Tiêu điểm

Những ‘nút thắt’ chờ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể 'ra tay'

(VNF) - Sau 3 năm nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) rất nỗ lực khi dẫn đầu các Bộ ngành trong cải cách thủ tục hành chính; mạnh dạn huỷ kết quả đấu thầu quốc tế Bắc – Nam dành quyền thi công về nhà thầu nội; tăng tốc giải ngân 30.000 tỷ đồng trong năm 2019... Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của mình, còn nhiều thách thức đón chờ vị Tư lệnh ngành giao thông.

Những ‘nút thắt’ chờ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể 'ra tay'

VietnamFinance xin đặt một số mục tiêu mà ông Nguyễn Văn Thể cần phải làm trong nghiệm kỳ để “lấy phiếu” tín nhiệm từ nhân dân, Chính phủ.

Phải triển khai thu phí không dừng trong năm 2020

Rõ ràng, việc “lụt” tiến độ thu phí không dừng (ETC) cho thấy sự thiếu quyết liệt từ Bộ GTVT và các Bộ ngành.  Nên nhớ, Bộ GTVT đã bắt đầu triển khai ETC từ năm 2014, thậm chí Thủ tướng Chính phủ đã ra “tối hậu thư” đến cuối năm 2019 phải hoàn thiện, thống nhất sử dụng ETC trên toàn tuyến cao tốc và quốc lộ 1.

Thế nhưng, Bộ GTVT đã không hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng giao, dù có một số lý do khách quan như Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) (đơn vị quản lý 5 tuyến cao tốc) chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Trong khi phân cấp, phân quyền giữa Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa rõ ràng…

Tuy nhiên, đây không phải là lý do chính đẫn đến dự án thu phí không dừng bị chậm trễ.

Năm 2020, “bài toán” hoàn thiện hệ thống thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 áp dụng đồng bộ 93 trạm thu phí gồm: 82 trạm trên các tuyến quốc lộ và 11 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc đang chờ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải quyết.

Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông

Một trong những tâm điểm mà 3 nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ GTVT gần đây “nợ” với người dân Thủ đô đó là sớm hoàn thiện tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh – Hà Đông, với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, chắc chắn đây cũng là “nút thắt” khiến ông đau đầu nhất.

Dự án đã thi công từ chục năm nay với gần chục lần “thất hứa” về đích từ Tổng thầu EPC Trung Quốc khiến người dân nản lòng. Mốc hẹn từ tháng 9/2016, rồi đến tháng 10/2017, tháng 12/2017, rồi dời sang 9/2018, rồi tháng 6/2019 và đến nay là “vô thời hạn”…

Thủ tướng Chính phủ nhiều lần sốt suột với dự án này thậm chí yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT nếu cần phải sang Trung Quốc để đàm phán về dự án này. Đây có lẽ là điểm nghẽn lớn nhất mà Bộ GTVT không thể có câu trả lời cuối.

Bao giờ khởi công Nhà ga T3, Tân Sơn Nhất

Khác với ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông, dự án T3, Tân Sơn Nhất hoàn toàn trong tầm kiểm soát của Bộ GTVT trong nhiều năm qua vẫn… nằm chờ. Trong khi nguồn vốn không thiếu, các đơn vị cả nhà nước và tư nhân đều tha thiết xin thực hiện dự án, nhưng không hiểu sao đến giờ này nhà ga T3, Tân Sơn Nhất vẫn chưa thể khởi công.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, từ năm 2010, Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (sau đây gọi tắt là Vietstar) đã dày công chuẩn bị nguồn đất, nguồn vốn, lập quy hoạch, thiết kế chi tiết Nhà ga hàng không lưỡng dụng T3 nhằm giảm tải, tăng công suất thông qua cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Đơn vị này đã chuẩn bị khu đất sạch 10.000m2, đồng thời đã được sự đồng ý của Bộ Quốc Phòng, Bộ GTVT, thậm chí, tháng 6/2016, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa có văn bản 6856/BGTVT-KHĐT đề nghị Bộ Quốc phòng sớm chấp thuận chủ trương và yêu cầu Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga lưỡng dụng, phấn đấu khởi công trong năm 2016-2017.

Nhà ga lưỡng dụng trên cho phép đón 9-10 triệu lượt khách/năm (giai đoạn 1), chi phí trên 2.000 tỷ đồng và hoàn toàn trùng khớp với phương án của tư vấn Pháp ADPi đề xuất với Chính phủ đầu năm 2018. Trùng khớp đến từng vị trí nhà ga, công suất nhà ga, từng đường giao thông kết nối khu sân bay mới với thành phố.

