Diễn đàn VNF

Những 'nhà kinh doanh kiêm nghệ sỹ'

(VNF) - Tôi có thói quen, kể từ ngày làm ăn phát đạt, cứ sau bốn giờ chiều, thu xong tiền giao cho bà xã, số lẻ nhét vô túi, khi dăm bảy chục, lúc đôi ba trăm ngàn, thế là tếch đến các tụ điểm bia hơi, gặp bạn nhậu. Trong số bạn ngày càng đông lên ấy, tôi đặc biệt thích tính nhà báo Trần Tương Xứng, người giữ mục: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” của báo “Bông Đùa”, một tờ phụ san của báo “Sức Khỏe”, chỉ lấy vui làm gốc, nhằm đáp ứng mục tiêu “lấy phụ nuôi chính”, “lấy bông phèng nuôi nghiêm túc”, theo cách giải thích của anh.

Văn chương nghệ thuật báo chí xưa nay đối với tôi, đúng là chỉ có tác dụng vui vẻ, giải trí. Đó là món gia vị cho đời sống tinh thần. Thiếu nó chẳng quan trọng gì lắm. Khi đời sống còn khó khăn thì mấy ai để ý tới văn nghệ văn gừng? Nhưng lúc ăn nên làm ra, có tiền túi trong, túi ngoài, thiếu cái khoản ấy thì cuộc sống tẻ nhạt biết chừng nào? Thành thử, sau các cuộc làm ăn, tôi luôn nhớ tới Trần Tương Xứng, một cái tên ngồ ngộ với một cá tính ngồ ngộ. Anh ta sống bằng nghề viết báo tự do, với những bài, những tin bông phèng, cũng ngồ ngộ, vui vui, không hại ai, không làm mếch lòng ai. Trong bàn bia, anh ngồi như một triết gia khi mới uống. Nhưng khi đã vô dăm li thì anh “cướp diễn đàn” liền. Vấn đề gì anh cũng tham gia bàn luận được, và cuối cùng thế nào anh cũng phải thắng!

Ấy thế mà bẵng đi có tới mấy tháng nay chẳng thấy Trần tiên sinh tới tụ điểm Cây Si? Hay là bia Cây Si dạo này hạ cấp? - Tôi tự hỏi. Điều ấy có lẽ không phải, vì tụ điểm vẫn đông, các bạn uống của tôi vẫn thấy bia chất lượng. Và với mọi người, tôi để ý, không thấy ai có vẻ gì khác hay thay đổi. Nhưng vắng Trần Tương Xứng là tôi cảm thấy hẫng hụt. Có lẽ anh mắc chuyện gì đó không bình thường. Cũng có thể anh đi đâu đó, vì cái nghề báo là chúa hay đi. Nhưng số báo nào của anh mới ra, tôi cũng tìm đọc, vẫn thấy mục của anh, bài của anh, tên anh lên đều đều. Tôi bèn tới toà báo tìm.

Té ra, anh bạn tôi đang bận đi làm phim, một bộ phim hài video do anh là tác giả kịch bản. Tôi càng phục anh bạn tôi lắm tài. Anh dẫn tôi tới phim trường, gặp nhà đạo diễn. Ông này bé quắt, tính lại cáu bẳn, chẳng hiểu nghệ thuật làm sao mà tìm được chỗ trú ngụ trong con người dị dạng này? Nhưng đó là nhận xét thiển cận của tôi. Tôi ngồi chờ cho mãn cuộc rồi mời Trần Tương Xứng cùng ngài đạo diễn đi ăn tối ở quán “Cây Còn”.

Lúc về Trần Tương Xứng bảo tôi:

- Biết thế này, mình chẳng thèm làm nghề nhà báo con mọn nữa.

- Sao vậy? - Tôi hỏi.

- Sao gì? Làm phim hài có tiền hơn, lại nhàn nhã, lại vui vẻ.

Tôi có hơi ngỡ ngàng, hỏi tiếp anh:

- Thế phi vụ này ông được bao nhiêu?

- Một trăm triệu tiền kịch bản, viết trong ba ngày, chỉ cần trích từ các bài báo hài lâu nay của mình ra, mô li phê chút đỉnh rồi kết nối lại thành ra kịch bản...

