Bất động sản

Những thế lực nào đang chi phối thị trường nhà giá rẻ Hà Nội?

(VNF) - Nhà giá rẻ là phân khúc màu mỡ của thị trường bất động sản bởi tính cạnh tranh thấp, thanh khoản cao và sức mua dồi dào. Bởi vậy, dù tỷ suất lợi nhuận thấp hơn các phân khúc trung – cao cấp, nhà giá rẻ vẫn thu hút được không ít doanh nghiệp tham gia đầu tư. Thậm chí gần đây nhiều doanh nghiệp lớn cũng nhảy vào để tranh thị phần.

Những thế lực nào đang chi phối thị trường nhà giá rẻ Hà Nội?

Thị trường nhà giá rẻ Hà Nội đang bị chi phối bởi một loạt thương hiệu lớn

Thị trường nhà giá rẻ: Từ sự độc tôn của Mường Thanh…

Cách đây 5 – 6 năm, có thể nói Mường Thanh là doanh nghiệp "độc bá" thị trường nhà giá rẻ Hà Nội với hàng loạt dự án lớn có quy mô lên tới hàng chục nghìn căn.

Xuất phát từ một doanh nghiệp nhỏ lẻ ở Lai Châu, Mường Thanh tiến xuống và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình tại Hà Nội bằng việc mua lại một lô đất ở Linh Đàm. Vào những năm 90, đây chỉ là một vùng ngập nước, xa trung tâm và không có hạ tầng giao thông đồng bộ. Thế nhưng, với phương châm "mua rẻ để bán rẻ hoặc kinh doanh lâu dài", Mường Thanh vẫn quyết chi tiền gom đất, không chỉ ở Linh Đàm mà còn ở các vùng khác như Thanh Trì, Hà Đông.

Với chính sách "làm nhanh gọn, không vay mượn, không tồn đọng", làm nhanh để quay vòng vốn nhanh, Mường Thanh đã tập trung vào phân khúc nhà giá rẻ, vốn không có nhiều doanh nghiệp cạnh tranh trong khi nhu cầu thực của thị trường lại rất lớn.

Chỉ trong ít năm, lần lượt các dự án Định Công, Linh Đàm, Kim Văn Kim Lũ, Xa La, Đại Thanh, HH Linh Đàm… được doanh nghiệp này tung ra. Dự án nào cũng có số lượng hàng trăm, hàng nghìn căn nhưng đều được bán với tốc độ nhanh như chớp giật. Trong bối cảnh thị trường đóng băng, thanh khoản cao của các dự án đã đưa Mường Thanh từ chỗ doanh nghiệp vô danh trở thành ngôi sao của thị trường bất động sản.

Tổ hợp 12 tòa chung cư HH1 - HH4 Linh Đàm của Tập đoàn Mường Thanh

Tổ hợp 12 tòa chung cư HH1 - HH4 Linh Đàm của Tập đoàn Mường Thanh

Có thể kể đến một số dự án nổi bật của doanh nghiệp này như Xa La (quy mô 21 ha, gồm 10 tòa cao từ 21 – 34 tầng), Đại Thanh (6 tòa với hơn 4.600 căn hộ), HH Linh Đàm (4 khối HH1, HH2, HH3, HH4 mỗi khối 3 tòa, tổng cộng 12 tòa, gần 9.000 căn hộ)…

Các dự án của Mường Thanh có giá bán rất rẻ, thậm chí là "không thể rẻ hơn" chỉ từ 9 – 13 triệu đồng/m2. Với giá rẻ như vậy, doanh nghiệp này gần như không có đối thủ trong suốt một thời gian dài.

Mới đây, Mường Thanh lại chi thêm 1.500 tỷ để thâu tóm dự án Thanh Hà từ tay Cienco 5. Với quỹ đất hơn 400 ha trải rộng tại 3 xã phường Phú Lương, Kiến Hưng (Hà Đông), Cự Khê (Thanh Oai), Thanh Hà là một trong những dự án lớn nhất thị trường bất động sản Hà Nội.

Tại đây, chỉ sau một thời gian ngắn tiếp nhận, Mường Thanh đã bàn giao 3 tòa chung cư (M1A, M1B, M1C) cao 6 tầng với số lượng hơn 600 căn hộ cho khách hàng.

Ngoài ra, đơn vị còn cho xây dựng tiếp 9 tòa chung cư với chiều cao mỗi tòa 15 tầng. Trong tháng 12, Mường Thanh cho biết sẽ tung ra thị trường thêm 3.000 căn hộ có giá chỉ từ 10 triệu đồng/m2. Điều này đã tiếp tục khẳng định vị trí của doanh nghiệp này với tư cách là đơn vị cung ứng nhà giá rẻ lớn nhất thị trường Hà Nội.

