Tài chính quốc tế

Những thay đổi lớn trong khu vực Đông Bắc Á

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã đặt khu vực Đông Bắc Á vào tình thế nguy hiểm. Tuy nhiên, những thay đổi lớn đã và đang diễn ra nhanh hơn dự kiến trong năm 2018.

Những thay đổi lớn trong khu vực Đông Bắc Á

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP/TTXVN

Thứ nhất, Triều Tiên đã tuyên bố rõ việc chuyển từ chính sách phát triển song song vũ khí hạt nhân và xây dựng kinh tế sang tập trung phát triển kinh tế. Thứ hai, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vài lần đã đề cập tới việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Đặc biệt, ông đã trực tiếp nhất trí với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In về việc tạo ra một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân và mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân.

Mối quan hệ “ly thân” giữa Triều Tiên và Trung Quốc do các vấn đề hạt nhân, và sự xấu đi trong quan hệ liên Triều dễ thấy đã được cải thiện và dẫn tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều chưa từng có. Bên cạnh đó, các quyết định về chính sách đối với Triều Tiên đã được đưa ra công khai. Điều này báo hiệu những sự thay đổi lớn trong các mối quan hệ ngoại giao, xã hội, kinh tế và chính trị.

Chuyến thăm Nga của ông Kim Jong-un và cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản đã được lên kế hoạch cùng với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai sẽ là một bước ngoặt dẫn tới những sự thay đổi trên Bán đảo Triều Tiên.

Sự thay đổi này bắt đầu từ Triều Tiên và đang có ảnh hưởng rất lớn tới bán đảo Triều Tiên, thậm chí tới sự năng động của khu vực Đông Bắc Á. Triều Tiên là một miền đất duy nhất chưa phát triển ở Đông Bắc Á.

Mặc dù Triều Tiên đã đưa ra những kế hoạch xây dựng kinh tế tập trung và đang nỗ lực phát triển quốc gia với một "Chiến lược 5 năm", song nước này sẽ khó đạt được những kết quả hữu hình trong một thời gian ngắn nếu không có sự cải thiện lớn môi trường xung quanh.

Tình trạng cơ sở hạ tầng ở Triều Tiên khá tồi tệ. Nếu không có sự cải thiện lớn, nước này sẽ khó thu hút được vốn đầu tư nước ngoài. Với tình hình hiện tại, cần có sự đầu tư và sửa chữa lớn cơ sở hạ tầng của Triều Tiên như đường sắt, đường bộ và mạng lưới điện.

Do vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng là lớn và thời gian hoàn vốn lâu, nên các dự án cơ sở hạ tầng phải được đảm bảo bởi chính phủ các nước có liên quan hay tài trợ bởi các thể chế tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, sự hợp tác của cộng đồng quốc tế là rất cần thiết vì khó có nước nào có thể một mình đảm trách việc đầu tư hay phát triển ở Triều Tiên. Đặc biệt, sự hợp tác và các nỗ lực của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản là rất cần thiết.

Cơ chế hợp tác duy nhất ở Đông Bắc Á là có sự tham gia của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Hiện có nhiều ý tưởng mới về phát triển Triều Tiên, song lý tưởng nhất là một cơ chế hợp tác ba bên. Để Triều Tiên tin tưởng cộng đồng quốc tế, cần có sự hợp tác ba bên này để phát triển Triều Tiên. Đây là vấn đề lớn nhất hiện nay ở Đông Bắc Á.

Thứ nhất, cần phải hỗ trợ cho những sự thay đổi của Triều Tiên. Đối với Triều Tiên, quyết định chuyển sang phi hạt nhân hóa hay xây dựng kinh tế không bao giờ là dễ dàng. Nói cách khác, xây dựng kinh tế thành công là cực kỳ quan trọng đối với Kim Jong-un.

Nếu vô tình Triều Tiên không đạt được các kết quả tích cực về kinh tế thì điều đó có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực không chỉ tới Triều Tiên mà còn cả bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, cần tiếp cận kế hoạch phát triển quốc gia mới của Triều Tiên trên cơ sở tập trung xây dựng kinh tế.

Thứ hai, việc hỗ trợ xây dựng nền kinh tế Triều Tiên không nên do Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản độc lập tiến hành mà nên cùng nhau thực hiện để về phần mình, Triều Tiên sẽ không lệ thuộc vào một nước đặc biệt nào trong việc nhận nguồn lực phát triển mà sẽ nỗ lực duy trì một mức độ cân bằng nào đó trong quan hệ với ba nước trên.

Việc xây dựng hạ tầng như điện, đường bộ và đường sắt cần cho tái thiết nền kinh tế Triều Tiên cũng sẽ khó thực hiện nếu một nước nào đó làm một mình. Vì vậy, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản nên hình thành cơ chế hợp tác kinh tế ba bên này.

Thứ ba, nên có tư duy và cách tiếp cận chiến lược đối với những sự thay đổi mới ở Triều Tiên. Hiện nay, cũng cần mời Triều Tiên hay Mông Cổ tham gia cơ chế hợp tác ba bên này. Nếu điều này là không khả thi, ít nhất Triều Tiên nên được chấp nhận như một quan sát viên để có thể tạo ra một môi trường giúp Triều Tiên khẳng định mình là một phần của khu vực Đông Bắc Á.

Bán đảo Triều Tiên đã bị chia cắt trong hơn 70 năm sau Chiến tranh thế giới thứ II. Giờ đây, người dân hai miền và thậm chí cả khu vực Đông Bắc Á đang cầu mong hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và sự thịnh vượng trong khu vực này.

Đây là tâm lý của dân chúng trong khu vực và nó không thể bị cản trở bởi bất kỳ thế lực hay học thuyết chiến tranh nào. Ba nước Hàn - Trung - Nhật nên cùng nhau đóng góp cho sự thịnh vượng và hợp tác ở Đông Bắc Á bằng cách nhận thức đầy đủ các xu thế lịch sử và hỗ trợ sự phát triển kinh tế Triều Tiên.

Tin mới lên