- Ai trả tiền ấy?

- Nhà sản xuất.

- Cụ thể là ai?

- Chịu. Một vị đại gia nào đó là bạn bè cánh hẩu với tay đạo diễn.

- Vậy ông có biết họ lời lãi khá không?

- Chịu. Mà dấy là việc của họ, mình quan tâm làm gì.

- Ấy chết - Tôi nói - Thời cơ chế thị trường mà ông nói thế là vô trách nhiệm với sức lao động của mình.

Trần Tương Xứng sững lại một chút nhìn tôi, nói hờ hững :

- Có cái hàng trăm triệu, còn tuỳ đầu ra. Tay này gớm lắm.

Tôi bắt đầu cảm thấy có vấn đề.

- Chi phí hết bao nhiêu cho một bộ phim?

- Cũng tuỳ - Trần Tương Xứng hình như phát hiện được sự tò mò thái quá của tôi có vẻ bất bình thường, nên nói qua loa vậy. Rồi anh buông thêm một câu – “Tiền nào của nấy”, đó là khẩu hiệu làm ăn thời kinh tế mở!

- Nhất trí - Tôi nói - Ông để ý giùm tôi coi các khoản chi, rồi ta sẽ tính chuyện này sau nhé.

Một tuần trôi qua, gặp anh lại nơi tụ điểm “Cây Si”, Trần Tương Xứng than phiền với tôi rằng, chỉ vì không có vốn mà phải đi làm thuê, nhiều lúc tức anh ách. Rằng làm phim video hài chẳng qua cũng giống như làm nước ngọt có ga, ga càng nhiều, người uống càng ham. Rằng thứ “mì ăn liền” này, anh có thể “chế biến” mỗi tuần một kịch bản.

Tối ấy về nhà, tôi cảm thấy phía trước mặt tôi đang hừng lên một chân trời mới. Và tôi quyết định ngay trong đêm việc bỏ vốn ra kết hợp cùng Trần Tương Xứng làm phim. Đúng, nhất thiết phải hài. Cuộc sống bình dân trăm điều bề bộn, nhất thiết phải được động viên bằng những trò hài hước. Mà làm ăn kết hợp với Trần Tương Xứng tức là kết hợp với bạn bè, không phải lo đề phòng. Nhưng còn khâu đạo diễn? Còn vấn đề đầu ra?

Trần Tương Xứng bảo tôi rằng, anh có thể lo được cả, từ giấy phép tới đạo diễn, diễn viên là các danh hài, còn đầu ra thì... để anh hỏi cái đã.

Ba ngày sau, anh tuyên bố, kể cả đầu ra anh cũng lo được, miễn là tôi có vốn.

Thế thì còn chần chừ làm gì nữa? Chúng tôi bắt đầu ra tay, quyết thực hiện phương châm “đầu xuôi đuôi lọt”, không để khâu nào trục trặc.

***

Ở đời kể cũng lắm chuyện hay! Có những công việc càng làm càng thấy khó. Lại cũng có những công việc càng làm càng thấy dễ. Dễ đến ngơ ngác! Hai việc làm trong cái năm Dần của tôi, mới đầu chỉ là tình cờ, nhưng mạnh dạn “bập vô”, đầu tư cho thích đáng là thấy có ăn liền. Tất nhiên tôi được đà dấn tới, càng dấn tới lại càng cảm thấy có cái gì đó tựa như định mệnh.