Tuy nhiên, không hiểu sao đến nay Bộ GTVT vẫn “trái lệnh” Thủ tướng và phủ nhận phương án của tư vấn Pháp ADPi và nhất quyết đề xuất giao Nhà ga T3, Tân Sơn Nhất cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), ngoài ra còn “nhồi” dự án chỉ nằm trong khu đất 16ha (nơi mà còn nhiều đơn vị quân đội nên rất khó giải phóng mặt bằng). Hơn nữa, chi phí xây dựng nhà ga do ACV dự định lên tới 11.000 tỷ đồng.

Đây là bài toán mà Bộ trưởng Bộ GTVT cần giải thích rõ trước dư luận.

Đường thuỷ đồng bằng sông Cửu Long chưa phát huy thế mạnh

Trong lý lịch, ông Nguyễn Văn Thể xuất thân trong một gia đình nông dân tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ông có nhiều năm làm việc và cống hiến tại Đồng Tháp trước khi về làm Thứ trưởng Bộ GTVT sau đó lại về làm Bí thư tỉnh Sóc Trăng.

Dù có rất nhiều thời gian gắn bó với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và rất quan tâm đến việc khơi thông luồng tuyến đường thuỷ khu vực này, nhưng trong 3 năm qua những tai tiếng từ “quỹ đen đường thuỷ” đến sự lục đục về cán bộ nhân sự tại Cục này một phần cũng là nguyên nhân khiến đường thuỷ nội địa ‘tụt hậu’ so với các loại hình khác. Ngoài ra, đầu tư cho đường thuỷ quá “nhỏ giọt” chỉ chiếm 1% tổng vốn ngành giao thông, trong khi đường bộ là 80%, hàng hải là 13%.

Nên nhớ, đường thuỷ khu vực “đất chín rồng” đóng vai trò to lớn với các tuyến giao thông thủy dày đặc, nhưng lại không đồng cấp, nhất là về độ sâu.

Ví dụ, tuyến giao thông thủy huyết mạch từ TP.HCM đi các tỉnh vùng ĐBSCL phải qua kênh Chợ Gạo, nhưng tuyến kênh này vẫn chưa đảm bảo về chiều rộng cho các phương tiện đi lại với số lượng ngày càng tăng. Đến nay, mặc dù đã được hoàn thành nâng cấp mở rộng giai đoạn I, nhưng vẫn cần tiếp tục nâng cấp giai đoạn II mới đáp ứng được yêu cầu.

Số cảng, bến thủy nội địa tuy nhiều, nhưng phần lớn trang thiết bị bốc xếp hàng hóa chưa được đầu tư hiện đại hóa, chưa đồng bộ, nên năng lực bốc dỡ hàng hóa thấp; nhiều bến cảng thiếu đường bộ kết nối.

Do những nguyên nhân trên, lượng hàng qua cảng những năm gần đây nói chung thấp, dao động trong khoảng 6,5 - 8,5 triệu tấn/năm. Gần 80% hàng hóa của Vùng vẫn phải tiếp chuyển qua các cảng Đông Nam Bộ.

Sửa cầu Thăng Long không “mắc cỡ” với dân

Đó chính là điều Bộ trưởng Bộ GTVT tự nói trong buổi kiểm tra sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu Thăng Long.

Dự án chỉ dài 4km nhưng trong 10 năm qua Bộ GTVT cũng như các chuyên gia đầu ngành đều bó tay vì chưa thể sửa chữa dứt điểm.  “Nếu không sửa được cầu Thăng Long thì cả ngành Giao thông mắc cỡ với dân. Chúng ta có bao nhiêu giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư ở các viện, đơn vị mà mặt cầu Thăng Long sửa chữa không xong”, Bộ trưởng Thể nói.

Nên nhớ, năm 2020, tuyến cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long sẽ hoàn thành và cho phép chạy 80km/h kết nối với cầu Thăng Long. Vì thế, trong năm 2020, nhiệm vụ lớn là phải sửa chữa dứt điểm mặt cầu Thăng Long và ổn định mặt cầu trong 5 năm tới. Đó là lời hứa và cũng là trách nhiệm của vị Tư lệnh ngành giao thông vận tải.

Xem thêm:https://vietnamfinance.vn/di-doi-ga-duong-sat-ra-khoi-noi-do-dung-sua-sai-bang-mot-cai-sai-lon-hon-20180504224233357.htm

Tin mới lên