Tài chính quốc tế

Những tính toán chiến lược, chiến thuật của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine

Trong khi các nước phương Tây đồng loạt lên án Nga tấn công Ukraine, Trung Quốc lại thể hiện thái độ tương đối lặng lẽ, thậm chí còn thắt chặt quan hệ với Nga hơn. Tất cả đều nằm trong các tính toán chiến thuật, chiến lược của Trung Quốc trên bàn cờ toàn cầu.

Những tính toán chiến lược, chiến thuật của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine

Những tính toán chiến lược, chiến thuật của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine

Cách tiếp cận mềm mỏng, cân bằng

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân ra tuyên bố tái khẳng định quan điểm trung lập của Trung Quốc, nhấn mạnh kiềm chế, áp dụng ngoại giao, ủng hộ “phía châu Âu và Nga thực hiện đối thoại bình đẳng về các vấn đề an ninh châu Âu, giương cao nguyên tắc an ninh không thể chia cắt”.

Trung Quốc lướt qua vấn đề Ukraine bằng cách liên kết cuộc xung đột này với vấn đề rộng lớn hơn, đó là cơ chế an ninh châu Âu.

Còn tại Hội nghị An ninh Munich 2022, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh nhu cầu tôn trọng “các quan ngại an ninh hợp lý” của Nga, đồng thời bảo vệ “chủ quyền, độc lập, và toàn vẹn lãnh thổ của bất cứ nước nào” bao gồm Ukraine.

Bắc Kinh không ủng hộ các “lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ” và gọi đó là hành vi “thiếu trách nhiệm”. Nhưng đồng thời Bắc Kinh ít nhiều bày tỏ cảm thông với Liên minh châu Âu (EU), chủ yếu là Pháp và Đức. Ông Vương tuyên bố rằng tình hình ở Ukraine “trái với lợi ích của châu Âu”, và ông này nhấn mạnh nỗ lực “trung gian ngoại giao” của châu Âu.

Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy có hệ thống sự hiện diện chiến lược của mình trên lục địa Á-Âu, đặc biệt là ở châu Âu. Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc không có xu hướng hy sinh hoàn toàn quan hệ của mình với Ukraine, vì Ukraine là đối tác thương mại lớn, và vì Trung Quốc cũng muốn tỏ ra tôn trọng các nước chủ đạo ở châu Âu có cảm tình với Ukraine.

Như vậy, một mặt Trung Quốc đã tận dụng chính thực tế Nga đang bị phương Tây cô lập sau khi phát động chiến dịch tấn công Ukraine - nhân cơ hội này, Trung Quốc củng cố hơn nữa mối quan hệ vốn đã chặt chẽ với Nga. Mặt khác, Trung Quốc cố gắng thể hiện mình là một đối tác tin cậy về kinh tế và chiến lược cho châu Âu.

Tất cả các tuyên bố của Bắc Kinh đều hướng tới việc đạt được chương trình nghị sự đối ngoại của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về một “kỷ nguyên mới”.

Tận dụng cơ hội từ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga

Thời điểm Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Trung Quốc đã không ủng hộ cũng không lên án động thái của Nga. Và bây giờ cũng vậy. Quan điểm Trung Quốc vẫn nhất quán. Trung Quốc không ủng hộ chiến thuật của Nga (công nhận nền độc lập của 2 vùng ly khai ở Donbass, Ukraine) nhưng dường như Trung Quốc có ngầm ủng hộ quan điểm của Nga ở một chừng mực nào đó khi họ hiểu rằng Nga ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về Đài Loan. Vào tháng 2/2022, Nga đã tái khẳng định ủng hộ chính sách một nước Trung Hoa.

Cả năm 2014 và hiện nay, Trung Quốc đều phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Hồi năm 2014, cách tiếp cận đó của Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Nga-Trung. Sau khi phương Tây trừng phạt Nga thời điểm đó, Trung Quốc đã làm sâu sắc quan hệ kinh tế với Nga, ký nhiều thỏa thuận năng lượng trong đó có dự án đường ống khí đốt Siberia trị giá 400 tỷ USD.

Năm 2021, thương mại song phương giữa hai nước láng giềng đạt mức cao kỷ lục là 147 tỷ USD, trong đó dầu chiếm hầu hết xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc. Việc Nga tấn công Ukraine vào tháng 2/2022 sẽ chỉ thắt chặt thêm quan hệ Trung-Nga, nhất là về kinh tế.

Hướng tới một trật tự thế giới mới

Đầu tháng 2/2022, trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt trên đất Ukraine, Trung Quốc và Nga đã tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh, trong đó họ nhấn mạnh ủng hộ lẫn nhau “trong bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển, chống lại một cách hiệu quả sự can thiệp từ nước ngoài và các mối đe dọa đối với an ninh khu vực”.

Các thông cáo chung của hai nước đều nhất quán mô tả liên minh của họ là “hữu nghị” không có “vùng cấm”, tuyên bố “tái phân bổ quyền lực trên thế giới”.

Thực tế này phản ánh một sự thách thức rõ ràng đối với trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo. Ý đồ của Nga và Trung Quốc là xây dựng một trật tự mới. Quan hệ thân thiện giữa ông Tập và ông Putin cần được xem xét trong tầm vóc rộng lớn của mục tiêu làm xói mòn trật tự quốc tế lấy Mỹ làm trung tâm.

Trung Quốc đang theo đuổi chính sách ngoại giao thực dụng. Họ không thể hiện quan điểm quá rõ ràng về Ukraine nhằm thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, đồng thời dựa vào Nga để ứng phó với thách thức từ Mỹ, trong khi lại tiếp cận được nguồn năng lượng của Nga và công nghệ quốc phòng của Nga.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang theo dõi chặt chẽ sự phản ứng của phương Tây trước cuộc tiến công của Nga vào lãnh thổ Ukraine, và sẽ điều chỉnh quan điểm nếu tình hình leo thang.

Nói cách khác, các mục tiêu của Trung Quốc đều xuất phát từ lợi ích quốc gia.

Dẫu thân thiết với nhau, Nga và Trung Quốc đồng thời vẫn là đối thủ của nhau. Thế đứng mạnh hơn của Nga ở Á-Âu hoặc một cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài sẽ gây bất lợi cho các kế hoạch của ông Tập Cận Bình đối với khu vực này, đặc biệt là sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Tin mới lên