Việc thứ nhất, cái “xưởng” chế biến nước ngọt có ga của tôi, mới đầu là một mảnh đất đầu thừa đuôi thẹo của phường bỏ không lâu nay, tôi đặt vấn đề “thuê “ lại với giá nội bộ, ấy là cách nói của các vị cán bộ, họ có món tiền ngoài sổ sách, hai bên cùng có lợi. Tưởng làm ăn nhỏ khó khăn phức tạp, ai ngờ tôi làm tới đâu, được tới đó. Sau ba tháng đầu hè năm vừa qua, tôi thu được một khoản tiền lớn hơn dự định. Mấy tay “tinh tướng” quanh phường dèm pha, yêu cầu đem đấu giá cho thuê mặt bằng rõ ràng, công khai. OK, tôi thắng cuộc. Thực ra có hơn hai chục mét vuông làm một cái phòng cạnh phường, chả ma nào xen vào cạnh tranh với tôi, coi như tôi thắng cuộc vì chỉ có mình tôi độc diễn. Cái đám đất của nhà nước to đùng bên cạnh phường tôi cỏ mọc hoang nhiều năm, nay có một công trình xây dựng gì khá to, tôi thấy công nhân tập kết về ngày càng nhiều. Tôi thấy mình gặp may, mới đầu chỉ định làm quán nước chè chén, vợ tôi có việc là ổn, sau thấy có khách đông dần, cậu em vợ tôi vốn là kỹ sư hoá thực phẩm thất nghiệp, bảo nên làm nước ngọt có ga. Tôi thấy có lý nên nhất trí làm. Mục tiêu của tôi là làm ăn nhỏ, cố giữ được cái vốn còm, tà tà có tiền đi chợ, thế là đạt yêu cầu.

Ai dè vừa mới thực hiện được vài ba mẻ, lời cứ như trong mơ. Ve chai cũ đưa về, tân trang nhãn hiệu con gà trống in rõ lòe loẹt, hình nổi hình chìm rất bắt mắt, thuê người làm trong phường với giá rẻ, kết quả là giá thành thấp mà dân nhậu bình dân thì nhiều. Gọi là nước ngọt có ga, nhưng chính nó là thứ bia trái cây rẻ mạt, uống vào cũng sần sần, xỉn xỉn. Tôi mở rộng sản xuất, mở rộng mối bán buôn, hạ giá sỉ, khách tới nhận hàng không kịp. Bà xã tôi và cậu em vợ bấy nay quen lối sống ba cọc ba đồng, chợt như con rồng được đánh thức, ai nấy mặt mày rạng rỡ, hăng say. Cũng phải nói thêm là, chỉ khi có điều kiện mới phát hiện ra tài năng. Bà xã tôi là người rất có năng khiếu quản lý hàng hoá, tiền nong. Còn cậu em vợ tôi thì lại có năng khiếu hùng hục nghiên cứu, hùng hục làm! Tôi thành ra “ông chủ nhỏ” lúc nào không rõ, chỉ biết rằng, cái số tôi được thế!

Việc “làm luật” với các đồng chí cán bộ phường do tôi đảm trách. Còn việc làm ăn tôi giao thẳng “cơ ngơi” cho hai chị em. Chị làm giám độc, em làm phó, có giấy phép kinh doanh hẳn hoi… Tôi chỉ trích một số ra làm vốn cho dự án phim. Tôi phải nói thêm, việc dự án phim là bí mật, phải nói dối hai vị “giám đốc” và “phó giám đốc” của tôi rằng, tôi cần tiền đầu tư cho việc thành lập thêm một cái xưởng nữa, ở quận khác, cùng với mấy ông bạn cựu chiến binh. Vợ tôi ngần ngừ, cứ hỏi gằn mãi, nhưng tôi làm mặt lạnh, đúng là lạnh như tiền, nên nàng chỉ nói: “Anh phải cẩn thận!”, rồi im im. Tất nhiên là tôi cẩn thận.

Trần Tương Xứng bảo tôi:

- Lão Thái (tên ngài đạo diễn) đểu lắm. Nhưng ta phải dựa vào hắn để tóm được phần cứng đầu ra cho cái phim “Đi mây về gió” này. Phim sau ta cắt cầu. Anh cứ mặc tôi. Tôi đã ít nhiều biết hắn, biết các trò mánh mung của hắn.

- Tôi tin vào ông, nhưng ông phải cẩn thận.

