Tiêu điểm

Những tiền lệ 'giải cứu' doanh nghiệp vỡ nợ nổi tiếng

(VNF) - Việc Chính phủ các nước quyết định ra tay giải cứu doanh nghiệp là một sự "ưu ái" hay để tránh khả năng gây ra sự đổ vỡ dây chuyền.

Những tiền lệ 'giải cứu' doanh nghiệp vỡ nợ nổi tiếng

Ngày 17/5/2016, thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thống nhất trình Chính phủ phương án tái cơ cấu nợ cho Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) nhanh chóng thổi bùng cơn sóng trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai cùng HNG của công ty con (Hoàng Anh Gia Lai Agrico) đóng cửa tăng trần trong phiên giao dịch 17/5.

Mặc dù NHNN chưa có văn bản chính thức báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, nhưng hướng tháo gỡ khó khăn cho HAG bước đầu đã được gợi mở.

Trước đó, các ngân hàng chủ nợ của HAG cũng đã có cuộc họp tại Hà Nội với sự chủ trì của BIDV và thống nhất trình NHNN xin tái cơ cấu một số khoản nợ. 

Theo đó, các ngân hàng thương mại đã xin cho HAG được giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi một số khoản nợ (điều này một số ngân hàng đã chủ động làm trước đó). Xét thấy khó khăn của HAG do nhiều yếu tố biến động của thị trường, tài sản đảm bảo vẫn còn nên các ngân hàng đã đồng thuận kéo dài thời gian trả lãi và gốc cho phù hợp hơn với công ty.

Dòng tiền eo hẹp, nặng gánh lãi vay, các khoản nợ dần đến thời điểm đáo hạn, trong khi giá trị cổ phiếu, là một trong những tài sản đảm bảo, lại không ngừng lao dốc là những vấn đề mà HAG phải đối mặt.

Nếu được Thủ tướng Chính phủ thông qua, áp lực nợ của HAG có thể sẽ tạm thời giảm bớt. Việc cứu HAG cũng đồng nghĩa với việc cứu các ngân hàng, giúp các tổ chức này không phải hoặc giảm trích lập dự phòng nợ cho HAG.

Các trường doanh nghiệp cầu cứu Chính phủ là không ít nhưng việc Chính phủ các nước từng quyết định ra tay cứu doanh nghiệp đã phải đối mặt nhiều ý kiến trái chiều. Cứu doanh nghiệp đồng nghĩa với việc dùng tiền ngân sách "hỗ trợ" doanh nghiệp, doanh nghiệp được ưu ái hay cần thiết phải cứu để tránh ra khả năng đổ vỡ dây chuyền?

Chính phủ Mỹ bơm tiền cứu đại gia bảo hiểm AIG

Từng là một trong những tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới, AIG đã nhận được một gói cứu trợ của chính phủ Mỹ lên tới gần 185 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhiều người dự đoán AIG sẽ bị giải thể để có thể hoàn lại cho chính phủ khoản cứu trợ đó, nhưng AIG đã trả lại được toàn bộ số tiền này vào cuối năm 2012.

Năm 2008, giới chức Mỹ lo sợ sự sụp đổ của AIG sẽ tạo ra hiệu ứng domino lan ra hệ thống tài chính toàn cầu. Lo sợ về khả năng đổ vỡ dây chuyền sẽ xảy ra, Chính phủ Mỹ đã quyết định bơm vốn từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vào tập đoàn tài chính đang có nguy cơ phá sản này.

Đây là quyết định được đưa ra sau khi phố Wall - trung tâm tài chính nước Mỹ - đã phải chứng kiến sự xoá sổ của 2 tên tuổi lừng danh trong ngành ngân hàng chỉ 2 ngày trước đó là Lehman Brothers và Merrill Lynch. Thời điểm đó, Chính phủ Mỹ cũng đã buộc phải quyết định cứu 2 đại gia ngân hàng chuyên cho vay thế chấp bất động sản đứng trước bờ vực phá sản là Fannie Mae và Freddie Mac.

