Công nghệ

Những startup 'kỳ lân' được thổi phồng

Các tỷ phú đầu tư đã đặt nhiều kỳ vọng vào đợt IPO của những "kỳ lân" như Uber, Lyft hay WeWork... nhưng thực tế không như họ mơ.

Những startup 'kỳ lân' được thổi phồng

Nhà đầu tư đang hoài nghi về tương lai của Uber, Lyft hay WeWork. Ảnh:NYT

Tuần trước, WeWork thông báo hoãn vô thời hạn kế hoạch IPO. Giá cổ phiếu của Uber và Lyft, đều lao dốc sau khi chào bán cổ phiếu lần đầu. Còn Peloton - một "kỳ lân" khởi nghiệp - cũng chứng kiến đà suy giảm ngay trong phiên giao dịch đầu tiên trên thị trường chứng khoán - một điều hiếm thấy trên thị trường.

Kỳ lân là khái niệm để chỉ những công ty khởi nghiệp chưa chào bán cổ phần được định giá trên 1 tỷ USD, bởi sự hiếm hoi của những công ty này. Nhưng giờ thế giới tràn ngập các công ty kỳ lân. Kết quả kinh doanh không như mong đợi dù mức định giá cao không tưởng, khiến nhiều công ty như vậy nhận được cái nhìn hoài nghi từ thị trường.

Mối quan tâm gần đây đang hướng vào WeWork khi doanh nghiệp này tiết lộ khoản lỗ 1,37 tỷ USD nửa đầu năm 2019. Định giá của công ty chia sẻ văn phòng này giảm từ 47 tỷ USD xuống 10 tỷ USD chỉ trong 6 tuần sau khi công bố tài liệu chào bán cổ phiếu lần đầu. CEO Adam Neumann từ chức dưới áp lực của ban điều hành và các nhà đầu tư, còn kế hoạch IPO không biết đến khi nào sẽ thực hiện.

Uber, tương tự vậy, đã giảm mức giá kỳ vọng nhưng cổ phiếu vẫn giảm 30% do các khoản lỗ tài chính gia tăng. Cổ phiếu của Lyft - đối thủ của Uber tại Mỹ - cũng giảm 40% kể từ khi IPO vào tháng 3. Công ty khởi nghiệp bán thiết bị thể dục tại gia - Peloton - báo cáo kết quả hoạt động kém tiêu cực. Phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu này kết thúc với mức giảm 11% so với giá IPO, điều hiếm thấy với một công ty mới lên sàn.

Một số công ty khởi nghiệp đình đám khác cho biết sẽ hoãn kế hoạch IPO trước sự sụp đổ của những cái tên dẫn đầu. Tuần trước, Airbnb thông báo sẽ dời lịch IPO sang năm 2020, trong khi Palantir Technologies, công ty khai thác dữ liệu được tỷ phú đầu tư Peter Thiel đồng sáng lập, cho biết sẽ không IPO trong nhiều năm tới.

Tất nhiên, không phải công ty nào cũng bị nhấn chìm sau khi IPO. Cổ phiếu của Pinterest đã tăng 44% sau lần chào bán đầu tiên ra công chúng vào tháng 4. Nhưng Pinterest khác so với những "kỳ lân" đình đám như Uber, Lyft hay WeWork là họ khởi đầu với mức định giá thận trọng và khoản lỗ giảm dần trước khi chào bán cổ phiếu.

New York Times trong bài viết mới đây cho rằng các nhà đầu tư đã phải cân nhắc lại khi những công ty khởi nghiệp được định giá quá cao, nhưng lại không có khả năng lãi trong tương lai gần. Còn Washington Post đặt câu hỏi liệu định giá của những doanh nghiệp này có bị "thổi phồng" quá mức khi gắn thêm mác công nghệ. 

Lyft được định giá 15 tỷ USD trước khi chào bán cổ phần lần đâu, nhưng đến nay chỉ còn 12 tỷ USD. Ảnh:NYT

"Mỗi cái tên đều là một công ty công nghệ xét theo khía cạnh nào đó. Họ có thể dùng danh xưng này để tăng giá trị, nhưng hãy hoài nghi nếu có ai muốn bán chúng", Venky Ganesan, đối tác của Menlo Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm đã rót vốn vào Uber và nhà bán lẻ Warby Paker .

Peloton, công ty khởi nghiệp được định giá 8 tỷ USD, nhắc từ "công nghệ" 80 lần trong bản cáo bạch và tự mô tả là một công ty kết nối thế giới vật lý và kỹ thuật số. Từ "công nghệ" cũng xuất hiện 110 lần trong hồ sơ đăng ký IPO của We Company - công ty mẹ của WeWork. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Peleton hay WeWork không thực sự là những công ty công nghệ.

Một công ty công nghệ, theo những chuyên gia này, được hiểu là doanh nghiệp tạo ra và bán công nghệ, như phần mềm, hoặc cung cấp dịch vụ công nghệ. Scott Galloway, giáo sư giảng dạy về tiếp thị và xây dựng thương hiệu tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York cho rằng, việc xác định một công ty thuộc lĩnh vực nào có thể đơn giản bằng việc họ tiêu tiền như thế nào, bán sản phẩm, dịch vụ ra sao. "Theo định nghĩa này, Microsoft và Apple là công ty công nghệ. WeWork thì không", GS Galloway nói.

Hoạt động kinh doanh chia sẻ không gian của WeWork về bản chất là việc biến các tòa nhà cho thuê thành không gian làm việc chung, cung cấp thêm các dịch vụ đi kèm, như lớp tập yoga. Nhưng WeWork cho rằng họ không phải một công ty bất động sản. Bản cáo bạch mô tả We Company - công ty mẹ của WeWork - như một nền tảng toàn cầu tích hợp không gian, cộng đồng, dịch vụ, công nghệ, và các nhà đầu tư lớn đã đồng ý với điều này. Softbank đầu tư hơn 10 tỷ USD vào WeWork thông qua Quỹ Tầm nhìn, tập trung vào khía cạnh công nghệ.

Barry Oxford, nhà phân tích tại D.A. Davidson, cho biết sự khác biệt còn đến từ cơ cấu doanh thu. Doanh thu của WeWork, chủ yếu đến từ không gian cho thuê lại, là một hoạt động bất động sản. Một điểm khác biệt giữa Peloton và WeWork, theo Galloway, là nếu không có công nghệ, khách hàng của Peloton sẽ ít quan tâm đến việc sử dụng thiết bị tập thể dục nhưng khách hàng của WeWork, vẫn sẽ ngồi trong văn phòng của họ. "Sẽ là cường điệu nếu Peloton tự gọi mình là một công ty công nghệ, dù đó không hẳn là một lời nói dối hoàn toàn", GS Galloway nói.

Nhưng khi nhìn vào lợi nhuận, cả WeWork và Peloton đều cho thấy sự không chắc chắn. Theo bản cáo bạch của Peloton, công ty khởi nghiệp này đạt hơn 900 triệu USD doanh thu nhưng lỗ 196 triệu. Còn WeWork, khoản lỗ nửa đầu năm 2019 gần xấp xỉ mức cả năm 2018.

"Nhà đầu tư bỏ tiền mua tương lai, và các công ty khởi nghiệp giúp họ vẽ ra điều này. Pinterest thì có thể nhưng WeWork, hay cả Lyft và Uber, thì không", Rett Wallace, nhà phân tích tại Triton Research nói.

Tin mới lên