... đến sự tham gia của các tay chơi mới

Vị trí "bá chủ" của Mường Thanh hiện vẫn đang được thừa nhận, tuy nhiên cùng với sự phát triển của thị trường, phân khúc nhà giá rẻ đang dần tiếp nhận thêm sự tham gia của các tay chơi mới với các dự án ít nhiều gây được tiếng vang.

Một trong những tay chơi mới của phân khúc giá rẻ là FLC. Tập đoàn vốn nổi danh với những siêu dự án nghỉ dưỡng tại Quy Nhơn, Sầm Sơn, Vĩnh Thịnh… vừa qua đã xuống tay đầu tư một dự án giá rẻ: FLC Garden City (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm). Dự án có tổng diện tích 78.950 m2 gồm 5 tòa tháp từ HH1 – HH5 cung cấp 1.638 căn hộ từ 48 – 105 m2 với giá bán 18 triệu đồng/m2. Ngoài ra, FLC còn dự án Star Tower tại Hà Đông cao 41 tầng, tổng diện tích gần 3.000 m2 với giá bán chỉ 19,3 triệu đồng/m2.

Ngoài FLC, thị trường nhà giá rẻ cũng đón nhận các đơn vị mới như Vinh Hạnh với Tứ Hiệp Plaza, Xuân Mai Corp với Xuân Mai Spark Tower, Geleximco với Gelexia Riverside và Gemek Premium…

Dự án FLC Garden City của Tập đoàn FLC

Dự án FLC Garden City của Tập đoàn FLC

Song, đặc biệt nhất là Vihajico, tên tuổi với thương hiệu Ecopark trong năm qua đã đột ngột trình làng 2 dự án giá rẻ: West Bay Sky Residence và Aqua Bay Sky Residence.

West Bay Sky Residence là dự án nằm trong khu đô thị Ecopark, có quy mô 4 toà tháp căn hộ được xây dựng trên nền diện tích 2,7 ha. Các căn hộ có diện tích thông thuỷ từ 45 - 65m2, giá bán chỉ từ 688 triệu đồng/căn. Còn Aqua Bay Sky Residence gồm 7 toà tháp cao từ 30 - 36 tầng, với các loại căn hộ điển hình diện tích từ 45,7 - 200 m2, giá bán từ 789 triệu đồng/căn.

Hai dự án này kể từ khi ra mắt đã gây ra cơn sốt cho toàn thị trường Hà Nội và có tốc độ bán hàng nhanh như chớp. Nhất là West Bay Sky Residence, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, chủ đầu tư đã bán sạch 2.000 căn hộ.

Vingroup sẽ chia lại thị trường nhà giá rẻ

Theo nhận định của các chuyên gia, việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào phân khúc nhà giá rẻ đã tạo ra làn sóng cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ và vẽ nên diện mạo mới cho thị trường bất động sản Việt Nam.

Diện mạo ấy sẽ còn thay đổi nhiều hơn nữa với sự tham gia của Vingroup. Hồi đầu tháng 12, Tập đoàn này tuyên bố sẽ làm từ 20 – 30 vạn căn hộ giá rẻ tại 7 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nha Trang và TP. HCM trong 5 năm tới.

Với tiềm lực tài chính hùng hậu và kế hoạch đầy tham vọng, Vingroup được đánh giá là đơn vị sẽ chia lại thị trường nhà giá rẻ Hà Nội và của cả nước mà trong đó doanh nghiệp này sẽ có được thị phần không nhỏ.

Vingroup sẽ xây dựng ít nhất 20 vạn căn nhà giá rẻ mang thương hiệu VinCity

Vingroup sẽ xây dựng ít nhất 20 vạn căn nhà giá rẻ mang thương hiệu VinCity

Không những thế, mô hình khép kín của Vingroup với đầy đủ tiện ích như bệnh viện, trường học, siêu thị, khu thể thao… được dự đoán sẽ làm thay đổi cách chơi trong phân khúc nhà giá rẻ. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ không thể phát triển dự án giá rẻ theo lối cũ (chỉ xây dựng căn hộ) mà còn phải tạo ra đồng thời các tiện ích để phục vụ cư dân.

Với những thay đổi như vậy, có thể nói mức độ cạnh tranh trong phân khúc nhà giá rẻ đang ngày càng trở nên khốc liệt. Khi thế lực cũ chưa yếu mà thế lực mới đang nhăm nhe nổi lên, chắc chắn sẽ có một cuộc giành giật không khoan nhượng mà ở đó, đơn vị nào không đủ sức đua tranh, chắc chắn sẽ bị đào thải.

Tin mới lên