Trước đó, AIG đã bị Fed từ chối cho vay khoản tiền 40 tỷ USD, bị các hãng xếp hạng tín nhiệm lớn đánh tụt hạng tín dụng và đứng trước nguy cơ phá sản do thua lỗ 14,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. AIG thua lỗ chủ yếu là do đầu tư vào các loại chứng khoán được đảm bảo bằng nợ địa ốc. Đợt khủng hoảng tín dụng cho vay cầm cố bất động sản dưới chuẩn đã làm đảo lộn thị trường tài chính Mỹ.

Gói cứu trợ này đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều do tính rủi ro quá cao và còn được coi là bất công cho những người nộp thuế. AIG còn gây chấn động trong dư luận khi các lãnh đạo vẫn nhận được các món tiền thưởng khổng lồ bất chấp hãng đã nhận được quá nhiều sự giúp đỡ về mặt tài chính từ phía công chúng. Tuy nhiên, giờ đây không ai có thể phủ nhận rằng chính phủ Mỹ đã thu hồi được tiền và thậm chí còn nhận được mức lợi nhuận khá cao.

Vụ giải cứu AIG cũng là lực đẩy rất lớn khiến Quốc hội Mỹ thông qua Dodd-Frank - đạo luật có mục đích giới hạn những chi phí mà người nộp thuế phải bỏ ra để giải cứu các công ty bên bờ phá sản. 

Hồi tháng 10/2012, AIG trở thành tổ chức phi ngân hàng đầu tiên thừa nhận đang bị các nhà điều hành xem xét liệt vào tổ chức có rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính. Bị liệt vào danh sách này có nghĩa là hàng sẽ phải đáp ứng những nhu cầu khắt khe hơn về vốn. 

Chiến dịch "giải cứu" Tập đoàn xe hơi GM

General Motors Corporation (GM) là hãng sản xuất ô tô có trụ sở ở Detroit, Michigan, Mỹ. Đây đã là hãng sản xuất ô tô lớn thứ hai thế giới, sau Toyota theo xếp hạng doanh thu toàn cầu năm 2008.

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế năm 2008, số nợ của GM tính đến cuối tháng 5/2009 lên tới 172,81 tỷ USD trong khi tổng tài sản chỉ có 82,29 tỷ USD. Điều này buộc GM phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án ở khu Hạ Manhattan, New York vào ngày 1/6/2009, trở thành vụ phá sản lớn nhất từng có của một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Mỹ.

Theo bản kế hoạch bảo hộ phá sản và tái cơ cấu mà GM vừa nộp lên tòa án, chính phủ liên bang Mỹ sẽ nắm giữ 60% cổ phần GM mới, chính phủ Canada giữ 12,5% (với 9,5 tỷ USD hỗ trợ GM), nghiệp đoàn ô tô Mỹ (UAW) giữ 17,5%, và các trái chủ giữ 10%. 

Trong giai đoạn cuối năm 2008, đầu năm 2009, chính quyền Tổng thống Bush và Obama đã phải chi 50,2 tỷ USD để viện trợ khẩn cấp cho GM, nhằm giúp nhà sản xuất này sống sót qua cuộc khủng hoảng kinh tế. 

Các chuyên gia nhận định dòng tiền này đã không chỉ cứu GM mà còn ngăn chặn sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng của ngành ô tô Mỹ và đảm bảo khoản thu thuế trong vòng hai năm cho Chính phủ Mỹ.

Bằng lợi thế được vay lãi thấp, cắt giảm chi phí lao động và chỉ tập trung vào những thương hiệu mạnh nhất, GM đã trở thành biểu tượng cho sự hồi sinh trong ngành công nghiệp xe hơi Mỹ.

Ngày 9/12/2013, những cổ phiếu cuối cùng của General Motors (GM) - tập đoàn xe hơi hàng đầu nước Mỹ - thuộc sở hữu Bộ Tài chính Mỹ đã được bán nốt, chính thức khép lại chương trình hỗ trợ kéo dài 5 năm nhằm giải cứu "đại gia" này trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2009.

Trong báo cáo hàng quý, một cơ quan giám sát Bộ Tài chính cho biết, với thương vụ cứu GM, Chính phủ Mỹ đã bị lỗ 11,2 tỷ USD, vượt ước tính từng đưa ra là 10,3 tỷ USD. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ nói rằng, nếu không cứu GM, hậu quả sẽ tồi tệ hơn rất nhiều so với mức lỗ này. 

Tin mới lên