Tôi nhắc lại câu vợ dặn. Với Trần tiên sinh, vì anh bảo tôi cứ việc giả ngu với tay Thái, gì chứ ngu trong nghề phim ảnh thì tôi đã có sẵn rồi, chẳng cần phải giả vờ. Tôi bấm bụng theo họ. Đúng là tôi luôn được họ hỏi ý kiến và tôi cũng chỉ biết nói chung chung. Tóm lại, sách lược là chung chung. Các diễn viên hết lời khen kịch bản hay. Đạo diễn hết lời khen ê kíp diễn viên tuyệt vời, còn Trần tiên sinh, lúc nào cũng như một triết gia cổ đại, vừa ít lời, vừa quá khệnh khạng khiến tôi thành ra cái bóng của anh. Trong lòng tôi, phải nói thực là rất không bình yên. Cả mấy trăm triệu dối vợ bỏ ra đâu phải chuyện đùa? Nhưng tôi luôn tự nhắc mình, đây là cuộc phiêu lưu có định hướng. Nhìn bản dự toán ngài đạo diễn và tác giả kịch bản đưa, tôi yên tâm không lỗ. Họ khẳng định với tôi không lỗ là cái chắc. Nhưng lời thì cũng còn tuỳ... Làm ăn kinh tế mà cứ nói “tuỳ”, theo tôi là không ổn. Nhưng thôi, nếu không lỗ thì tôi đâu có ngán. Dẫu sao cái lời cũng là được một cuộc chơi, rút ra được một bài học.

Nhưng sau bộ phim ấy, tôi lời được đúng bằng số tiền bỏ ra, chuyện cứ như đùa, cứ như trong mơ. Tôi đưa cho bà xã một nửa số lãi, số còn lại tôi thưởng thêm cho Trần Tương Xứng, thưởng thêm cho các diễn viên. Ông đạo diễn chia đôi số lời, theo như tôi được biết, chỉ có Trần tiên sinh là hưởng ít hơn cả.

Đồng tiền chỉ là đồng tiền, khi nó một vừa hai phải. Đồng tiền là tính cách con người khi họ chia chác cho nhau. Ngài đạo diễn, thực ra chỉ là tay quay phim bắt đầu dựng nghề bằng anh thợ ảnh mà đi lên. Ấy là Trần tiên sinh bảo thế. Hình như anh luôn có một vài lời ác ý mỗi khi nhắc tới con người này. Riêng tôi, tôi chỉ thấy đôi tay ông ta cầm những đồng tiền cho vào túi xắc cứ run lên lẩy bẩy.

- Dù sao cũng tạm gọi là sòng phẳng - Trần Tương Xứng bảo tôi - Nhưng đến lần sau thì phải coi chừng!

Tôi hiểu và chính tôi cũng đã bắt đầu có những tính toán quyết liệt. Trần Tương Xứng dùng ông đạo diễn, thì tôi sẽ dùng anh và cuộc đời chẳng phải là cái vòng tròn, chúng ta đều là kẻ làm thuê lẫn cho nhau là gì?

Cái phim thứ nhất, tôi được đề tên là chủ nhiệm.

Có kết quả rồi, tôi về nhà “khai” thật với vợ. Vợ tôi bây giờ đã khác trước, nói tới chuyện làm ăn mà có lời thì bà ấy OK liền. Tôi cứ chiếu đi chiếu lại bộ phim, tự thưởng thức cái thành quả bước đầu của mình và tôi cảm thấy, hình như tôi cũng đang khao khát một cái gì đấy khác với những gì mà tôi đã từng có. Tên tuổi của tôi phải được thường xuyên sánh vai cùng những tên tuổi lớn, những ngôi sao điện ảnh, những vua hề danh tiếng lẫy lừng...

***

Bây giờ thì tôi đã thành đạt. Mười một bộ phim do tôi “đạo diễn”. Tên tuổi của tôi gắn liền với trào lưu phim hài thời đổi mới, tiền bạc thu về cũng kha khá. Trần Tương Xứng vẫn là bạn chí cốt. Qua ngần ấy phi vụ không những anh đã mua được nhà, sắm được xe gắn máy loại “xịn”, và cái chính là anh đã yên tâm quay về với trang “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của mình. Chúng tôi thôi làm phim vì chúng tôi tự biết dừng lại đúng lúc phim trường sa lầy. Nhiều anh ham quá, đầu tư vô, nay bị kẹt vốn hàng tỷ. Tôi bắt đầu khác với tôi trước. Đôi khi Trần tiên sinh làm thơ “Châm” ký tên tôi “cho vui”.

