Trao đổi với VietnamFinance về nguyên vọng giảm phí, thuế của các doanh nghiệp hàng không, PGS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: "Những mong đợi đó là chính đáng. Việc nhiều doanh nghiệp hàng không phải "xin" Chính phủ, chứng tỏ tình hình chung đang nghiêm trọng tới mức việc giải quyết vượt quá khả năng của họ".

"Tôi nghĩ, trong điều kiện khó khăn của ngân sách, Chính phủ đang nỗ lực giúp doanh nghiệp. Nhưng chắc chắn Chính phủ không thể đáp ứng hết yêu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những gì hợp lý cũng nên cân nhắc để đảm bảo phục hồi những ngành chủ lực, đó cũng là đòn bẩy để phát triển kinh tế, du lịch".

Tin mới lên