Tôi nảy ra sáng kiến làm thơ. Thú thực, thơ là một cái gì đó rất hấp dẫn, chiếm lĩnh được thơ chính là chiếm lĩnh được uy quyền. Nó vừa như rất gần gũi, rất dễ dàng, mà lại cũng vô cùng khó khăn, không thể nắm bắt được. Nhưng tôi cứ làm. Làm cho vui. Trần tiên sinh thấy thế liền mời ngay hai nhà thơ nổi tiếng đến, nhờ họ biên tập lại hơn ba chục bài cho tôi để in. Tôi chi tặng hai đại ca mỗi người mười triệu.

Một trong hai ông ấy bảo tôi, tốt nhất là nên in to treo như treo tranh, treo lịch chơi Tết, chứ chớ nên in thành sách. Tôi nghĩ khác. Tôi cho rằng phải in ra thì mới chơi được. Tất nhiên tôi tự biết nếu chỉ có thơ tôi thì khó mà “đứng” nổi. Vậy là tôi nảy ra sáng kiến, thuê luôn các nhà thơ câu lạc bộ thơ ra quán bia thương thảo, mỗi anh làm cho tôi một chùm, tôi mua mỗi bài năm trăm ngàn. Tôi thuê luôn các “nhạc sĩ” phổ nhạc và sau đó, thuê ca sĩ hát, làm đĩa bán. Té ra lại có lời! Các nhà thơ xuất xứ từ câu lạc bộ thơ chế biến thơ tôi nhanh và... mạnh. Các nhạc sĩ cũng do các nhà thơ câu lạc bộ lăng xê giới thiệu phổ nhạc thơ tôi cũng nhanh và... mạnh. Các ca sĩ nổi tiếng hát bài hát của tôi càng mạnh và càng... nhanh.

Thế là tôi thành ra nổi tiếng người nhiều tài. Tập thơ nhạc của tôi in ra đẹp vào loại nhất nước, tất nhiên cũng tốn kém cỡ vài cái năm ba chục triệu. Có điều tôi vẫn bán được nhờ sáng kiến bán kèm băng video hài và các bài viết lăng xê do các nhà phê bình danh tiếng của câu lạc bộ thơ tung hứng rộn ràng trên mạng xã hội, có người “đánh”, sau đó lại có người “đỡ”. Chơi thơ được mà không chịu lỗ, tôi cho rằng ở nước ta có lẽ số người làm được như tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sự thực là như thế.

Bắt đầu có thể là tình cờ, nhưng ngay sau đó phải có chương trình định hướng. Phải có một quan niệm cho thật rõ ràng. Tôi quan niệm, phàm cái gì làm được do số ít người nổi tiếng làm ra, thì thứ ấy là mặt hàng quý hiếm, hà cớ gì lại không kinh doanh được? Mà tôi là nhà kinh doanh. Bây giờ thì bạn có thể gọi tôi là nhà kinh doanh kiêm nghệ sĩ. Tôi tự hào về danh nghĩa ấy. Còn cái xưởng bia con gà trống của tôi thì nó vẫn thế. Có điều độ này các mặt hàng nước giải khát sản xuất bằng dây chuyền công nghệ cao xông vào tận ngõ hẻm nhà chúng tôi, thành thử, cậu em vợ tôi đang có kế hoạch làm đại lý cho họ. Thôi, thế cũng là tự biết người, biết ta. Làm ăn có thời có vận, đâu phải lúc nào cũng hung hăng mà xông vào thị trường. Đã chẳng có câu “thương trường là chiến trường” là gì, phải không các bạn.

Tôi và Trần Tương Xứng bây giờ, cứ chiều chiều là bia hơi với các bạn, cùng vui vẻ tụng ca những thành quả của mình, mặc dù vẫn biết, có khối người dè bỉu sau lưng chúng tôi là bọn “nghệ sỹ quái dị” của thời kinh tế thị trường. Chả sao, bia hơi vẫn ngon!
 

Tin mới lên